Áp thấp nhiệt đới vào miền Trung, hàng nghìn nhà dân chìm trong nước lũ

ĐỨC THỌ (TỔNG HỢP)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 100 hộ dân bị chìm trong nước lũ tại Thanh Hóa. Mưa lớn tại Nghệ An cũng khiến đập Gà ngập tràn nước, có nguy cơ vỡ.

Quảng Bình: Một người dân bị lũ cuốn trôi, nhiều nơi bị cô lập

Báo Quảng Bình điện tử thông tin, ông Cao Thanh Bình, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hóa (Minh Hóa) cho biết, lúc 11 trưa ngày 9- 10, một người dân trong xã bị nước lũ cuốn trôi.

 Nhiều người dân lội qua ngầm Lạc Thiện

Vào thời điểm trên, ông Thái Xuân Hóa ở thôn 1 Yên Thọ đi từ Quy Đạt về tới ngầm Lạc Thiện thì bị nước cuốn cả người lẫn xe. Rất may là ông Hóa biết bơi nên thoát nạn còn chiếc xe máy vẫn chưa tìm thấy. Được biết, ngầm Lạc Thiện nối từ xã Minh Hóa về xã Tân Hóa đang được thi công, đây là một vị trí thấp, thường xuyên bị ngập nước khi có mưa lớn.

 Đường vào bản Lòm bị ngập nên phải khiêng xe để qua lại

Do mưa lớn, nước dâng cao khiến nhiều nơi trên địa bàn huyện bị cô lập, như: các thôn Kim Bảng ở xã Minh Hóa; xã Tân Hóa bị cô lập hoàn toàn khi có 4 điểm chia cắt; đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa tiếp tục bị cô lập; các bản làng trên tuyến đường vào bản Lòm ở xã Trọng Hóa cũng bị chia cắt nhiều điểm.

Cũng trong ngày 10/10, học sinh toàn huyện phải nghỉ học. Riêng học sinh xã Tân Hóa và ở đồng bào Rục có khả năng phải nghỉ nhiều ngày do đường đi lại bị chia cắt vì nước lũ.

Nhiều tuyến quốc lộ ở Nghệ An bị chia cắt vì lũ

Báo điện tử Nghệ An phản ánh, ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, địa bàn Nghệ An mưa to và kéo dài khiến nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ ngập nặng. 

 QL 48 đoạn qua xã Châu Bình, Quỳ Châu bị sạt lở ta ly âm. Ảnh: Văn Trường.

Như QL48C, đoạn qua địa bàn xã Bắc Sơn, Quỳ Hợp ra tình trạng sạt lở đất, khiến cây cối, đất đá từ trên núi đổ xuống chắn ngang đường. Đơn vị quản lý giao thông, phối hợp chính quyền địa phương đã điều động máy móc, lực lượng đến giải phóng hiện trường, đảm bảo an toàn cho phương tiện lưu thông.

 Cây đổ từ trên núi chắn ngang đường tại QL 16 đoạn qua xã Đồng Văn, Quế Phong. Ảnh: Văn Trường.

QL48B đoạn qua địa bàn xã Quang Phong, Cắm Muộn và đường liên xã tại Cắm Muộn nước đã tràn qua, gây ách tắc giao thông.

Theo báo cáo nhanh của Sở giao thông vận tải, hiện có khá nhiều tuyến giao thông bị ngập úng nhưng QL 48E đoạn Quỳnh Thắng, Quỳnh Lưu, và có 5 tràn trên tuyến này bị ngập người và phương tiện không thể qua được. QL 5 bị ngập đoạn xã Nghĩa Lộc, Nghĩa Đàn… QL 48D, QL 7B, QL 1A nhiều đoạn bị ngập nặng.

Đối với tuyến tỉnh lộ nhiều đoạn bị sạt lở ta ly âm, dương, như tỉnh lộ 531B đoạn qua xã Minh Hợp, Quỳ Hợp bị lở đất, tỉnh lộ 532 km12 +960 bị sạt lở ta luy dương 6 mét …

Tính đến thời điểm này vẫn đang còn 7 tuyến QL và 11 tuyến đường tỉnh lộ tại một số vị trí đang bị ngập úng, sạt lở.

Sở Giao thông vận tải Nghệ An đang chỉ đạo các đơn vị quản lý, phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông, chính quyền địa phương xử lý đảm bảo giao thông bước I tại các vị trí sạt lở, tổ chức phân luồng đảm bảo trật tự, an toàn tại các vị trí trên. Đồng thời tiếp tục theo dõi trên các tuyến để có phương án xử lý khi có sự cố xảy ra.

Hà Tĩnh: Mưa lũ gây ngập lụt 1.519 hộ dân, hư hại nhiều công trình thủy lợi

Theo Báo điện tử Hà Tĩnh, báo cáo mới nhất về công tác triển khai đối phó với áp thấp nhiệt đới cho biết thêm, toàn tỉnh đã có 16 xã bị ngập các trục đường liên thôn, liên xã với độ sâu từ 1,2 - l,5m. Trong đó Hương Khê có các xã: Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Hương Thủy, Hương Giang, Gia Phố, Phương Điền, Phương Mỹ; Vũ Quang có các xã: Đức Giang, Đức Bồng; thị trấn Nghèn thuộc huyện Can Lộc; xã Thạch Đài thuộc huyện Thạch Hà; các xã Đức An, Đức Lập, Đức Dũng thuộc huyện Đức Thọ.

 Nước ngập băng Tỉnh lộ 6 đoạn xã Khánh Lộc (Can Lộc). Ảnh: Đạt Võ

Có 1.519 hộ bị ngập từ 0,3 - 0,5m, trong đó huyện Hương Sơn 90 hộ (các xã Sơn Tiến, Sơn Giang); huyện Can Lộc có 906 hộ (các xã Trung Lộc, Khánh Lộc, Vĩnh Lộc Son Lộc, Gia Hanh); huyện Nghi Xuân 180 hộ (các xa Xuân Giang 2, Xuân Viên); huyện Đức Thọ có 343 hộ (các xã Đức An, Đức Lập, Đức Dũng).

 Nước tràn vào nhà dân ở Đức Dũng (Đức Thọ). Ảnh: Đức Thiện

Thiệt hại bước đầu về nhà ở đều trên địa bàn Hương Sơn, trong đó ông Hồ Văn Thân (xã Sơn Lĩnh) bị sập 1 nhà chính, ông Lê Văn Lợi (xã Sơn Giang) bị sập 1 nhà ngang;

Về hoa màu, mưa lũ làm ngập úng và hư hỏng 301 ha cây hoa màu, trong đó huyện Vũ Quang 5ha (xã Đức Lĩnh 2 ha, xã Sơn Thọ 3ha), huyện Can Lộc 276 ha (Vượng Lộc 42ha, Thiên Lộc 120ha, Thuần Thiện 55ha, Gia Hanh 50ha, Khánh Lộc 5ha, Sơn Lộc 8,7 ha, Trung Lộc 4ha, Thượng Lộc Kha), huyện Đức Thọ 20 ha (xã Đức Lập 10ha, xã Đức Lâm 5ha, xã Đức Dũng 5ha).

 Vỡ đập Cố Châu ở Can Lộc. Ảnh: Mạnh Hà

Về thủy sản, nước gây ngập 211 ha thủy sản nước ngọt, trong đó huyện Can Lộc 132 ha, huyện Đức Thọ 79 ha.

Về công trình, vỡ đập dâng Cố Châu (xã Gia Hanh, huyện Can Lộc) trôi sạt với khối lượng khoảng 810m3 đất, làm xói lở mố cầu Cá Gáy; vỡ 250m tuyến kênh tưới 19/5 xã cẩm Phúc; sập 1 mố cầu Lạch (xã Cẩm Duệ, huyện Cẩm Xuyên).

Mưa lũ cũng làm ướt 16 tấn lúa; trôi 1.500 con gia cầm tại xã Đức An; hư hỏng 256.000 viên gạch mộc (huyện Đức Thọ).

Thanh Hóa: Vỡ đê, hàng trăm nhà dân chìm trong nước

Báo Dân Trí phản ánh, Mưa lớn kéo dài suốt nhiều giờ đồng hồ trên địa bàn đã khiến tuyến đê hữu sông Hoàng, đoạn qua địa bàn xã Tế Nông, huyện Nông Cống (Thanh Hóa) bị vỡ. Hơn 100 hộ dân bị chìm trong nước lũ. Theo thông tin từ UBND xã Tế Nông, vào khoảng 5h sáng ngày 10/10, người dân địa phương phát hiện tại đoạn cống dưới đê hữu sông Hoàng, đoạn qua địa bàn thôn 2, làng Tế Độ bị vỡ. Ghi nhận tại hiện trường cho thấy, đoạn đê bị vỡ có chiều dài khoảng 5m, do đó, nước lũ từ sông Hoàng chảy mạnh vào cánh đồng và tràn vào nhà dân, khiến hơn 100 hộ bị chìm trong nước.

 Đê vỡ tuy không gây thiệt hại về sản xuất và người, nhưng hơn 100 nhà dân bị ngập nước.

