5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam đều đang gặp sự cố

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 21/2, tuyến cáp quang biển SMW-3 gặp trục trặc, như vậy hiện tại cả 5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam đều gặp sự cố.

Thông tin từ  một nhà cung cấp dịch vụ Internet tại Việt Nam cho biết SMW-3 bị lỗi cáp, xảy ra ở đoạn S2.7 đi Singapore.

Trước đó, 4 tuyến cáp quang quốc tế AAD, APG, AAE-1, IA cũng liên tục gặp sự cố ( hai tuyến AAG và APG đã mất toàn bộ dung lượng, hai tuyến IA và AAE-1 chỉ còn một phần hoạt động).

Như vậy,  cả 5 tuyến cáp quang biển kết nối Việt Nam đi quốc tế đều bị ảnh hưởng toàn bộ hoặc một phần.

Cả 5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam đều đang gặp sự cố.
Cả 5 tuyến cáp quang biển của Việt Nam đều đang gặp sự cố.

Tuy nhiên, việc này không ảnh hưởng đến chất lượng Internet của VNPT do đây là tuyến cáp cũ, dự kiến sắp dừng hoạt động và nhà mạng này không sử dụng dung lượng của tuyến cáp này cho các dịch vụ Internet băng rộng cố định của mình.

Đại diện VNPT cho biết, để khắc phục sự cố cáp quang biển liên tục đứt, VNPT đã tích cực ứng cứu bổ sung kênh cáp đất liền và triển khai nhiều giải pháp san tải lưu lượng giữa các hướng kết nối và các dịch vụ, phối hợp với các đối tác cung cấp dịch vụ/ứng dụng quốc tế để tối ưu chất lượng streaming, ưu tiên lưu lượng theo khung giờ và dịch vụ.

Đối phó với tình hình các tuyến cáp quang liên tục gặp sự cố, VNPT đã cùng với các tập đoàn quốc tế đầu tư vào tuyến cáp biển SJC2 với tổng chiều dài cáp ngầm dưới biển là 10.500Km, dung lượng thiết kế toàn hệ thống SJC2 là 126Tbps, riêng VNPT sở hữu dung lượng 9Tbps.

Nhà mạng Viettel cũng đã đầu tư vào tuyến cáp ADC. Đây là tuyến cáp quang biển có chiều dài cáp ngầm 9.800km, dung lượng đạt trên 140Tbps. Khi vận hành khai thác, tuyến cáp ADC sẽ bổ sung 18Tbps vào tổng dung lượng kết nối quốc tế của Viettel, góp phần cung cấp một lượng lớn dung lượng tốc độ cao kết nối từ Việt Nam đi quốc tế.

Cả 2 tuyến cáp này dự liến sẽ đi vào hoạt động trong năm nay.

Thực tế cho thấy rằng, bên cạnh việc cần có thêm các tuyến cáp biển, cũng cần đa dạng các kênh cáp đất liền, đặc biệt qua phía Tây, Tây Nam. Điều này không chỉ là để đáp ứng nhu cầu của người dùng Internet, mà còn đáp ứng mức độ an toàn về đảm bảo thông tin liên lạc của Việt Nam với thế giới.

Vì thế, trong thời gian tới Việt Nam cần đẩy mạnh hơn nữa công tác khai thác các tuyến cáp biển cũng như các kênh cáp đất liền để sớm đưa vào sử dụng.