Ăn chay giảm cholesterol và nguy cơ bệnh tim mạch

BS Nguyễn Phú Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà nghiên cứu đã xem xét mức độ LDL (lipoprotein mật độ thấp - thường được gọi là cholesterol “xấu” vì sự tích tụ có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim) ảnh hưởng như thế nào về sức khỏe.

Nghiên cứu cho thấy, mức LDL giảm 10% và tổng lượng cholesterol giảm 7% đối với những người theo chế độ ăn dựa trên thực vật khi so sánh với những người ăn cả thịt và thực vật.

TS Ruth Frikke-Schmidt, giáo sư hóa sinh lâm sàng và bác sĩ trưởng tại Rigshospitalet ở Copenhagen, Đan Mạch, tác giả nghiên cứu chính cho biết: “Điều này tương ứng với 1/3 tác dụng của việc dùng thuốc giảm cholesterol như statin và sẽ giúp giảm 7% nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở những người duy trì chế độ ăn uống dựa trên thực vật trong 5 năm”.

Chế độ ăn chay giúp giảm cholesterol
Chế độ ăn chay giúp giảm cholesterol

Phân tích dựa trên kết quả từ 30 thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên, với hơn 2.300 thử nghiệm trong số đó được công bố từ năm 1982 - 2022. Những nghiên cứu này điều tra tác động của chế độ ăn chay một phần hoặc thuần chay đối với tất cả các loại cholesterol và apolipoprotein B (apoB), một loại protein trong máu được coi là một thước đo tốt về lượng chất béo xấu và
cholesterol trong cơ thể.

Các tác giả cho biết phân tích tổng hợp là phân tích đầu tiên tập trung cụ thể vào ảnh hưởng của chế độ ăn uống đối với nồng độ apoB. Kết quả cho thấy ăn thuần chay hoặc ăn chay có liên quan đến việc giảm 14% mức ApoB.

Tracy Parker, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp tại Quỹ Tim mạch Anh ở Birmingham, cho biết: “Phân tích lớn này hỗ trợ những gì chúng ta đã biết: bổ sung nhiều thực phẩm có nguồn gốc thực vật hơn trong chế độ ăn uống sẽ tốt cho tim của bạn”.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng nhấn mạnh rằng tác động của chế độ ăn uống đối với cholesterol có thể bị hạn chế đối với những người “xu hướng gan sản xuất quá nhiều cholesterol, nghĩa là cholesterol cao chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi gen (DNA) của chúng ta hơn là do chế độ ăn uống của chúng ta” - Robert Storey, giáo sư tim mạch tại Đại học Sheffield ở Vương quốc Anh, cho biết trong một tuyên bố.

“Điều này giải thích tại sao statin lại cần thiết để ngăn chặn quá trình sản xuất cholesterol ở những người có nguy cơ cao hoặc đã từng bị đau tim, đột quỵ hoặc các bệnh khác liên quan đến tích tụ cholesterol trong mạch máu”, Storey cho biết.

Frikke-Schmidt cho biết trong một tuyên bố rằng điều trị bằng statin vượt trội hơn so với chế độ ăn kiêng dựa trên thực vật trong việc giảm chất béo và mức cholesterol. Tuy nhiên, việc kết hợp statin với chế độ ăn dựa trên thực vật có thể có tác dụng hiệp đồng, dẫn đến tác dụng có lợi thậm chí còn lớn hơn.

Các chuyên gia dinh dưỡng cho biết, bất kỳ ai đang cân nhắc trở thành người ăn chay hoặc thuần chay nên bảo đảm rằng nó được lên kế hoạch tốt để cung cấp đủ chất sắt, iod, vitamin B12 và vitamin D.

Ngoài ra, những người chuyển sang chế độ ăn uống dựa trên thực vật vẫn nên lưu ý đến các loại thực phẩm họ đang tiêu thụ. Chỉ những chế độ ăn lành mạnh dựa trên thực vật, đặc trưng bởi trái cây, rau và ngũ cốc, mới cải thiện sức khỏe, trong khi các chế độ ăn thực vật khác bao gồm carbohydrate tinh chế và thực phẩm chế biến sẵn giàu chất béo, đường và muối thì không. Những thực phẩm như vậy bao gồm khoai tây chiên và nhiều mặt hàng bánh và đồ ngọt khác.

Nếu mọi người gặp khó khăn trong việc điều chỉnh lối sống ăn chay hãy cân nhắc thử chế độ ăn Địa Trung Hải, tập trung chủ yếu vào trái cây, rau, các loại đậu, ngũ cốc nguyên hạt và cá, với ít trứng và sữa ít chất béo, và rất ít thịt.

Điều này có nghĩa chúng ta không nhất thiết ăn thuần chay. Có bằng chứng đáng kể rằng kiểu ăn kiêng này có thể giúp giảm nguy cơ phát triển các bệnh về tim và tuần hoàn bằng cách cải thiện mức cholesterol và huyết áp, giảm viêm và kiểm soát đường huyết.