Nghệ An: Huy động lực lượng “giải cứu” đập Gà có nguy cơ vỡ

Cũng theo báo Dân Trí, chiều 10/10, ông Trần Văn Sao - Chủ tịch UBND xã Nghi Văn (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) cho biết, do mưa lớn mấy ngày qua, địa bàn xã Nghi Văn có đập Gà bị xói lở khi nước tràn qua, có nguy cơ bị vỡ.

 Nước lớn tràn qua thân đập Gà.
 Gây xói lở nghiêm trọng.

“Đêm hôm qua mưa lớn nên nước đập Gà dâng cao đã làm tràn qua thân đập và gây xói lở. Trước nguy cơ đập có khả năng vỡ, sau khi xin ý kiến từ UBND huyện nên ngay trong đêm qua (9/10) chúng tôi đã chỉ đạo điều động 3 máy múc, tiến hành đào bờ mở đường cho nước chảy. Do lượng nước chảy lớn, đã gây ngập lụt cục bộ, làm hư hỏng hơn 200ha hoa màu, hồ cá của các hộ dân phía dưới thiệt hại nặng nề và đang được khắc phục”, ông Sao nói.

 Ngay trong đêm 9/10 và sáng 10/10 xã Nghi Văn đã huy động người dân cùng cán bộ đắp những chỗ xung yếu trên thân đập Gà tránh nguy cơ có thể vỡ.

Cũng theo ông Sao, đập Gà trữ lượng hơn 500 nghìn m3 nước, được xây dựng từ lâu, cung cấp nước tưới tiêu cho xã và vùng phủ cận. Tuy nhiên, mấy ngày vừa qua mưa lớn diễn ra, nên đã làm cho đập này bị tràn bờ khoảng 200m. Trước nguy cơ bị vỡ nên UBND xã Nghi Văn đã điều động nhân dân cùng cán bộ dùng bao tải đựng đất, cát để đắp những đoạn xung yếu nhất.

 Lượng mưa lớn, nước trong khu vực dâng cao đã cô lập 2 khu dân cư xã Diễn Phú.

Áp thấp nhiệt đới vào miền Trung

 Sáng nay (10/10), mưa lớn do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã bắt đầu gây ra những xáo trộn trong cuộc sống của người dân các tỉnh miền Trung. Nhiều tuyến đường tại các thành phố bị ngập nặng, các xã miền núi bị cô lập, giao thông tê liệt.

 Vị trí và đường đi của ATNĐ trong những giờ tới.

Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương, sáng sớm nay (10/10), áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) đã đi vào khu vực đất liền Hà Tĩnh - Quảng Bình. Do ảnh hưởng của ATNĐ tại đảo Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9, tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh), Ba Đồn (Quảng Bình) có gió giật cấp 7, đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) giật cấp 9, đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) giật cấp 8.
Hoàn lưu của ATNĐ kết hợp với gió Đông gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 9 ở Văn Lý (Nam Định), vùng ven biển khác của Nam Định, Thái Bình và từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có gió mạnh cấp 5-6, giật cấp 8.

Hồi 10 giờ ngày 10/10, vị trí tâm ATNĐ ở vào khoảng 18,3 độ Vĩ Bắc; 105,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Trung-Lào. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm ATNĐ mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với gió Đông, khu vực Bắc Vịnh Bắc Bộ, vùng biển từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh (bao gồm các đảo Cồn Cỏ, Hòn Ngư) ngày hôm nay còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 8. Đây là thông tin cuối cùng của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn trung ương về ATNĐ.

Tính đến trưa 10/10, các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng bởi ATNĐ đã có những ghi nhận sơ bộ về tình hình tại địa phương.

Thanh Hóa

Trên địa bàn tỉnh từ chiều 9/10 đến 10/10 có mưa lớn kéo dài khiến nhiều tuyến đường trên địa bàn TP Thanh Hóa ngập sâu trong nước, có điểm ngập sâu gần 50 cm, phương tiện không thể lưu thông, rất nhiều phương tiện bị chết máy phải gọi cứu hộ.
 Các tuyến phố tại TP Thanh Hóa bị ngập nặng. Ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng.

Nghệ An

Theo ghi nhận, mưa lớn xuất hiện ở TP Vinh bắt đầu từ khoảng 12 giờ đêm 9/10 kéo dài suốt đêm khiến hầu khắp mọi tuyến đường đều bị ngập sâu, nhiều hộ dân bị ngập nhà đến 30 - 40 cm.

Ngoài một số tuyến phố trung tâm như Nguyễn Thị Minh Khai, Hồ Tùng Mậu, Lê Mao không bị ngập nước… hầu hết các tuyến phố khác đều bị ngập từ 40 - 70cm.

