Bác sĩ Sản khoa với tâm niệm “cho đi là còn mãi”

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luôn tâm niệm “cho đi là còn mãi” và khi cho đi đủ nhiều sẽ nhận lại được nhiều thứ, nên những năm công tác tại Khoa Sản, Bệnh viện (BV) Phụ sản Hà Nội, bác sĩ Trần Anh Đức (sinh năm 1989) đã có những sáng kiến hữu ích được áp dụng ngay tại BV. Với những nỗ lực, cống hiến hết mình để làm những điều có ích cho cộng đồng, bác sĩ Đức vinh dự là một trong 10 gương mặt trẻ Thủ đô tiêu biểu năm 2020. =

Bác sĩ Trần Anh Đức, khoa Sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội thăm khám cho một sản phụ. Ảnh: NVCC
Quyết tâm gắn bó với nghề vì mẹ
Vốn sinh ra trong hoàn cảnh không được may mắn như những người bạn đồng trang lứa khi vắng bóng người cha, bác sĩ Đức lớn lên trong vòng tay yêu thương của người mẹ hiền và ông ngoại. Chính nhân cách của ông ngoại và mẹ, những người luôn sống công bằng với con cái, hay giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn đã có sức ảnh hưởng rất lớn với anh. Cũng từ đây, bác sĩ Đức quyết tâm theo đuổi, gắn bó với Khoa Sản – nghề “chăm sóc một nửa thế giới” chỉ với mong muốn duy nhất mang kiến thức đã học để chăm sóc tốt hơn cho những người phụ nữ. Hiểu được việc mang thai, sinh nở, gồng gánh chuyện gia đình đã bào mòn tuổi thanh xuân, sức khỏe của người phụ nữ, vị bác sĩ 8X luôn mong muốn bằng mọi cách giúp phụ nữ có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuy mới bước chân vào BV Phụ sản Hà Nội năm 2017 nhưng nhờ phát huy được thế mạnh của mình, đến năm 2018, bác sĩ Đức và nhóm nghiên cứu của BV đã có sáng kiến cải tiến “Sử dụng Logo nhận diện nhân viên đón bé tại khoa A3 BV Phụ sản Hà Nội năm 2018”. Sáng kiến này được hội đồng BV đánh giá rất cao về tính thực tiễn và được áp dụng thường quy tại khoa Sản thường A3 giúp các sản phụ, gia đình nhận diện nhân viên đón bé, tăng cường tính an toàn cho trẻ sơ sinh trong quá trình nằm viện, tạo niềm tin cho người bệnh. Liên tiếp sau đó, nhóm nghiên cứu cùng bác sĩ Đức đã có sáng kiến trong hỗ trợ sinh sản về việc ứng dụng sử dụng mống mắt nhận diện các phôi (giúp ích cho việc trữ phôi thai tại khoa), tránh nhầm lẫn phôi của người này với người kia.

Đam mê hoạt động thiện nguyện

Đặc biệt, trước tình trạng tỷ lệ sản phụ đẻ mổ ngày càng nhiều khiến gia tăng khuyết sẹo mổ lấy thai ở cơ tử cung dẫn đến tình trạng vô sinh, ra máu rong huyết giữa chu kỳ kinh, bác sĩ Đức cùng nhóm nghiên cứu áp dụng giải pháp soi buồng tử cung để điều trị khuyết sẹo mổ lấy thai. Kỹ thuật này giúp người bệnh giảm triệu chứng, có thai tự nhiên, ra viện trong ngày. Kết quả của đề tài đã được báo cáo tại nhiều hội nghị về sản phụ khoa lớn trên thế giới.

Không chỉ vậy, nhiều năm qua, bác sĩ Đức đã chinh phục được nhiều ca bệnh khó trong lĩnh vực sản bệnh như cùng ê-kíp mổ lấy thai cho sản phụ có rau cài răng lược, có nguy cơ tử vong cho mẹ cao. Trước đây các trường hợp này mổ đều phải cắt tử cung nhưng giờ tiến tới bảo tồn tử cung sản phụ. Bác sĩ Đức cũng đã kết hợp với Trung tâm chẩn đoán trước sinh điều trị cho những trường hợp hết ối, sau can thiệp bào thai, truyền ối…

“Tôi từng trực tiếp giữ thai và đỡ đẻ cho một trường hợp một em bé song thai chào đời rất non tháng, sinh ra chỉ 600 gram ở tuần thai thứ 25. Sau 4 tháng nằm viện, em bé nặng 3kg và đã được trở về trong vòng tay yêu thương của gia đình. Đọc những dòng tin nhắn hạnh phúc của người mẹ hiếm muộn sau bao năm mong ngóng có con, tôi càng thêm yêu nghề, yêu cuộc sống hơn” - bác sĩ Đức tâm sự.

Dù khá bận rộn với công việc chuyên môn, nhưng vị bác sĩ trẻ luôn dành thời gian cho các hoạt động xã hội, thiện nguyện. Hầu hết các chương trình thiện nguyện do BV phát động anh đều là người xung phong đi đầu. Đó là “Chương trình giáo dục sức khỏe sinh sản cho các em học sinh trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh lân cận” thông qua chuỗi chương trình “BV Phụ sản Hà Nội cùng bé lớn khôn”. Đặc biệt là các hoạt động từ thiện, đỡ đầu làng trẻ mồ côi SOS, lồng ghép giáo dục giới tính cho trẻ em đường phố của tổ chức Rồng Xanh…

Trong năm 2019 và 2020, mặc dù tình hình dịch bệnh Covid-19 phức tạp nhưng bác sĩ Đức đã thực hiện 11 chương trình cho các em học sinh tiểu học, THCS và THPT và trẻ em khó khăn trong cộng đồng. Đây là một trong những hoạt động thường xuyên, liên tục, bền bỉ, thể hiện được sự quan tâm đến trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và lan tỏa lòng yêu thương trong cộng đồng. Không chỉ vậy, vị bác sĩ 8X còn xây dựng, tham gia truyền thông sức khỏe và khám phụ khoa miễn phí cho phụ nữ ở các nhà máy, khu công nghiệp lớn, từ đó giúp chị em có sức khỏe, nâng cao hiểu biết về sinh sản để có thai kỳ khỏe mạnh, có ý nghĩa lâu dài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần