Ấn tượng với “Oản Phật giáo Ấn Độ” được làm bởi người khuyết tật, tự kỷ

Minh Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Tại Festival “Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển”, đại biểu và du khách ấn tượng và thích thú với mô hình “Oản Phật giáo Ấn Độ” của Trung tâm nghiên cứu và ứng dụng tâm lý giáo dục Ngọc Ân, nhất là khi biết những sản phẩm này được thực hiện bởi người khuyết tật, tự kỷ.

 Khởi nguồn của ý tưởng độc đáo

Trong khuôn khổ Festival “Phụ nữ Thủ đô vì hòa bình, phát triển”, Hội LHPN Hà Nội tổ chức các gian hàng Trưng bày, giới thiệu quảng bá văn hóa, sản phẩm ẩm thực Hà Nội và các nước.

Tham gia triển lãm, Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân (Trung tâm Ngọc Ân) đã giới thiệu mô hình “Oản Phật giáo Ấn Độ”. Đây là các sản phẩm được làm từ nguyên liệu chính là oản đường - một trong những vật phẩm không thể thiếu từ ngàn đời xưa để dâng lễ Chư Phật, Chư Thánh và lễ Tổ tiên vào ngày rằm hay các dịp lễ Tết.

Giải thích về tên gọi của mô hình, bà Đào Thanh Hoàn, nhà sáng lập Trung tâm Ngọc Ân chia sẻ: Ấn Độ được biết đến là một quốc gia đa sắc tộc, là cái nôi của Phật giáo mà bất cứ ai cũng muốn ghé thăm một lần; trong đó có 4 thánh tích Phật giáo quan trọng. Đây là khởi nguồn của ý tưởng “Oản Phật giáo Ấn Độ”. Mô hình gồm nhiều sản phẩm, trong đó nổi bật là 2 sản phẩm oản nghệ thuật Tháp Đại Giác và Đồng Tâm.

Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu Liên hiệp phụ nữ TƯ và Hà Nội thăm gian trưng bày của Trung tâm Ngọc Ân
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong cùng các đại biểu Liên hiệp phụ nữ TƯ và Hà Nội thăm gian trưng bày của Trung tâm Ngọc Ân

 Tháp Đại Giác hay còn được gọi là Chùa Mahabodhi, là một trong 4 Thánh tích liên quan tới Đức Phật, nổi tiếng tại tiểu bang Bihar, Ấn Độ. Sản phẩm oản nghệ thuật Tháp Đại Giác của Trung tâm Ngọc Ân giữ đúng theo khuôn mẫu bao gồm một bảo tháp cao được bao bọc xung quanh bởi 4 tháp nhỏ với cấu trúc tương tự tháp nhọn, tượng trưng cho sự giác ngộ của Đức Phật đối với thế gian như bông hoa sen vươn lên trong bùn nhơ.

Cùng với đó, sản phẩm oản nghệ thuật "Đồng Tâm" - Biểu tượng với 5 chiếc oản 5 màu kết hợp cờ Việt Nam - Ấn Độ cùng 5 đồng xu được khắc trên mình những lời chúc may mắn tượng trưng cho sự kết nối 5 châu, 4 biển và những đồng xu thể hiện nguyện ước về sự hòa bình, đoàn kết, hợp tác phát triển hùng cường tình giao hữu Việt Nam - Ấn Độ và sự hội nhập văn hoá - kinh tế toàn cầu.

Gửi thông điệp về lòng tin với người khuyết tật, tự kỷ

Tự hào giới thiệu sản phẩm với du khách, bà Đào Thanh Hoàn cho biết: Oản nghệ thuật Ngọc Ân được làm chủ yếu từ đường trắng tinh luyện tinh hoa của đất trời, hương hoa bưởi diễn và gạo nếp cái hoa vàng. Gạo nếp được rang lên, xay mịn, trộn với đường kính tinh luyện, sau đó đóng thành khuôn, hình dáng đa dạng.

