Bác Hồ và tình cảm sâu nặng với giai cấp công nhân

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh dành tình cảm sâu nặng, lòng tin tưởng to lớn với công nhân. Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 18/5, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam phối hợp với Bảo tàng lịch sử Quốc gia khai mạc trưng bày “Chủ tịch Hồ Chí Minh với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn Việt Nam”.

Tình yêu thương đặc biệt
Bác Hồ đã trải qua cuộc đời của một người thợ với nhiều nhọc nhằn, khổ cực. Điển hình, từ khi ra đi tìm đường cứu nước, Người đã làm việc trên tàu Đô đốc Amiral Latouche Tréville. Trên tàu, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành làm phụ bếp với mức lương 45 Franc/tháng, bằng 1/3 lương phụ bếp người Pháp. Chính vì vậy, hơn ai hết, Bác thấu hiểu và có tình thương yêu đặc biệt với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn.
Nhân viên hàng không tham quan triển lãm. Ảnh: Lại Tấn
Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh: “Với giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành những tình cảm sâu nặng và lòng tin tưởng to lớn. Qua hơn 200 hiện vật, hình ảnh tại triển lãm, công chúng sẽ một lần nữa cảm nhận được những tư tưởng, tình cảm và mong muốn của Bác Hồ đối với giai cấp công nhân và Công đoàn Việt Nam".
Tại triển lãm, khán giả được tận mắt chứng kiến một số tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về công nhân và công hội như: Sách “Bản án chế độ thực dân Pháp”, sách “Đường Kách mệnh” (là Bảo vật quốc gia). Ngoài ra còn có phần thưởng, giấy khen được trao tặng cho những cá nhân xuất sắc thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chủ tịch Hồ Chí Minh tới từng bước đi, trưởng thành của Công đoàn Việt Nam.
Bác Hồ với công nhân Thủ đô
Tại triển lãm, nhiều chuyên gia đã nhìn nhận, Bác Hồ dù bận trăm công nghìn việc hay lúc tuổi cao, sức đã yếu vẫn thường xuyên đến các công trường, nhà máy, hầm mỏ để chuyện trò, giáo dục, hướng dẫn, dìu dắt công nhân, tổ chức Công đoàn. Ban Tổ chức đã giới thiệu nhiều hình ảnh, hiện vật về những chuyến công tác của Bác Hồ đến thăm nhà máy, công nhân Thủ đô, tiêu biểu như: Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và nói chuyện tại Đại hội Anh hùng, chiến sĩ thi đua chống Mỹ cứu nước lần thứ 4 tại Hà Nội, ngày 30/12/1966; Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Tiến Bộ, ngày 13/5/1959; Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm, Hà Nội ngày 19/5/1955; Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng cơ khí ô tô 1/5 tại Hà Nội tháng 12/1963.
Nói về những giai cấp công nhân Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung, tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1961, Bác Hồ đã phát biểu: “Phát minh sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Phải nhận rằng, đại đa số công nhân ta đều cần cù, thông minh và có nhiều sáng kiến hay”.
Tại triển lãm, minh chứng cho đức tính cần cù, thông minh của giai cấp công nhân Việt Nam chính là những hiện vật được trưng bày. Trong đó có thể kể đến máy in tờ rời do Nhà máy in cơ khí Trần Hưng Đạo sản xuất năm 1949 tại xã Vinh Quang (huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang) cung cấp cho phân xưởng in báo Nhân Dân quản lý và sử dụng từ năm 1950 – 2002; bàn đánh máy mô-nô – công cụ sản xuất được cải tiến để tăng năng suất lao động của tổ sắp chữ, Nhà máy in Tiến Bộ, Hà Nội. Hay trong thời bình, công nhân Việt Nam đã sản xuất ra nhiều thiết bị hiện đại như: “Vệ tinh Micro Dragon”, phát triển bởi Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, phóng ngày 18/1/2019...

"Ban Tổ chức mong muốn thông qua triển lãm, công chúng, đặc biệt là giai cấp công nhân, đoàn viên Công đoàn hiểu sâu sắc hơn về tư tưởng Hồ Chí Minh cũng như tình cảm của Bác đối với cán bộ, công nhân, tổ chức Công đoàn. Từ đó nâng cao vai trò, trách nhiệm để tiếp tục thực hiện sứ mệnh trong thời kỳ mới - hội nhập và phát triển." - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần