Agribank đề ra nhiều giải pháp để bứt phá

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018, lợi nhuận trước thuế đạt 7.525 tỷ đồng, đây là sự bứt phá kỷ lục của Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn (Agribank) so với kế hoạch đề ra 5.700 tỷ đồng. Agribank không ngừng trưởng thành, lớn mạnh, liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và kinh doanh hiệu quả.

Các chỉ tiêu đều tăng gấp hơn 2 lần
Năm 2018 là thời điểm ghi dấu chặng đường 30 năm phát triển của Agribank. Tổng tài sản đạt gần 1,3 triệu tỷ đồng; nguồn vốn đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng tăng 11,8%, đảm bảo các tỷ lệ an toàn và thanh khoản; dư nợ cho vay nền kinh tế đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 14,6%. Trong đó tín dụng đầu tư cho "Tam nông" chiếm 70,5% tổng dư nợ của Agribank; Dịch vụ đạt 5.400 tỷ đồng, tăng trưởng 21%; Nợ xấu tính theo Thông tư 02 là 1,51%, thấp hơn so với năm 2017;. Trích lập dự phòng rủi ro của ngân hàng đạt 25.590 tỷ đồng. Tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20.000 tỷ đồng, đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAM. Đặc biệt thu nợ đã xử lý rủi ro đạt 11.936 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 14% tổng dư nợ đã xử lý, góp phần quan trọng vào việc tăng lợi nhuận năm 2018 của Agribank lên 7.525 tỷ đồng.
 Giao dịch tại chi nhánh của Agribank. Ảnh: Nguyên Anh
Agribank là ngân hàng gắn bó với “Tam nông”, khi 70% dư nợ tín dụng trực tiếp dành cho khu vực này và chiếm khoảng gần 50% tổng tín dụng toàn ngành dành cho nông nghiệp… Agribank triển khai 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai đến 100% số xã trên cả nước. Agribank còn thực hiện giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên và có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng đối với khách hàng.
Chủ tịch HĐTV Agribank Trịnh Ngọc Khánh cũng cho biết: Kết quả đạt được năm 2018 đã minh chứng cho công tác quản trị điều hành thời gian qua của Agribank, các chỉ tiêu kinh doanh đặt ra đều tăng trưởng gấp hơn 2 lần so với thời điểm bắt đầu tái cơ cấu. Agribank thực sự vượt qua thời kỳ khó khăn, đứng vững trong cạnh tranh.
2019, gia tăng dịch vụ, phát triển ngân hàng số
Thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 53/QĐ-NHNN ngày 15/11/2013 của Thống đốc NHNN, Agribank đã xây dựng và thực hiện thành công tái cơ cấu giai đoạn 1 với nhiều biến chuyển tích cực, cơ bản hoàn thành các mục tiêu quan trọng. Bước vào triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2, thực hiện Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016 - 2020 gắn với xử lý nợ xấu và quá trình cổ phần hóa, Agribank đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo lộ trình và tiếp tục về đích trước thời hạn.
Tại buổi thăm và làm việc với Agribank đầu năm mới, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ kỳ vọng, năm 2019 hoạt động kinh doanh của Agribank cải thiện hơn trên mọi phương diện so với năm 2018. “Mốc hơn 7.500 tỷ đồng lợi nhuận năm 2018 là con số đáng ghi nhận của Agribank. Nợ xấu nội bảng theo Thông tư 02 đã thấp hơn so với năm 2017. Một trong những chỉ tiêu cũng rất ấn tượng là tuy con số dịch vụ ngân hàng phi tín dụng còn khiêm tốn nhưng năm vừa rồi cũng trên 21%” - Phó Thủ tướng ghi nhận và nhấn mạnh, có thể nói năm 2018 là năm kết thúc rất có hậu của Agribank trong giai đoạn 5 năm đầu tiên tái cơ cấu của ngân hàng.
Năm 2019 là năm bứt phá, có tác động lớn đến nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch của cả giai đoạn 2016 - 2020, Phó Thủ tướng lưu ý Agribank một số nội dung trọng tâm cần phải triển khai trong thời gian tới, đó là: Tiếp tục tập trung triển khai tái cơ cấu giai đoạn 2, phấn đấu hoàn thành trước thời hạn các chỉ tiêu đề ra trong Quyết định 1058 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu.
Năm 2019 đặt mục tiêu làm sạch nợ tại VAMC; doanh thu từ các dịch vụ gia tăng của ngân hàng phi tín dụng tăng 25%, tập trung xây dựng dần ngân hàng số... Đặc biệt, phải đẩy nhanh tiến độ các bước chuẩn bị để năm nay phấn đấu chuyển đổi mô hình hoạt động sang ngân hàng thương mại cổ phần, cố gắng IPO vào cuối năm 2019 chậm nhất đầu năm 2020.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần