Ai sẽ làm Thủ tướng Malaysia?

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những đồn đoán quanh diễn biến chính trường tại Malaysia vẫn nổ ra 2 ngày sau khi Thủ tướng Mahathir Mohamad đột ngột từ chức.

Trước đó, Văn phòng Thủ tướng Malaysia ngày 24/2 thông báo ông Mohamad Mahathir đã nộp đơn xin từ chức lên Quốc vương. Trong khi đó, ông Anwar Ibrahim, chính trị gia được xem là “người kế nhiệm” ông Mahathir lại cáo buộc Thủ tướng Malaysia phản bội lời hứa trao quyền lại cho ông này. Quốc vương Malaysia sau đó đã chấp thuận đơn từ chức của ông Mahathir và yêu cầu ông Mahathir làm Thủ tướng lâm thời.
 Thủ tướng lâm thời Malaysia Mohamad Mahathir. Ảnh: Reuters
Trong khi cựu Thủ tướng Mahathir tiếp tục lãnh đạo tạm thời mà không có nội các, các nỗ lực đang được tiến hành để tìm ra nhà lãnh đạo tiếp theo của đất nước. Hiện câu hỏi lớn là liệu nhà lãnh đạo 94 tuổi sẽ trở lại nắm quyền, hay “người kế nhiệm” của ông – chính trị gia Anwar Ibrahim, sẽ có đủ sự hỗ trợ từ một liên minh khó khăn để trở thành Thủ tướng tiếp theo. Khả năng giải tán quốc hội, mở đường cho cuộc bầu cử mới cũng đã xuất hiện.
Trước tình hình này, Quốc vương Malaysia Abdullah Sultan Ahmad Shah đã tổ chức tham vấn riêng với từng cá nhân trong tổng số toàn bộ 221 thành viên Hạ viện nước này, trừ Thủ tướng lâm thời Mahathir Mohamad, để tìm Thủ tướng mới. Cuộc gặp nhằm giúp Quốc vương Malaysia xác định nghị sĩ nào nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên Hạ viện để có thể trở thành Thủ tướng Malaysia.
Theo Straits Times, Quốc vương Abdullah hỏi ý kiến 90 nghị sĩ trong chiều 25/2, trong khi những nghị sĩ khác gặp ông vào ngày 26/2 trước khi Quốc vương đưa ra quyết định về vị trí Thủ tướng và việc hình thành Chính phủ mới. Theo quy định của Hiến pháp Malaysia, trong một số trường hợp có sự thay đổi, Quốc vương có thể thực thi quyền lực của mình theo điều 43 khoản 2, mục a Hiến pháp liên bang nhằm chỉ định Thủ tướng mới với nhiệm vụ giúp việc, cố vấn cho Quốc vương trong quản lý, điều hành, lãnh đạo đất nước. Ứng cử viên này phải là hạ nghị sĩ, không phải người nhập tịch và quan trọng hơn là ứng cử viên này phải nhận được ít nhất sự ủng hộ của 112 hạ nghị sĩ. Đây là lần đầu tiên có một quốc vương Malaysia tiến hành hình thức tham vấn như vậy.
Chính biến đã khiến ông Anwar rơi vào tình thế bấp bênh. Thực tế, ông Anwar từng làm Phó Thủ tướng khi ông Mahathir đảm nhiệm chiếc ghế Thủ tướng Malaysia lần thứ nhất. Tuy nhiên, do những bất đồng trong việc điều hành, quản lý lĩnh vực kinh tế, Anwar đã bị Mahathir sa thải năm 1998. Cho đến trước các cuộc bầu cử năm 2018, hai chính trị gia bất ngờ gác lại hiềm khích, bắt tay hợp tác thành lập Liên minh Hy vọng (PH) để lật đổ Chính phủ của ông Najib Razak.
Liên minh với hai trụ cột là đảng Bersatu do ông Mahathir sáng lập và đảng Công lý Nhân dân (PKR) của cựu Phó Thủ tướng Anwar. Theo thỏa thuận đạt được giữa đôi bên, ông Mahathir đã hứa hẹn rằng bản thân sẽ trao lại vị trí cho Anwar, song không định thời gian cụ thể cho việc này. Động thái từ chức hôm 24/2 của ông Mahathir đã phá vỡ liên minh cầm quyền với người từng được coi là đối thủ của ông, Anwar Ibrahim, 72 tuổi.
Theo Reuters, Đảng Bersatu của Thủ tướng Mahathir Mohamad hiện đang thảo luận với một số đảng khác về việc thành lập Chính phủ mới và loại trừ cựu Phó Thủ tướng Anwar Ibrahim thuộc đảng Công lý Nhân dân (PKR).
Mohd Faizal Musa, nhà nghiên cứu tại Viện Thế giới và Văn minh Malaysia tại Đại học Quốc gia Malaysia cho biết, bầu không khí chính trị hiện tại không thuận lợi cho ông Anwar. "Một nhân vật có phẩm chất lãnh đạo cũng phải là một người có sự hỗ trợ vững chắc, không bị chia rẽ từ đảng của mình, trong khi đảng PKR của ông này hiện đang phân lập” - Mohd Faizal Musa nói.
Trong khi đó, một giới chức Malaysia giấu tên chia sẻ với Al Jazeera rằng nước này cần một Thủ tướng mới càng sớm càng tốt, nếu không cái giá phải trả là sự ổn định của nền kinh tế. Hậu quả nhãn tiền là sự bán tháo lớn trên thị trường chứng khoán Kuala Lumpur hôm 25/2. Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s cũng cảnh báo về sự gia tăng nguy cơ hạ tín nhiệm của Malaysia.