Áp dụng bệnh án điện tử: Chưa thể triển khai ngay

Nhật Nguyên - Thu Ngân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhằm khắc phục những hạn chế trong công tác lưu trữ bệnh án bằng giấy theo phương pháp truyền thống, bắt đầu từ tháng 3/2019, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) thuộc Bộ Y tế sẽ triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.

Việc áp dụng này được các chuyên gia đánh giá là cần thiết, mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho người bệnh. Tuy nhiên, trước mắt còn những khó khăn nhất định cũng như băn khoăn của người dân.
Lợi cả đôi đường
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khẳng định, quản lý hồ sơ sức khỏe là việc làm hết sức cần thiết. Việc mỗi cá nhân có hồ sơ điện tử sẽ giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh tốt hơn, giúp cán bộ y tế thuận tiện trong quản lý hồ sơ. Bộ Y tế đã giao Cục Công nghệ thông tin (CNTT) chủ trì, phối hợp với Cục Quản lý Khám, chữa bệnh; Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Thông tư quy định hồ sơ bệnh án điện tử trên phạm vi toàn quốc.
Bác sĩ Trung tâm tiêu hóa kỹ thuật cao, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn kiểm tra thông tin bệnh án điện tử. 

Ảnh: Phạm Hùng

Đồng thời công bố các cơ sở KCB thực hiện việc lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử thay cho lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy; lưu trữ và truyền tải hình ảnh thay cho việc in phim và lưu trữ thông tin xét nghiệm thay cho việc in giấy trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế và trang thông tin điện tử của Cục CNTT.
Khi có hồ sơ bệnh án điện tử, mỗi người dân thông qua mã định danh và các thông tin bảo mật khác như số điện thoại, số chứng minh Nhân dân... sẽ biết tình trạng sức khỏe của mình. Điều này tạo thuận lợi cho người dân khi đi KCB ở bất kỳ cơ sở y tế nào và bác sĩ có thể biết được tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh tật, không phải làm lại các xét nghiệm không cần thiết, nhất là trong những trường hợp cấp cứu.

"Hồ sơ bệnh án điện tử sẽ là một đột phá lớn trong ngành y tế, giúp lược bỏ nhiều công đoạn trong quá trình khám chữa bệnh; tiết kiệm đáng kể thời gian của người bệnh cũng như y bác sĩ. Nguyên tắc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử là mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án tại một cơ sở KCB. Bộ Y tế yêu cầu, hồ sơ bệnh án điện tử phải tuân thủ việc bảo vệ thông tin cá nhân. Bên cạnh đó, phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe người dân bảo đảm liên thông, đồng bộ…" - Ông Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế


"Bộ Y tế nên xây dựng phần mềm quản lý BV thống nhất cả nước, phân chia theo quy mô hành chính từ cấp xã, huyện, tỉnh, T.Ư. Các BV sẽ căn cứ vào đó để quản lý, tránh tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, mỗi nơi một kiểu, hệ quả là Bộ Y tế sẽ như rơi vào ma trận, khó quản lý." - Ông Dương Đức Hùng 

- Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, BV Bạch Mai


"Khi thực hiện lưu trữ hồ sơ bệnh án điện tử, cơ sở KCB phải có trách nhiệm bảo mật thông tin của cá nhân khách hàng, bệnh nhân. Đây thuộc bí mật đời tư nên cấm mọi hình thức để chia sẻ thông tin cá nhân của khách hàng. Nếu trường hợp khách hàng phát hiện thông tin của mình bị lộ ra ngoài thì có thể khởi kiện cơ sở KCB. " - Bà Nguyễn Thủy - Trưởng Văn phòng luật sư Nguyễn Thủy, Đoàn Luật sư TP Hà Nội