Đường phố ngập nặng khiến cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn hoàn toàn. Nước ngập làm xe máy, ô tô không thể di chuyển trên đường phải nhờ đến xe cứu hộ. Nhiều cửa hàng, nhà dân ven đường bị sóng nước do ôtô đi qua đánh hư hỏng. Người dân phải dùng bao cát che chắn để tránh nước tràn vào nhà.

Do trời mưa quá to nên tất cả các trường học trên địa bàn TP Vinh đều thông báo nghỉ học.

Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nghệ An, khoảng 6h sáng 10/10, em Lang Đức Huy (ngụ xã Châu Tiến, huyện Quỳ Hợp) đang trên đường đi học thì nước lũ cuốn trôi.

Tiếp đó, khoảng 6h30, chị Lê Thị Ngoan (22 tuổi, trú xóm 9, xã Quỳnh Vinh, TX Hoàng Mai) đang trên đường chở cháu gái học lớp 3 đi học, khi đến cầu Ông Vang thì bị nước cuốn trôi.

Cháu bé đã được người dân cứu, còn chị Ngoan và xe máy bị nước cuốn đi. Hiện chính quyền địa phương đang huy động các lực lượng tìm kiếm cứu nạn hai nạn nhân.

Hà Tĩnh

Mưa to đến rất to từ chiều và đêm 9/10 đến sáng nay trên địa bàn các huyện miền núi Hà Tĩnh đã khiến cho một số địa bàn bị cô lập, nhiều tuyến đường giao thông bị tê liệt do ngập lũ và lở đất.

Huyện Vũ Quang đã có nhiều thôn/xóm, trục đường giao thông huyết mạch bị ngập lũ, số khu dân cư và hộ gia đình đã bị cô lập đang tăng nhanh. Trọng điểm ngập ở các xã: Đức Lĩnh, Đức Bồng, Đức Giang, Đức Liên...
 Đất đá sạt lở một nhà dân tại huyện Vũ Quang. Ảnh: Báo Tuổi trẻ.
Huyện Hương Sơn, ngập lụt cũng diễn ra ở các xã: Sơn Ninh, Sơn Thịnh, Sơn Hòa, Sơn An, Sơn Tiến, Sơn Lễ, Sơn Bằng... Mưa dài ngày nên đã xảy ra tình trạng sạt lở đất diện hẹp trên địa bàn xã Sơn Kim II.

Theo dự báo, với tình hình mưa lớn như hiện nay, số địa phương, thôn/xóm, đường sá, công trình ở vùng miền núi sẽ bị ngập hoặc ngập nặng còn tiếp tục gia tăng.

Mực nước trên các sông Ngàn Sâu, Ngàn Phố, các con suối, hồ chứa, cánh đồng trên địa bàn hai huyện miền núi này đang dâng nhanh nên nguy cơ xảy ra lũ lớn, sạt sở đất đá, hư hỏng các hồ đập và công trình thủy lợi vốn đã mất an toàn... là rất lớn.

Huyện Hương Khê có mưa to và rất to, lượng mưa trung bình đo được trên địa bàn huyện là 325mm.

Theo báo cáo từ UBND huyện Hương Khê, có 6 xã đã bị cô lập trên diện rộng, gồm: Phương Mỹ, Hương Trạch, Hương Đô, Hương Giang, Hương Thủy, Phương Điền, một số xã bị chia cắt và chia cắt cục bộ như: Phương Điền, Phương Mỹ, Lộc Yên, Hương Giang, Hương Thủy…

Huyện Kỳ Anh đã có nhiều tuyến đường giao thông bị chia cắt, nhiều cầu cống bị ngập sâu trong nước, người dân không thể lưu thông.

Mưa lớn cũng đã gây ngập úng tại một số địa bàn huyện Can Lộc, trong đó, nhiều tuyến đường ở các xã Khánh Lộc, Trung Lộc bị ngập sâu.

Mưa lớn nhiều ngày qua cũng khiến nhiều xã thuộc huyện Nghi Xuân chìm trong biển nước; trong đó các xã Xuân Viên, Xuân Mỹ bị cô lập.

Xã Xuân Viên hiện có trên 70 hộ dân thuộc các thôn Trung Sơn, Nam Sơn bị nước ngập so với nền nhà từ 50cm – 1m. Xuân Giang 2 (thôn “ốc đảo” Hồng Lam có hơn 100 hộ dân bị ngập từ 20 – 40 cm. Xã Xuân Lĩnh (thôn 5) có trên 30 hộ dân bị ngập từ 30 – 50 cm, có nơi ngập đến 1m.