Ấn Độ làm gì để trở thành cường quốc kinh tế thứ 2 thế giới?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với dân số 1,4 tỷ người đưa Ấn Độ trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới, GDP của nước này được cho sẽ tăng lên đáng kể. Đáng chú ý, Goldman Sachs tuần này đưa ra dự báo rằng Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2075.

Ngược dòng nhờ cải cách

Trở lại tháng 8/2013, Morgan Stanley đã phân loại Thổ Nhĩ Kỳ, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Indonesia là “5 quốc gia dễ sụp đổ” vì gặp khó khăn trong phát triển kinh tế. Nhưng Ấn Độ sau đó không chỉ thoát khỏi nhóm các nền kinh tế mong manh, mà giờ đây đã vượt qua Pháp, Brazil, Italia, Nga và Anh để vươn lên vị trí thứ 5 thế giới.

Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ấn Độ sẽ chạm mốc 3,75 nghìn tỷ USD trong năm tài chính 2023 và hướng tới đạt mốc 5 nghìn tỷ USD vào tháng 3/2026 nếu duy trì tốc độ tăng trưởng 6,5 - 7% trong những năm tới.

GDP của quốc gia châu Á này từng ở mức 2,2 nghìn tỷ USD vào tháng 3/2015 và sau đó bắt đầu tăng trưởng, bất chấp cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19.

Tăng trưởng của Ấn Độ phản ánh khả năng phục hồi và tiềm năng của nước này khi nhiều nền kinh tế trên thế giới đang phải vật lộn để chống lại sự suy giảm do đại dịch và rủi ro địa chính trị.

Mặc dù rất khó để đối chiếu tất cả các can thiệp chính sách mà New Dehil đã khởi xướng trong thập kỷ qua, nhưng cải cách cơ cấu nhìn chung được tin là yếu tố giúp Ấn Độ “ngược dòng” ngoạn mục.

Trước tiên phải kể đến một loạt sáng kiến của Chính phủ Thủ tướng Narendra Modi nhằm thúc đẩy ngành công nghiệp non trẻ của quốc gia có thể tạo ra nhiều việc làm bền vững. “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ), được đưa ra vào tháng 9/2014, như một phần của loạt hành động xây dựng quốc gia để biến Ấn Độ thành một trung tâm sản xuất. Tỷ trọng GDP sản xuất kể từ đó đã tăng từ 15% lên 25%.

Các chuyên gia đánh giá Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2075. Ảnh: AFP
Các chuyên gia đánh giá Ấn Độ sẽ là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2075. Ảnh: AFP


Tiếp đó, “Digital India” (Ấn Độ Số), ra mắt vào tháng 7/2015, là một chương trình hàng đầu với tầm nhìn biến Ấn Độ thành một xã hội kỹ thuật số và là nền kinh tế tri thức. “Skill India” (Kỹ năng Ấn Độ), ra mắt vào tháng 7/2015, nhằm mục đích nâng cao trình độ, kỹ năng và tinh thần kinh doanh, khởi nghiệp.

Thứ hai, để kiểm soát hiệu quả chi phí sinh hoạt ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống người dân, Chính phủ New Delhi đã thông qua Khuôn khổ Lạm phát linh hoạt (FIT) vào tháng 2/2015. FIT được ủy quyền cho Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ (RBI) giám sát, với nhiệm vụ kiềm chế lạm phát - được đo bởi Chỉ số Giá tiêu dùng (CPI) - trong phạm vi từ 2 - 6%.

Trước đó, lạm phát tại Ấn Độ đã giao động không thường xuyên trong khoảng 8 -12% trong năm 2009 - 2010, và một lần nữa lên mức 2 chữ số trong năm 2012 - 2013.

Nhờ việc triển khai FIT, RBI và Chính phủ đã tập trung hơn vào nhiệm vụ giữ lạm phát trong phạm vi mục tiêu. Lạm phát tại Ấn Độ trong thời kỳ hậu Covid-19 tăng vọt lên 7,79% vào tháng 4/2022, sau đó đã quay trở lại mức 4,25% hồi tháng 5 vừa qua.

Thứ ba, để hạn chế giao dịch đen và tiền giả trong lưu thông, những tờ tiền cũ có mệnh giá cao như 500 và 1000 rupee đã bị vô hiệu hóa kể từ tháng 11/2016, thay vào đó là các tờ tiền 500 và 2000 rupee mới. Hiện tại, tờ tiền 2000 rupee mới được giới thiệu vào năm 2016 cũng đã bị cho ngừng lưu thông. Tháng 11/2022, ngân hàng trung ương Ấn Độ đã cho ra mắt tiền kỹ thuật số, nhằm giảm chi phí và cải thiện việc quản lý tiền tệ.

Cuối cùng là nhiều quy định mới nhằm kiểm soát các lĩnh vực nóng của nền kinh tế. Chẳng hạn, Đạo luật Phát triển và Quản lý Bất động sản (RERA) năm 2016 đã giúp quá trình mua nhà tại Ấn Độ trở nên minh bạch hơn.

