Ba Vì nâng chất lượng sản phẩm OCOP

Khuất Duyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua 2 năm triển khai, chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) của huyện Ba Vì đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ngày càng nhiều sản phẩm truyền thống, thế mạnh của địa phương được thị trường đón nhận.

Nhiều sản phẩm OCOP của huyện Ba Vì được người tiêu dùng đánh giá cao. Ảnh: Khuất Duyên
Khai thác tiềm năng, thế mạnh
Là huyện miền núi còn gặp nhiều khó khăn, song Ba Vì lại có nhiều lợi thế phát triển chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn. Mặt khác, hệ sinh thái thực vật phong phú, đa dạng với hàng trăm loài cây dược liệu quý, thuận lợi để phát triển nghề làm thuốc nam, trồng chè và dong riềng… Phát huy tiềm năng, thế mạnh, những năm qua, huyện Ba Vì đã đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, đặc biệt đã xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm OCOP địa phương.
Năm 2019, huyện Ba Vì có 9 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao và 4 sao. Năm 2020, qua đánh giá, chấm điểm, Ba Vì có 38 sản phẩm của 8 chủ thể được xếp hạng, nhiều sản phẩm đạt 4 sao.

Công ty CP Bánh sữa Ba Vì là đơn vị được đánh giá cao trong số các chủ thể tham gia phân hạng sản phẩm OCOP năm 2020. Được địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm, Công ty đã mạnh dạn đầu tư nhà xưởng, máy móc, trang thiết bị đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về chất lượng sản phẩm. Ông Đào Công Trường - Giám đốc Công ty CP Bánh sữa Ba Vì cho biết: Nhờ hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại, trung bình mỗi ngày công ty sản xuất được hơn 40.000 thành phẩm gồm các loại bánh sữa, sữa tươi, sữa chua, sữa chua nếp cẩm, caramen…

Là một trong những sản phẩm được xếp hạng OCOP năm 2019, mật ong Vinh Hoa của hộ sản xuất Vinh Hoa đang dần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Theo bà Chu Thị Vinh – chủ cơ sở sản xuất mật ong Vinh Hoa, mỗi năm gia đình xuất ra thị trường khoảng 60 - 70 tấn mật. Ngoài cung cấp cho thị trường Hà Nội và các địa phương lân cận, sản phẩm mật ong Vinh Hoa còn được một công ty của Hàn Quốc chuyên làm bánh gạo mật ong thu mua.

Phấn đấu vươn tới thị trường xuất khẩu

Với mục tiêu trong năm 2020, toàn huyện sẽ có 25 - 30 sản phẩm được TP công nhận là sản phẩm OCOP, huyện Ba Vì đã yêu cầu mỗi xã phải lựa chọn ít nhất một sản phẩm đặc trưng của địa phương, phù hợp thị hiếu tiêu dùng, bảo đảm chất lượng, VSATTP… Sau khi lựa chọn được đối tượng, huyện tổ chức hội nghị tập huấn cho các chủ thể kỹ năng hoàn thiện hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ thiết kế logo, mẫu mã, bao bì, tem truy xuất nguồn gốc, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu cho sản phẩm…

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng cho biết: Qua 2 năm triển khai, chương trình OCOP trên địa bàn huyện đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng xây dựng nông thôn mới, cải thiện đời sống người dân. Năm 2020, huyện đã xác định phát triển những sản phẩm thế mạnh của địa phương như các sản phẩm được chế biến từ sữa; khoai lang Đồng Thái, miến dong Minh Hồng, rượu mơ Núi Tản và các sản phẩm từ đà điểu… Đây là các sản phẩm đã có thương hiệu và được thị trường đánh giá cao.

Thời gian qua, huyện đã chỉ đạo các địa phương, cơ sở sản xuất nâng cao chất lượng, sản lượng cũng như thay đổi bao bì sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị hiếu người tiêu dùng, hướng tới những thị trường khó tính hơn. Thời gian tới, huyện sẽ liên kết, phối hợp với các địa phương để tạo ra vùng nguyên liệu lớn. Đồng thời tăng cường hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu, phấn đấu đưa các sản phẩm OCOP của huyện vươn ra thị trường xuất khẩu. Huyện Ba Vì kiến nghị cần có cơ chế, chính sách đặc thù tại các xã khó khăn, địa bàn miền núi để thu hút, tạo điều kiện cho các DN đầu tư phát triển sản phẩm OCOP.