Bắc Giang: Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP từ cây dược liệu

Thúy Hồng
Chia sẻ Zalo

Tỉnh Bắc Giang có nhiều sản phẩm OCOP từ cây dược liệu với chất lượng tốt, mẫu mã đẹp, được khách hàng tin dùng. Thời gian qua, các cấp, ngành trong tỉnh đã quan tâm thực hiện nhiều cơ chế, chính sách để phát triển sản phẩm OCOP từ những loại cây này.

Thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm, đến nay, tỉnh Bắc Giang có hơn 280 sản phẩm đạt OCOP 3 sao trở lên, trong đó có nhiều sản phẩm được chế biến từ cây dược liệu. Qua đánh giá của Sở Nông nghiệp và PTNT, hầu hết sản phẩm có mẫu mã đẹp, chất lượng tốt, tiêu thụ thuận lợi, ngày càng chiếm lĩnh thị trường. Huyện Yên Thế có nhiều sản phẩm OCOP từ cây dược liệu như trà đinh lăng, cao dược liệu…

Các HTX phát triển sản phẩm OCOP từ cây dược liệu trên địa bàn huyện Sơn Động tham gia hội chợ xúc tiến thương mại.
Các HTX phát triển sản phẩm OCOP từ cây dược liệu trên địa bàn huyện Sơn Động tham gia hội chợ xúc tiến thương mại.

Các HTX phát triển sản phẩm OCOP từ cây dược liệu trên địa bàn huyện Sơn Động tham gia hội chợ xúc tiến thương mại.

Hợp tác xã (HTX) dược liệu Thiện Tâm, xã Tân Hiệp có nhiều đóng góp vào việc phát triển sản phẩm OCOP của huyện. Ông Nguyễn Văn Thiện, Giám đốc HTX cho biết, những năm qua, đơn vị chủ động mở rộng diện tích trồng cây dược liệu như cà gai leo, xạ đen để bảo đảm vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng với tổng diện tích gần 30 ha. Đơn vị cũng đầu tư hàng tỷ đồng mua 3 dây chuyền chiết xuất dược liệu. Mỗi tháng, HTX sản xuất và tiêu thụ gần 1,5 nghìn hộp cao dược liệu các loại.

Sau 8 tháng thành lập, tháng 12/2022, HTX nông nghiệp sạch Thùy Dương (Yên Dũng) có 2 sản phẩm là tinh bột nghệ Curcumin Thùy Dương và bột củ sen nguyên chất Thùy Dương được công nhận OCOP 3 sao. Tiếp nối thành công, năm 2023, sản phẩm viên nghệ mật ong tam thất của HTX được chứng nhận OCOP 3 sao. Chị Bạch Thị Mến, Phó Giám đốc HTX nói: “Chúng tôi xác định phát triển sản phẩm OCOP là hướng đi tất yếu để nâng giá trị sản phẩm, tăng lợi nhuận, đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng”.

Hiện toàn tỉnh có gần 670 ha cây dược liệu lâu năm và hằng năm, tập trung ở các huyện: Sơn Động, Lục Nam, Yên Thế, Tân Yên.

Đồng hành với các doanh nghiệp, HTX, tỉnh Bắc Giang đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Mới đây, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết quy định chính sách phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2024- 2025.

Nghị quyết nhằm thúc đẩy, khuyến khích các chủ thể sản xuất, các địa phương trong tỉnh tăng cường phát triển sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm OCOP từ cây dược liệu. Mức hỗ trợ theo Nghị quyết đối với sản phẩm OCOP (xây dựng mới, gia hạn, nâng sao...) thấp nhất là 20 triệu đồng, cao nhất là 300 triệu đồng/sản phẩm.

Tại các huyện, thị xã, TP cũng thực hiện nhiều chính sách để xây dựng, nhân rộng diện tích trồng cây dược liệu, liên kết sản xuất. Đơn cử như huyện Tân Yên ban hành Đề án “Phát triển sản xuất sâm Nam núi Dành trên địa bàn huyện, giai đoạn 2022-2027”. Kết quả đến nay, toàn huyện có 106 ha sâm Nam. Riêng năm 2023, diện tích trồng mới là 34,5 ha (đạt 111,3% kế hoạch đề ra từ đầu năm); giá trị kinh tế đạt hơn 5,2 tỷ đồng/ha/chu kỳ sản xuất. Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn hình thành các chuỗi liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp.

Cùng với chính quyền địa phương, các sở: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và Công nghệ cùng các đoàn thể cũng có nhiều hoạt động hỗ trợ chủ thể xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, trong đó có sản phẩm OCOP từ cây dược liệu. Qua các hoạt động như hỗ trợ chuyển giao công nghệ; cấp nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý; tổ chức cho các chủ thể tham gia hội nghị kết nối cung-cầu, xúc tiến thương mại..., hy vọng trên địa bàn tỉnh ngày càng có nhiều sản phẩm được công nhận OCOP, qua đó nâng cao giá trị kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho chủ thể và người dân.