Đạo luật Thuế Dịch vụ và Hàng hóa (GST) năm 2017 giúp tránh thất thoát cho nhà nước, bao gồm sự ra đời của hóa đơn điện tử, hệ thống phân tích dữ liệu và kiểm toán. Kết quả, nguồn thu này đã tăng từ 11,7 nghìn tỷ rupee trong giai đoạn 2018 - 2019 lên 18,10 nghìn tỷ rupee vào năm 2022 - 2023.

Dân số vừa là lợi thế, vừa là thách thức

Báo cáo công bố hôm 10/7 vừa qua của Goldman Sachs cho biết Ấn Độ đang trên đà trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào năm 2075, không chỉ vượt qua Nhật Bản và Đức mà còn cả Mỹ. Ngân hàng đầu tư cho rằng quỹ đạo kinh tế dẫn đầu của Ấn Độ một phần là nhờ tiến bộ về công nghệ và đổi mới, qua đó nâng cao năng suất lao động.

Theo Nasscom - Hiệp hội thương mại phi chính phủ của Ấn Độ - doanh thu ngành công nghệ của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng thêm 245 tỷ USD vào cuối năm 2023. Báo cáo của Nasscom cũng chỉ ra rằng sự tăng trưởng đó sẽ đến từ công nghệ thông tin, quản lý quy trình kinh doanh và các dòng sản phẩm phần mềm.

Ngoài ra, Goldman dự đoán đầu tư vốn sẽ là một động lực quan trọng khác cho sự tăng trưởng của Ấn Độ.

“Tỷ lệ tiết kiệm của Ấn Độ có khả năng tăng lên cùng với tỷ lệ phụ thuộc giảm, thu nhập tăng và sự phát triển sâu hơn của khu vực tài chính. Điều này có khả năng tạo ra nguồn vốn sẵn có để thúc đẩy đầu tư hơn nữa” - báo cáo của Goldman Sachs viết.

Nhưng hơn hết, Goldman Sachs nhấn mạnh rằng lợi thế lớn nhất của Ấn Độ là dân số đang phát triển mạnh. Và chìa khóa để nắm bắt tiềm năng của dân số tỷ người này là việc thúc đẩy sự tham gia của lực lượng lao động, cũng như cung cấp đào tạo và kỹ năng cho nguồn nhân tài khổng lồ.

“Trong 2 thập kỷ tới, tỷ lệ phụ thuộc của Ấn Độ sẽ là một trong những nền kinh tế thấp nhất trong khu vực”, nhà kinh tế học về Ấn Độ của Goldman Sachs, Santanu Sengupta, cho biết.

Tỷ lệ phụ thuộc của một quốc gia được đo bằng số người phụ thuộc so với tổng dân số trong độ tuổi lao động. Tỷ lệ phụ thuộc thấp cho thấy có nhiều người trưởng thành trong độ tuổi lao động có khả năng hỗ trợ thanh niên và người già hơn.

Chuyên gia Sengupta nói thêm rằng chìa khóa để khai thác tiềm năng dân số đang tăng nhanh của Ấn Độ là thúc đẩy sự tham gia của lực lượng lao động. Ông dự báo rằng Ấn Độ sẽ có một trong những tỷ lệ phụ thuộc thấp nhất trong số các nền kinh tế lớn trong 20 năm tới.

“Vì vậy, đó thực sự là cơ hội để Ấn Độ đạt được mục tiêu thiết lập năng lực sản xuất, tiếp tục phát triển dịch vụ và cơ sở hạ tầng” - nhà kinh tế học tại Goldman Sachs nhận định.
Nhưng trớ trêu, đây cũng chính là “gót chân Achilles” của Ấn Độ. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động được cho sẽ là biến số quyết định xem nền kinh tế Ấn Độ có tăng trưởng được theo tốc độ mà Goldman dự đoán hay không.

“Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động ở Ấn Độ đã giảm trong 15 năm qua” - báo cáo hôm 10/7 của ngân hàng đầu tư lưu ý, nhấn mạnh rằng tỷ lệ tham gia của phụ nữ vào lực lượng lao động tại nước này đang “thấp hơn đáng kể” so với nam giới.

“Chỉ 20% phụ nữ trong độ tuổi lao động ở Ấn Độ đang có việc làm” - Goldman Sachs từng viết trong một báo cáo khác hồi tháng 6 năm nay, giải thích thêm rằng con số thấp có thể là do phụ nữ tại đây chủ yếu làm công việc bán thời gian, nên không được tính vào con số việc làm chính thức của quốc gia.

Nhìn lại lần đầu tiên Goldman Sachs tham gia vào lĩnh vực dự đoán này là cách đây 1 thập kỷ, ngân hàng khi đó cũng đã gọi tên Ấn Độ trong số 4 nền kinh tế sẽ trở thành những “gã khổng lồ” trong tương lai, bên cạnh Brazil, Nga và Trung Quốc.

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, Ấn Độ được cho sẽ phải tận dụng tối đa lợi tức nhân khẩu học của mình trong 50 năm tới, để biến dự báo cụ thể hơn của Goldman lúc này trở thành hiện thực.