Đối với công tác quản lý, việc triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử giúp bác sĩ có được dữ liệu về sức khỏe của người dân đầy đủ, chính xác. Việc thông tin về KCB của người bệnh thông suốt, minh bạch cũng giúp cho quản lý chi phí KCB BHYT dễ dàng hơn, hạn chế việc lạm dụng thuốc và xét nghiệm nếu có.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, bệnh án điện tử có thể sắp xếp và tự động hóa quy trình công việc của bác sĩ đảm bảo tất cả thông tin lâm sàng, cận lâm sàng được thông suốt. Bệnh án điện tử giúp thu thập dữ liệu không những hỗ trợ tốt cho việc chăm sóc sức khỏe mà còn hỗ trợ cho các công tác khác như tính viện phí, quản lý chất lượng, báo cáo kết quả điều trị, báo cáo thống kê bệnh viện (BV)...
Triển khai theo lộ trình
Ghi nhận tại các BV lớn trên địa bàn Hà Nội, hiện các đơn vị đang rục rịch triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Tại BV Bạch Mai, ông Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp của BV cho biết, hiện nay, BV Bạch Mai chưa thực hiện bệnh án điện tử mà vẫn đang áp dụng bệnh án giấy như bình thường.
Theo ông Hùng, để triển khai được bệnh án điện tử là cả “núi” công việc, không thể làm trong ngày một ngày hai. Trước tiên, phải xây dựng được phần mềm quản lý dữ liệu. Phần mềm dữ liệu này phải rất lớn, do vậy BV và đối tác công nghệ thông tin của BV cần một khoảng thời gian để lên phương án hoàn thiện. Chưa kể, hiện nay yếu tố quan trọng để thực hiện bệnh án điện tử là chữ ký điện tử của bác sĩ. Song về mặt pháp lý, hiện nay chữ ký điện tử của các bác sĩ vẫn chưa được công nhận mà chỉ căn cứ vào chữ ký trên giấy của bác sĩ điều trị.
“Hiện trong quá trình điều trị của bác sĩ, nếu xảy ra sự cố hay tai biến y khoa nào cơ quan tố tụng vẫn căn cứ vào chữ ký của bác sĩ trên bệnh án giấy của bệnh nhân để xét xử” - bác sĩ Hùng phân tích.
Dù xác định còn muôn vàn khó khăn, cần thời gian để thực hiện bệnh án điện tử song theo ông Hùng, hiện BV Bạch Mai đã thực hiện một số giải pháp quan trọng. Theo đó, mỗi bệnh nhân khi đến khám chữa sẽ có mã số định danh (ID) để quản lý suốt đời. Còn trong thanh toán viện phí, BV áp dụng thanh toán một lần, hóa đơn điện tử.
Tương tự, với BV Việt Đức, hiện cơ sở đang tiến hành hoàn thành dự án quản lý BV công nghệ cao, kéo theo đó là những thay đổi về quy trình KCB, hồ sơ hành chính, thanh toán bảo hiểm, quá trình điều trị, kê đơn của y, bác sĩ.
“Bệnh án điện tử là một trong nhiều nội dung sẽ được thực hiện tại BV trong thời gian tới còn thời điểm hiện tại vẫn thực hiện bệnh án giấy thông thường” - đại diện BV Việt Đức thông tin.
Còn tại BV Nhi T.Ư, việc triển khai bệnh án điện tử đang được tiến hành thí điểm tại Khoa Quốc tế. Theo đại diện BV Nhi T.Ư, bệnh án điện tử sẽ rút ngắn thời gian chờ đợi thủ tục khám, nhập viện, cấp cứu... khi bác sĩ sẽ có đầy đủ thông tin về tiền sử bệnh, tình trạng bệnh, loại thuốc đã sử dụng của người bệnh.
Bệnh án điện tử lưu trữ được đầy đủ các kết quả xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, điều này giúp dễ dàng cho việc chẩn đoán cũng như cập nhật thông tin khám, điều trị. Bệnh án điện tử cũng công khai, minh bạch về thuốc, vật tư tiêu hao thuận tiện trong việc quản lý.
Dù trước mắt có những khó khăn nhất định, tuy nhiên, Bộ Y tế vẫn quyết tâm triển khai, thực hiện, nhằm mang lại thuận lợi nhất cho bệnh nhân và cơ sở KCB. Bởi thực tế, việc lưu trữ hồ sơ theo quy định phải lưu trữ 15 - 20 năm thì số lượng lưu trữ rất khổng lồ, lục tìm rất mất thời gian. Do vậy, Bộ Y tế hướng đến liên thông hồ sơ bệnh án điện tử giữa các cơ sở y tế trên toàn quốc.

Năm 2028 sẽ mở rộng trên toàn quốc

Theo Bộ Y tế, nguyên tắc thực hiện hồ sơ bệnh án điện tử là mỗi người bệnh chỉ có một mã số quản lý, lưu trữ hồ sơ bệnh án tại một cơ sở KCB. Hồ sơ này phải đáp ứng các yêu cầu như: Ghi nhận toàn bộ nội dung thông tin hồ sơ bệnh án giấy; phải có chữ ký số của người chịu trách nhiệm nội dung thông tin được nhập vào hồ sơ bệnh án điện tử. Hồ sơ bao gồm hồ sơ bệnh án nội trú, hồ sơ bệnh án ngoại trú và các loại hồ sơ bệnh án khác theo quy định của Bộ Y tế.

Để các cơ sở KCB chủ động thực hiện, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử, theo Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2019 - 2023, thời điểm này, các cơ sở KCB hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai hồ sơ bệnh án điện tử theo quy định. Giai đoạn 2 từ năm 2024 - 2028, tất cả các cơ sở KCB trên toàn quốc phải triển khai hồ sơ bệnh án điện tử.