Hội nghị COP27 tại Ai Cập

Ai sẽ bồi thường cho các nạn nhân của biến đổi khí hậu?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nước giàu có, tác nhân gây ra thiệt hại to lớn từ biến đổi khí hậu, cần phải có trách nhiệm "đền bù thiệt hại" chứ không chỉ đơn thuần là làm từ thiện.

Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif nói chuyện với các đại biểu sau cuộc họp báo chung với Tổng thư ký Liên Hợp quốc tại Hội nghị COP27 ở Ai Cập, ngày 7/11/2022. Ảnh: AFP
Thủ tướng Pakistan Shehbaz Sharif nói chuyện với các đại biểu sau cuộc họp báo chung với Tổng thư ký Liên Hợp quốc tại Hội nghị COP27 ở Ai Cập, ngày 7/11/2022. Ảnh: AFP

Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp quốc COP27 đã chính thức khai mạc tại Ai Cập với việc bổ sung các cuộc đàm phán về hỗ trợ kinh phí "tổn thất và thiệt hại", nhằm bồi thường cho các quốc gia nghèo hơn vào chương trình nghị sự.

Chủ đề gây tranh cãi đã được đặt ra tại hội nghị lần này. Trong đó các quốc gia nghèo, nơi đang phải gánh chịu những thiệt hại to lớn từ biến đổi khí hậu, nhận thức được tầm quan trọng trong việc tìm kiếm sự công bằng khi giải quyết tình trạng nóng lên toàn cầu, cũng như những quốc gia giàu có đã gây ra phần lớn thiệt hại cho các nước nghèo từ việc xả thải CO2, nhưng lại chần chừ giải quyết những hậu quả này.

Pakistan là quốc gia đề xuất danh mục "tổn thất và thiệt hại" vào chương trình làm việc của hội nghị COP27, sau khi nước này phải chịu thiệt hại nặng nề do đợt lũ lụt chưa từng có quét qua 1/3 đất nước. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, ngay trong chương trình làm việc chính thức của các hội nghị thượng đỉnh về khí hậu của Liên Hợp quốc (LHQ), các bên tham gia đàm phán đã đạt được sự nhất trí về vấn đề hỗ trợ cho các quốc gia chịu tổn thất và thiệt hại.

Đại sứ Munir Akram, Chủ tịch năm 2022 của G77 - một liên minh 134 nước đang phát triển, trong đó nhiều nước đang phải gánh chịu hậu quả lớn nhất từ việc biến đổi khí hậu - phát biểu tại lễ khai mạc COP27 hôm 7/11: "Lũ lụt đã để lại những hậu quả nặng nề cho đất nước Pakistan của chúng tôi, khiến 33 triệu người phải sống trong cảnh cơ cực, bên cạnh thiệt hại ước tính lên tới 10% GDP".

Cũng trong bài phát biểu, ông Akram đã kêu gọi một cơ chế tài chính được dành riêng để giải quyết các "tổn thất và thiệt hại". Pakistan gần đây đã trải qua một loạt các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt, trong đó có một đợt nắng nóng kéo dài vào tháng 3 khi nhiệt độ ở miền Nam nước này tăng gần 49 độ C.

Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị COP27, Tổng thư ký LHQ Anotonio Gutteres đã đưa ra lời kêu gọi đoàn kết quốc tế. Ông thừa nhận những nước ít gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu lại đang phải gánh chịu những hậu quả nặng nề từ các tác động của nó. Ông nói: “Thật không công bằng khi các quốc gia ít gây ra biến đổi khí hậu lại phải gánh chịu những hậu quả mà do quốc gia khác gieo rắc".

"Tổn thất và thiệt hại" đã được nêu rõ vào đầu năm nay trong Báo cáo đánh giá lần thứ sáu do Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu công bố, và trở thành chủ đề thảo luận sôi nổi trên toàn cầu sau trận lũ lụt kinh hoàng ở Pakistan. Nhưng các quốc gia ở phía Bắc vẫn chưa chịu nhận trách nhiệm cho những hành động mà mình gây ra.

Trong một tuyên bố trước COP27, đặc phái viên của Tổng thống về Khí hậu Hoa Kỳ John Kerry bày tỏ lo ngại về việc cả thế giới đang quá chú tâm vào việc bồi thường những "tổn thất và thiệt hại" mà quên rằng việc giảm thiểu tối đa những thiệt hại mà biến đổi khí hậu gây ra đối với toàn cầu mới là quan trọng hơn cả.

Khi mà khoa học ngày càng chứng minh được những thảm họa ở các nước đang phát triển do sự nóng lên toàn cầu được gây ra bởi các quốc gia giàu có, thì những người ủng hộ đối với việc quy trách nhiệm cho các quốc gia này đang tạo nên những đợt sóng tranh luận gay gắt để tìm kiếm các khoản bồi thường thích hợp đối với những tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra.

Ngay cả khi các cuộc thảo luận về "mất mát và thiệt hại" tạo được dấu ấn trong hội nghị năm nay, vấn đề này có thể không được thông qua trong tuyên bố cuối cùng.

Để đạt được sự đồng thuận, các nhà đàm phán đã phải thảo luận về trách nhiệm pháp lý và bồi thường. Điều đó làm dấy lên mối lo ngại rằng những thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra cho các quốc gia đang phát triển có thể tiếp tục được chi trả bằng viện trợ nhân đạo, thay vì từ quỹ do các quốc gia giàu có - các nước đã góp phần lớn gây ra tình trạng ấm lên.

Các tổ chức xã hội dân sự và các nhà hoạt động môi trường cho rằng hỗ trợ tài chính cho các quốc gia ở tuyến đầu của biến đổi khí hậu không nên là các khoản từ thiện. "Nó phải là sự đền bù" - Mohamed Adow, người sáng lập và giám đốc của Power Shift Africa, một tổ chức xã hội dân sự chuyên vận động hành động vì khí hậu, nói.