ActionAid xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu Đông Nam Á

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ khi thực hiện dự án “Xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai, biến đổi khí hậu Đông Nam Á”, đã có nhiều sáng kiến được phê duyệt thực hiện và giải ngân nhiều tỷ đồng, giúp giảm rủi ro thiên tai cho hơn chục nghìn người.

Chiều 28/10, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo nguồn nhân lực ASEAN - trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (KHXH&NV) thuộc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tổ chức ActionAid quốc tế tại Việt Nam (AAV); Quỹ Hỗ trợ chương trình, dự án an sinh xã hội Việt Nam (AFV); Hội Hữu nghị Việt Nam – Đông Nam Á; Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo với chủ đề “Thúc đẩy xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu tại một số quốc gia Đông Nam Á”.

Các diễn giả trong và ngoài nước chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.
Các diễn giả trong và ngoài nước chụp ảnh lưu niệm tại hội thảo.

Đây là hội thảo quốc tế, có hơn 150 đại biểu là Tổng Lãnh sự quán Indonesia, Campuchia; Phó trưởng Ban Văn hóa - xã hội HĐND TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh, lãnh đạo ActionAid, AVV cùng sinh viên các nước ASEAN đang theo học tại trường Đại học KHXH&NV tham dự.

Hội thảo nghe giới thiệu những mô hình thành công trong vận động tăng nguồn tài chính cho các sáng kiến xây dựng cộng đồng thích ứng với thiên tai và biến đổi khí hậu ở Việt Nam, Indonesia, Campuchia trong bối cảnh ASEAN là một khu vực có nhiều quốc gia thành viên nằm trong danh sách các nước có mức độ rủi ro rất cao về thiên tai và tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.

Ông Bùi Bá Bình - Phó Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ AFV cho biết, hội thảo là kết quả của hoạt động do Quỹ AFV phối hợp với 3 nhóm nghiên cứu tại 3 nước: Việt Nam, Campuchia, Indonesia triển khai từ tháng 8/2021-6/2022, do tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BfdW) và ActionAid đồng tài trợ.

Hội thảo nhằm cung cấp những góc nhìn khác nhau về khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính dành cho các sáng kiến cộng đồng xây dựng khả năng chống chịu tốt hơn với thiên tai, và thích ứng với các tác động bất lợi của biến đổi khí hậu tại các nước ASEAN. Trên thực tế, các nước giàu phát thải nhiều trong thời gian dài cần có trách nhiệm trong việc tài trợ và hợp tác với các nước nghèo hơn để tất cả cùng hành động vì mục tiêu phát triển bền vững trên toàn cầu.

Tại hội thảo, các đại biểu đã nghe sáng kiến của Đội xung kích xã An Mỹ (huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng). Đội thành lập từ tháng 3/2020 với 15 thành viên, có nhiệm vụ tham gia các hoạt động phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai tại địa phương. Kể từ khi thành lập, Đội xung kích đã xây dựng 25 sáng kiến, trong đó có 14 sáng kiến được phê duyệt thực hiện, huy động được hơn 3,7 tỷ đồng, giúp giảm rủi ro thiên tai cho hơn 10.000 người; đồng thời còn giảm thiệt hại cho diện tích sản xuất đất nông nghiệp, nhà ở.

PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân - Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam - ASEAN TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2022 là năm ASEAN kỷ niệm 55 hình thành và phát triển. Khẩu hiệu ASEAN 2022 do Campuchia đề xướng: “ASEAN hành động cùng ứng phó các thách thức” cũng sẽ là tinh thần cam kết quyết tâm hành động “Vì một Đông Nam Á xanh và phát triển bền vững”.

Tại hội thảo cũng công bố giải thưởng “Đại sứ thanh niên vì phát triển bền vững”. Đây là kết quả hợp tác giữa trường Đại học KHXH&NV với ActionAid và Quỹ AF.

Hàng năm sẽ có hai đợt xét giải, mỗi đợt tổng giá trị 250 triệu đồng. Giải thưởng dành tặng các cá nhân hoặc nhóm thanh niên có đề tài/sáng kiến nghiên cứu và ứng dụng xuất sắc, giải quyết những vấn đề của cộng đồng về bảo vệ môi trường, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu và nâng cao vai trò và sự tham gia của thanh niên trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững ở Việt Nam, đặc biệt là Đồng bằng sông Cửu Long.