Bạc Liêu: Tổ chức kỷ niệm 103 năm ngày ra đời bản "Dạ cổ hoài lang"

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Bản "Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, được xem là "bài ca vua" đã đặt nền móng và định hình phát triển nên nền sân khấu cải lương Nam bộ trong 103 năm qua.

Tối ngày 6.9, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch (VHTTTTDL) tỉnh Bạc Liêu tổ chức kỷ niệm 103 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang (1919-2022) và Ngày sân khấu Việt Nam lần thứ XIII. Đây còn là ngày để những người hoạt động trong lĩnh vực sân khấu tưởng nhớ đến tổ nghiệp, thể hiện sự biết ơn, trân trọng đối với các bậc tiền nhân đã dày công sáng tạo, gìn giữ và phát triển nghệ thuật sân khấu.

Ông Lữ Văn Hùng Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu tại buổi lễ.
Ông Lữ Văn Hùng Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu tại buổi lễ.

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đề nghị ngành văn hóa tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của văn hoá với tính chất là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, động lực của sự phát triển; là nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng trong phát triển bền vững. Tiếp tục quan tâm bảo tồn, tôn tạo và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển du lịch; chú trọng xây dựng văn hóa, con người Bạc Liêu đáp ứng yêu cầu hội nhập và phát triển. Xây dựng Bạc Liêu là điểm đến hấp dẫn, hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp cao, con người mến khách, thân thiện, nghĩa tình”.

Ông Phạm Văn Thiều (đứng giữa) thắp hương cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Ông Phạm Văn Thiều (đứng giữa) thắp hương cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở VHTTTTDL tỉnh Bạc Liêu cho biết, cách đây 103 năm, đúng vào đêm Rằm tháng 8 năm 1919, tại làng Vĩnh Hương, tổng Thạnh Hòa, tỉnh Bạc Liêu (nay là phường 2, thành phố Bạc Liêu) xuất hiện một tác phẩm văn học nghệ thuật độc đáo. Đó là bản “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu.

Trải qua một khoảng thời gian 103 năm, bản Dạ cổ hoài lang đã dần lột xác từ nhịp đôi đến nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32, nhịp 64 và trở thành bài ca trụ cột trong loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương Nam bộ.

Hoạt động nghệ thuật đêm kỷ niệm
Hoạt động nghệ thuật đêm kỷ niệm

Khi bản “Dạ cổ hoài lang” ra đời đã nhanh chóng lan tỏa từ Bạc Liêu đến các tỉnh, thành trong cả nước, bởi nội dung của nó hết sức gần gũi với tâm trạng của con người, với 20 câu đầy chất thơ, ca với nhịp 2.

Các thế hệ nghệ thuật sân khấu của Bạc Liêu đêm kỷ niệm
Các thế hệ nghệ thuật sân khấu của Bạc Liêu đêm kỷ niệm

Nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã khắc chạm, tạo dựng nên một hình tượng nghệ thuật độc đáo, gần gũi với đời thường, trải lòng hy sinh chấp nhận và vò võ đợi trông ngày về của chồng với hai chữ “bình an”.

Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Với ý nghĩa và giá trị ấy đã được Đảng bộ, nhân dân Bạc Liêu và giới văn nghệ sĩ trong cả nước tôn vinh, tên của ông được đặt tên một con đường, một Rạp hát và Nhà hát mang tên Cao Văn Lầu.

Khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia và còn là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực ĐBSCL và của cả nước.

Tượng đài Nhạc sĩ Cao Văn Lầu
Tượng đài Nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Nơi đây còn là khu sinh hoạt văn hóa truyền thống, là điểm hẹn, là nơi hội tụ các văn nghệ sĩ, nghệ nhân, là điểm tham quan hấp dẫn cho du khách và những người mộ điệu nghệ thuật đờn ca tài tử, sân khấu cải lương trong và ngoài nước.