ADB: Việt Nam sẽ là quốc gia tăng trưởng nhanh nhất trong khu vực

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định, được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế sẽ bứt phá trong năm 2018, nhờ đó Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực.

ADB nhận định, kinh tế của Việt Nam sẽ tăng tốc trong năm 2018, sau đó giảm nhẹ vào năm 2019.
Dự báo GDP tăng 7,1%
Việt Nam dự kiến sẽ tiếp tục đạt được kết quả tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng GDP dự báo tăng lên 7,1% trong năm nay, trước khi giảm xuống còn 6,8% trong năm 2019, theo như một báo cáo chủ đạo của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) được công bố ngày 11/4.

Theo đó, báo cáo ADB nhận định chung triển vọng kinh tế của Việt Nam là sáng sủa, trong môi trường toàn cầu nhiều thách thức, kinh tế dự báo sẽ tăng tốc trong năm 2018, sau đó giảm nhẹ vào năm 2019. Tăng trưởng của Việt Nam đang đạt “điểm chín” với đóng góp của tất cả các ngành. Duy trì tăng trưởng như vậy sẽ rất khó khăn.

Ông Eric Sidgwick - Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định: “Được hỗ trợ bởi năng lực quản lý kinh tế vĩ mô, tăng trưởng kinh tế sẽ bứt phá trong năm 2018, nhờ đó Việt Nam sẽ trở thành một trong những quốc gia tăng trưởng nhanh nhất của khu vực. Tăng trưởng kinh tế cao của Việt Nam sẽ được dẫn dắt bởi sự mở rộng mạnh mẽ lĩnh vực chế tạo và xuất khẩu, gia tăng tiêu dùng nội địa, dòng vốn đầu tư dồi dào của các DN FDI và DN trong nước, cũng như cải thiện lĩnh vực nông nghiệp”.

Cụ thể, tăng trưởng của ngành sản xuất chế tạo ở mức cao, 14,4%. Doanh số bán lẻ bán lẻ tăng 10,9% trong khi đó lượng khách quốc tế đến Việt Nam tăng 29,1% và cho vay của ngân hàng tăng 18%. Trong báo cáo ADB đặc biệt nhấn mạnh, lĩnh vực nông nghiệp phục hồi cũng chính là những động lực mạnh mẽ góp phần giúp tăng trưởng của Việt Nam sẽ duy trì được mức tăng trưởng cao. Lý giải điều này, ADB đã chỉ ra do điều kiện thời tiết tốt hơn và cầu xuất khẩu tăng mạnh, sản lượng nông, lâm thủy sản tăng 4% trong quý I/2018, gấp 2 lần so với cùng kỳ năm trước.

Ông Sidgwick cũng khuyến cáo, sự tăng cường nỗ lực thu ngân sách trên mọi lĩnh vực của Chính phủ trong năm 2017 đã giúp kép giảm nợ công xuống còn 61,3% GDP vào cuối năm 2017 từ 63,6% trong năm ngoái. Sự củng cố tài khóa cùng với lạm phát ở mức thấp sẽ tạo điều kiện tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô.

Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) 2018 dự báo lạm phát sẽ đạt mức trung bình 3,7% trong năm nay, tăng lên so với mức 3,5% của năm 2017 và đạt tới 4% trong năm 2019 do sự gia tăng cầu nội địa và giá cả hàng hóa toàn cầu.
FDI qua các năm. Đvt: Tỷ USD.
Gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu

Trong khi nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng vững chắc của Việt Nam, báo cáo cũng lưu ý một số nguy cơ đối với triển vọng này, gồm cả sự gia tăng chủ nghĩa bảo hộ thương mại toàn cầu.

Kim ngạch thương mại hàng năm của Việt Nam hiện vượt mức 185% GDP, khiến Việt Nam trở thành nền kinh tế phụ thuộc vào thương mại cao thứ hai ở Đông Nam Á, sau Singapore. Báo cáo lưu ý rằng một số sự cố nghiêm trọng trong thương mại giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam (Hoa Kỳ - Trung Quốc) sẽ dẫn tới những tác động lan tỏa đối với tăng trưởng kinh tế.

Về tiến độ thoái vốn nhà nước khỏi các DN quốc doanh trong năm 2017 đã nhanh hơn, song vẫn chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Chính phủ đã thoái vốn trong 39 DN nhà nước, so với chỉ tiêu đề ra là 44. Hoạt động thoái vốn này thu về cho nhà nước 1 tỷ USD, là thu nhập thoái vốn cao nhất trong một năm kể từ khi khởi động chương trình vào năm 2013. Tình hình xử lý nợ xấu (NPL) đạt tiến triển chậm hơn. Tỉ lệ nợ xấu theo báo cáo chính thức đến cuối năm 2016 đã giảm xuống còn 2,3% tổng mức dư nợ vào cuối năm 2017, chỉ thấp hơn một chút so với mức 2,5% tính đến cuối năm 2016. Điều này một phần là do nợ xấu tiếp tục được chuyển từ hệ thống ngân hàng sang cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC). Trong khi đó, nợ xấu do cả VAMC và các ngân hàng nắm giữ, cộng với nợ xấu tiềm tàng tính đến cuối năm 2017 đứng ở mức 7,9% tổng dư nợ, so với mức 10,1% vào năm 2016.

Theo ADB, rủi ro trong khu vực tài chính đến từ lượng nợ xấu chưa được xử lý và các ngân hàng thiếu vốn là nguồn rủi ro nội tại đối với triển vọng kinh tế của Việt Nam, cũng như khả năng tăng trưởng tín dụng nhanh bất ngờ, mặc dù Nghị quyết do Quốc hội mới ban hành và Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi sẽ dỡ bỏ một số rào cản pháp lý hiện đang cản trở việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu ngân hàng một cách hiệu quả.

Đồng thời, mọi động thái tăng cường bảo hộ thương mại, như triển vọng Mỹ sẽ tăng thuế đối với mặt hàng thép và nhôm, sẽ ảnh hưởng mạnh đến Việt Nam. Việc phụ thuộc đáng kể vào vốn FDI và thương mại với Hàn Quốc làm cho Việt Nam rủi ro hơn đối với các căng thẳng địa chính trị. Biến động trên thị trường tài chính quốc tế gia tăng hoặc luồng vốn gián đoạn sẽ có ảnh hưởng lan tỏa đáng kể đến thị trường nội địa.
Ngoài ra, báo cáo cũng khuyến nghị cần có nhiều nỗ lực hơn nữa để giải quyết vấn đề thiếu hụt kỹ năng của Việt Nam nhằm đảm bảo tăng trưởng được duy trì bền vững và công bằng.
“Trong thập niên vừa qua, Việt Nam đã có thể huy động nguồn cung lớn nhân lực trẻ, được đào tạo để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực chế tạo cần nhiều lao động. Tuy nhiên, khi nền kinh tế Việt Nam dần trở nên phức tạp hơn, khoảng cách giữa trình độ của người lao động và nhu cầu của DN ngày càng lớn hơn. Nếu không được khắc phục, sự thiếu hụt kỹ năng này có thể trở thành rào cản lớn đối với những tham vọng phát triển của Việt Nam”, ông Sigdwick phân tích.