7 vấn đề đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump

Lan Hương (Theo Washington Post)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngoài nhiệm vụ "đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại", ông Trump sẽ phải giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ giữa Mỹ và các quốc gia khác.

Cuộc chiến chống khủng bố, cạnh tranh thương mại với Trung Quốc, quan hệ với nước láng giềng Mexico là các vấn đề đối ngoại mà ông Trump phải xử lý khi chính thức trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ.
 Các vấn đề đối ngoại ông Trump phải đối mặt.
Cuộc chiến chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng
Khi ông Donald Trump chuẩn bị nhậm chức, nhóm khủng bố IS đang rơi vào thế phòng thủ tại Syria, Iraq. Các quan chức quân sự và ngoại giao tin tưởng rằng, một thất bại chiến thuật của IS chỉ là vấn đề thời gian. Tuy nhiên, nhómg khủng bố vẫn tồn tại hàng chục nghìn chiến binh thánh chiến và nhóm này đã có dấu hiệu chuyển địa bàn hoạt động sang các nước châu Âu.
 Diện tích do IS kiểm soát tại Trung Đông.
Ông Trump đã cam kết một chiến dịch chống khủng bố hiệu quả hơn người tiền nhiệm nhưng vẫn chưa rõ bước tiến mới trong chính sách của ông là gì.
Chương trình hạt nhân của Triều Tiên
CHDCND Triều Tiên đã tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 hồi tháng 9 năm ngoái. Lãnh tụ Kim Jong-un của nước này cũng tuyên bố, Bình Nhưỡng đang ở “bước cuối cùng” trong việc chuẩn bị phóng một tên lửa tầm xa có khả năng mang đầu đạn hạt nhân có thể vươn tới lục địa Mỹ. Đáp lại, ông Trump khẳng định trên trang cá nhân rằng vụ thử tên lửa sẽ không xảy ra.
Hiện cuộc đàm phán giải trừ hạt nhân 6 bên về Triều Tiên, bao gồm cả các bên trong khu vực và Mỹ, bắt đầu từ năm 2003 đã bị tạm ngưnng vào năm 2008. Giới chức Mỹ tuyên bố sẽ không tiếp tục cho đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân gây tranh cãi của mình.
Sau khi trở thành Tổng thống Mỹ, ông Trump phải “thừa hưởng” việc vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.
Cuộc xung đột Ukraine
Chính quyền Kiev thân phương Tây lo ngại, ông Trump sẽ không còn ủng hộ Ukraine khi có xu hướng cải thiện quan hệ với Moscow.
 Cuộc xung đột Ukraine.
Ông Trump từng tuyên bố, ông ít quan tâm tới cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, liên quan đến việc Moscow sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm 2014.
Tuy nhiên, về các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các nước phương Tây áp dụng với Moscow từ sau động thái trên của Nga, dự kiến ông Trump sẽ có sự “va chạm” với Quốc hội khi các nghị sĩ vẫn ủng hộ trừng phạt kinh tế với Nga.
Cạnh tranh với thương mại Trung Quốc
Ông Donald Trump sẽ phải đối mặt với sức mạnh đang lên đang ngày càng thách thức kinh tế Mỹ trong khu vực Thái Bình Dương.
Quan hệ thương mại Mỹ - Trung dự báo nhiều sóng gió. 
Trong quá trình tranh cử, ông Trump đã có các phát ngôn cứng rắn đối với Bắc Kinh, đổ lỗi cho nước này “cướp” công ăn việc làm của dân Mỹ và cáo buộc các chính sách thao túng tiền tệ không công bằng của Trung Quốc. Dự báo, quan hệ thương mại Trung Quốc - Mỹ sẽ có nhiều sóng gió. 
Truyền thông Trung Quốc cũng đáp lại bằng giọng điệu cứng rắn. Trong những tuần gần đây, tờ thời báo Hoàn cầu (Global Times) đã ban hành một số cảnh báo về khả năng trả đũa nếu chính quyền Tổng thống đắc cử Trump hiện thực hóa các đe dọa của áp đặt mức thuế quan trừng phạt đối với Bắc Kinh.
Mối quan hệ với đồng minh châu Âu
Mối quan hệ đồng minh Mỹ - châu Âu trong nhiều thập kỷ qua đã là mốc quan trọng của an ninh toàn cầu, được tạo dựng trên các giá trị và lợi ích chung.
Tuy nhiên, khi ông Trump lên nắm quyền, nhiều quốc gia châu Âu đã e ngại khoảng cách giá trị ngày càng lớ dần giữa các đồng minh ở Đại Tây Dương.
Các phát ngôn của ông Trump về biến đổi khí hậu, nhập cư, tự do báo chí, phổ biến vũ khí hạt nhân... đi ngược lại với quan điểm mà các nhà lãnh đạo châu Âu cho là cốt lõi để định hình phương Tây.
Sau chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử, các quan chức châu Âu đã cố gắng để thu hẹp những khác biệt và tập trung vào lợi ích mà cả 2 bên tiếp tục chia sẻ. Nhưng điều này có thể chưa đủ.
Thỏa thuận hạt nhân Iran
Thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt được trong năm 2015 sẽ trở nên khó khăn căng thẳng dưới thời Tổng thống Donald Trump. Ông Trump từng tuyên bố sẽ đàm phán lại thỏa thuận này.
 Thỏa thuận hạt nhân Iran từng được coi là thành công của chính quyền Obama.
Như vậy, dự báo, chính quyền Tổng thống Trump có khả năng đối đầu với các nước cộng hòa Hồi giáo cao hơn chính quyền tiền nhiệm của ông Obama. Các cuộc đối đầu có thể dẫn đến leo thang căng thẳng và ảnh hưởng đến những nỗ lực hợp tác nhằm chấm dứt cuộc chiến chống lại IS ở Syria - vấn đề mà chính phủ Nga và Iran đều ủng hộ
Quan hệ với láng giềng Mexico
Donald Trump sẽ tạo ra một mối quan hệ Mỹ - Mexico hoàn toàn sáng tạo của riêng mình. Mỹ và Mexico có vô số các sợi dây kết nối chặt chẽ như thương mại, du lịch, cuộc chiến chống lại trùm ma túy...
Tuy nhiên, ông Trump có thể thay đổi tất cả. Từ những phát ngôn gây tranh cãi khi gọi người nhập cư Mexico là tội phạm, đe dọa xây bức tường tại biên giới 2 nước, trục xuất hàng triệu người... ông Trump đã đưa quan hệ 2 nước vào tình trạng báo động đỏ.
Không ai biết rõ ông Trump sẽ theo đuổi chính sách nào với Mexico nhưng cơ chế tự vệ của Mexico đã được mở.
Tổng thống Enrique Pena Nieto và các quan chức hàng đầu Mexico thường xuyên khẳng định tầm quan trọng của Mexico với Mỹ, cho rằng, đề xuất của ông Trump sẽ làm tổn thương nền kinh tế Mỹ.