Agribank tăng năng lực để vươn cao

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tăng vốn được Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Agribank) xác định là nhiệm vụ “cấp bách” để đáp ứng các tỷ lệ bảo đảm an toàn hoạt động của ngân hàng và tăng khả năng thanh khoản trong tình hình mới.

Giao dịch tại chi nhánh Agribank Hà Nội.
Cổ phần hóa và bài toán tăng vốn
Sau khi 3 trên tổng số 4 “tứ trụ” của ngành ngân hàng Việt Nam được cổ phần hóa, Agribank dường như lại bị tụt lại phía sau. Bài toán cổ phần hóa đã được đề cập đến như một lựa chọn sống còn để cải thiện sức mạnh tài chính và tình hình kinh doanh của Agribank. Trong danh sách thoái vốn Nhà nước giai đoạn 2016 - 2020, Agribank cũng đã được “xướng tên”, với chủ trương Nhà nước sẽ chỉ còn nắm giữ 65% vốn điều lệ sau cổ phần hóa. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa đang chậm so với tiến độ đề ra bởi những thách thức, vướng mắc mà không chỉ Agribank có thể tự giải quyết được.
Kết thúc 8 tháng năm 2019, Agribank đạt lợi nhuận trước thuế 8.820 tỷ đồng, hoàn thành 80,2% kế hoạch lợi nhuận tối thiểu cho năm 2019 (11.000 tỷ đồng). Tổng tài sản đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, tổng nguồn vốn huy động đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng, dư nợ cho vay nền kinh tế đạt hơn 1 triệu tỷ đồng.
Khối tài sản lớn của ngân hàng này cũng khiến cho việc xác định giá trị DN phức tạp và mất nhiều thời gian hơn. Bên cạnh đó, Agribank hiện đang phải đối mặt với một số khó khăn, thách thức không hề nhỏ, trong đó, nan giải nhất là bài toán tăng vốn. Đại diện Agribank cho biết, quy mô tài sản, nguồn vốn, đầu tư tín dụng đều trên 1 triệu tỷ đồng, dẫn đầu toàn hệ thống và thực hiện vai trò chủ đạo trong tín dụng nông nghiệp nông thôn, hàng năm tăng trưởng tín dụng từ 11 - 14% để đáp ứng nhu cầu vốn cho người dân, DN.
Đặc biệt, từ cuối năm 2018, Nghị định 116 của Chính phủ về sửa đổi Nghị định 55 có hiệu lực đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho khách hàng vay vốn không có tài sản đảm bảo, tuy nhiên lại là áp lực đối với Agribank khi tỷ trọng cho vay nông nghiệp nông thôn trên 70% và chủ yếu là cho vay không có tài sản bảo đảm. Điều này dẫn đến quy mô tài sản có rủi ro tăng mạnh (70.000 - 80.000 tỷ đồng mỗi năm), bên cạnh việc cho vay nông nghiệp thường xuyên phải đối mặt với rủi ro thiên tai bất khả kháng, chi phí hoạt động lớn và rủi ro cao. Lãnh đạo Agribank kiến nghị nếu không được bổ sung vốn điều lệ, thời gian tới ngân hàng không đáp ứng đủ tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu.
Đáp ứng xu thế phát triển
Tính đến 31/3/2019, Agribank đã phát hành tổng cộng 20.331,459 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn trên 5 năm. Mới đây, Agribank đã phát hành thành công 99,95% trong tổng số 5.000 tỷ đồng trái phiếu, lãi suất kỳ đầu 8,1%/năm. Đây là lô trái phiếu không chuyển đổi, có kỳ hạn 7 năm, mệnh giá 1 triệu đồng/trái phiếu, đủ điều kiện để tính vào vốn cấp 2 của ngân hàng. Số tiền phát hành thành công 5.000 tỷ đồng trái phiếu đợt này sẽ được Agribank sử dụng tăng trưởng thêm nguồn vốn dài hạn đáp ứng nhu cầu cho vay nền kinh tế; đồng thời nhằm tăng vốn cấp 2 đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Hiệp Hội Ngân hàng cho rằng, các bộ, ngành liên quan cần sớm triển khai các biện pháp ưu tiên, khẩn trương giải quyết nhu cầu cấp thiết về tăng vốn điều lệ của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Agribank, BIDV, Vietcombank, VietinBank). Hiệp Hội cũng kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước trước mắt cần cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước được giữ lại lợi nhuận hàng năm hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu để tăng vốn, giải quyết phần nào những khó khăn, vướng mắc, cản trở hiện nay của 4 ngân hàng.
Dự kiến năm 2019, con số lợi nhuận của Agribank sẽ đạt tối thiểu 10.000 tỷ đồng. Trong chiến lược phát triển, ngân hàng đang phấn đấu trở thành một trong 150 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất khu vực châu Á vào cuối năm 2020. Tăng vốn còn có con đường khác để thực hiện kỳ vọng đưa một số ngân hàng Việt Nam, trong đó có Agribank đạt đủ năng lực tài chính và quy mô để tham gia vào cuộc cạnh tranh quốc tế.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần