An toàn cho phụ nữ và trẻ em: Lấp dần những khoảng trống

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thời gian qua, diễn biến, tính chất, mức độ, hậu quả của tội phạm xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em ngày càng gia tăng, phức tạp.

Trước tình trạng mất an toàn cho phụ nữ và trẻ em đòi hỏi cộng đồng phải có trách nhiệm chung tay bảo vệ, lấp dần những khoảng trống về luật pháp và văn hóa, giáo dục.
Không gian an toàn bị thu hẹp
Theo Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà, năm 2018, có tới hơn 8.000 phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình, chiếm 85,14% tổng số người bị bạo lực gia đình. Theo thống kê của UN Women, 34,4% phụ nữ Việt Nam từng bị bạo lực tình dục, xếp thứ hai ở khu vực Đông Nam Á.
Đối với trẻ em, năm 2018, có hơn 1.500 trẻ em bị xâm hại và hơn 2.000 vụ bạo lực học đường được phát hiện. Cùng với đó, ngày càng nhiều vụ xâm hại, quấy rối tình dục xảy ra tại nơi làm việc và công cộng gây bức xúc dư luận...
 Một buổi ngoại khóa cho học sinh về cách phòng, chống xâm hại trên địa bàn quận Hà Đông.
Mặc dù đã có nhiều chương trình, chính sách và mô hình can thiệp, bảo vệ, tuy nhiên nguy cơ mất an toàn của phụ nữ và trẻ em vẫn xảy ra. Thực trạng này đặt ra yêu cầu về việc xem xét một cách kỹ lưỡng tất cả các chiều cạnh và không gian về an toàn cho phụ nữ và trẻ em, kết hợp với các đặc thù kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của đất nước.
Trong khi đó, báo cáo của cơ quan công an cho thấy, trung bình mỗi năm có khoảng 2.000 trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại tình dục (số trẻ em bị xâm hại tình dục chiếm hơn 60%). Nạn nhân bao gồm cả trẻ em nam và nữ. Riêng năm 2018 có khoảng 1.141 vụ trẻ em bị xâm hại được báo cáo. Điều này có nghĩa là không gian an toàn của phụ nữ và trẻ em ngày càng bị thu hẹp.

Ngày 24/6, Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em - khuyến nghị chính sách”. Tại hội thảo, các đại biểu đã đề cập đến những vấn đề nóng hiện nay: Xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực học đường, quấy rối tình dục, bạo lực gia đình, hình phạt trong nhà trường…

Các vụ án phần nhiều xảy ra tại các vùng nông thôn. Mặt khác, do người dân chưa được hướng dẫn những kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh bị xâm hại tình dục và chưa được xã hội bảo vệ tích cực để hạn chế tâm lý sợ hãi, mặc cảm, tự ti tiến tới dũng cảm tố giác kẻ phạm tội.
Trách nhiệm của xã hội
Theo GS.TS Lê Thị Quý - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển, cách thức mà xã hội có thể ngăn chặn sự sai lệch chuẩn mực xã hội và trừng phạt nó là phải tăng cường vai trò của kiểm soát xã hội.
Để ngăn chặn nạn xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em, GS.TS Lê Thị Quý cho rằng, cần có những giải pháp đồng bộ. Trong đó nêu cao vai trò, trách nhiệm các cơ quan tư pháp trong điều tra, xét xử các vụ việc xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em. Cần có những biện pháp làm giảm nhẹ tổn thất tinh thần, vật chất của nạn nhân, chống định kiến xã hội.
Cùng với đó, phát huy thế mạnh của truyền thông trong việc tố giác và lên án tội phạm. Cộng đồng cần thay đổi thái độ đối với nạn nhân: Thương xót, thông cảm nhưng không làm tổn thương nạn nhân và kiên quyết chống tội phạm.
Ngoài ra, có giải pháp về y tế phối hợp với công tác xã hội. Xây dựng môi trường xã hội trong sạch và thực hiện chuẩn mực mới về lối sống văn hóa kết hợp với bình đẳng giới, chống tệ nạn xã hội, chống văn hóa phẩm đồi trụy là biện pháp cơ bản và bền vững nhất để chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em.