Điều khác biệt của sản phẩm oản nghệ thuật Ngọc Ân đó là sản phẩm thờ cúng được tạo nên, gắn kết từ bàn tay sự tỉ mỉ của người khuyết tật, tự kỷ; thể hiện sự đổi mới sáng tạo và tích cực của cộng đồng người khuyết tật trong việc thúc đẩy văn hóa và tôn giáo. Điều này giúp họ phát huy được giá trị của mình, trở thành công dân có ích, được học tập, làm việc và có thu nhập ổn định, giảm gánh nặng chăm sóc cho gia đình, xã hội.

 Những tác phẩm này không chỉ phản ánh sự sáng tạo và tinh thần cầu tiến của những người tạo ra mà còn chứa đựng thông điệp sâu sắc về lòng tin, sự mong muốn hướng mọi người tới tâm từ thiện, thực hiện lòng biết ơn, lan tỏa những giá trị tích cực trong xã hội và giáo dục cộng đồng về tôn giáo và nghệ thuật.

Mỗi sản phẩm đều được chế tác với sự tâm huyết và tôn trọng đến tinh hoa của nghệ thuật Phật giáo cổ điển, đồng thời tiếp thu ý kiến thị trường hiện đại để tạo ra những tác phẩm độc đáo và ấn tượng phù hợp thị hiếu.

Bà Đào Thanh Hoàn, Nhà sáng lập Trung tâm Ngọc Ân giới thiệu mô hình “Oản Phật giáo Ấn Độ”
Bà Đào Thanh Hoàn, Nhà sáng lập Trung tâm Ngọc Ân giới thiệu mô hình “Oản Phật giáo Ấn Độ”

 Mô hình “Oản Phật giáo Ấn Độ” mang đậm nét về sự tích cực và tiềm năng của những người khuyết tật, tự kỷ trong việc đóng góp vào xã hội và bảo tồn di sản Phật giáo nói chung.

Thông qua việc khám phá, rèn luyện và phát triển sở thích và tài năng cá nhân, người khuyết tật, tự kỷ không chỉ có cơ hội tự thể hiện giá trị bản thân mà còn trở thành nguồn cảm hứng và hy vọng cho mọi người xung quanh hướng đến một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, an lành.

“Oản Phật giáo Ấn Độ” cũng thể hiện ước muốn về sự phát triển văn hoá đối ngoại Nhân dân, tăng cường hữu nghị và phát triển về kinh tế với các nước, góp phần lan toả giá trị quốc gia, phẩm hạnh dân tộc của người khuyết tật, tự kỷ.

Mô hình đóng vai trò trong việc thực hiện quyền bình đẳng của người khuyết tật khi họ được lao động, được làm việc hạnh phúc như bao người bình thường trong xã hội; sản phẩm của họ đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng; mang lại nhiều ấn tượng trong lòng Nhân dân và bạn bè quốc tế. 

“Ngọc Ân mong muốn hỗ trợ người khuyết tật, tự kỷ làm nghề oản nghệ thuật, lưu giữ giá trị văn hóa ẩm thực, góp phần giữ hồn sắc Việt. Và mong muốn sẽ có thêm nhiều tổ chức giáo dục đặc biệt cùng nỗ lực lan tỏa và bảo tồn giá trị những di sản Việt Nam”, bà Đào Thanh Hoàn bày tỏ.

 

  Trung tâm Ngọc Ân hướng đến giáo dục toàn diện cho trẻ khuyết tật, bao gồm các hoạt động: Sàng lọc, đánh giá phát triển; Can thiệp sớm; Giáo dục tiền tiểu học; Hỗ trợ giáo dục hoà nhập và Thực nghiệm hướng nghiệp.

Sau hơn 3 năm đi vào hoạt động, đến nay, Trung tâm Ngọc Ân đã và đang tạo nên những giá trị tích cực cho cộng đồng, ngày càng được nhiều phụ huynh tin tưởng, yêu mến.

Tính đến tháng 1/2024, Trung tâm có 5 cơ sở khắp cả nước, trong đó nổi bật là Cơ sở 5 - Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc với sản phẩm Oản nghệ thuật. Tại đây, nhiều học viên khuyết tật tự kỉ có thể học nghề, tự lao động để trở thành người có ích và được làm việc, nhìn nhận khả năng lao động như những người lao động bình thường.

Với nhiều đóng góp tích cực, Trung tâm Ngọc Ân và nhà sáng lập Trung tâm đã nhận được sự biểu dương khen thưởng của các cấp ban ngành.