Triển khai môn tích hợp Khoa học tự nhiên: Quyết chí ắt thành công

Bài 2: Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng giáo viên Khoa học tự nhiên

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi triển khai Chương trình GDPT 2018, cấp THCS sẽ không còn giáo viên Lý, Hóa, Sinh riêng biệt mà chỉ có giáo viên Khoa học tự nhiên. Công tác bồi dưỡng đội ngũ được tích cực thúc đẩy, đảm bảo có giáo viên đủ chuyên môn đứng lớp theo đúng mục tiêu đề ra.

Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng

Có đội ngũ đảm bảo kiến thức để dạy các môn học tích hợp là một trong những đòi hỏi có ý nghĩa sống còn khi triển khai Chương trình GDPT 2018. Còn nhớ, tại giai đoạn đầu thực hiện các môn tích hợp với lớp 6, “bồi dưỡng giáo viên” hay “chứng chỉ KHTN”… là những cụm từ quen thuộc với bất cứ cơ sở giáo dục nào.

Giáo viên THCS quận Ba Đình tham gia một buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn KHTN
Giáo viên THCS quận Ba Đình tham gia một buổi tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn KHTN.
 

Chương trình GDPT 2018 được thực hiện theo lộ trình sau:

- Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1.

- Từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6.

- Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10.

- Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11.

- Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Việc tham gia các khóa bồi dưỡng giáo viên dạy môn KHTN được coi là điều kiện tối thiểu để mỗi giáo viên có thể bắt đầu triển khai dạy học môn này. Ngoài ra, sau khi hoàn thành chương trình, giáo viên sẽ có khả năng tự học, tự nghiên cứu, đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông.

Cô giáo Nguyễn Thị Tươi - giáo viên KHTN một trường THCS tại Quận 11, TP Hồ Chí Minh chia sẻ, cô và các giáo viên được tham gia khóa bồi dưỡng giáo viên từ trước khi triển khai Chương trình mới trong thời gian gần 1,5 năm.

 “Là giáo viên dạy Sinh, tôi tham gia bồi dưỡng 2 phân môn Lý và Hóa; trong đó, giai đoạn đầu học trực tiếp hoàn toàn; giai đoạn sau học theo hình thức trực tuyến. Xác định học để dạy, để áp dụng và là yêu cầu bắt buộc nên tôi và các đồng nghiệp đều học với tinh thần nghiêm túc, cầu thị, hoàn thành mọi nhiệm vụ lớp học đề ra. Các kiến thức chúng tôi thu nhận sau khóa học rất hữu ích, tạo cho chúng tôi sự tự tin khi đứng trên bục giảng để dạy trọn vẹn môn KHTN lớp 6, 7” - cô Nguyễn Thị Tươi chia sẻ.

Trong khi đó, nhiều giáo viên ở khu vực phía Bắc, trong đó có Hà Nội chỉ tham gia bồi dưỡng chứng chỉ KHTN trong vài tháng; không những vậy, thời gian đầu năm học 2021- 2022, các thầy cô lại thuần túy học online nên hiệu quả chưa thực sự như mong đợi.

“Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT của Bộ GD&ĐT quy định giáo viên học thêm từ 20 - 36 tín chỉ để dạy môn KHTN. Tuy nhiên, chỉ trong vài tháng, giáo viên dạy đơn môn bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng, phương pháp dạy học của 1 hoặc 2 phân môn khác liệu có đủ năng lực và tự tin để đứng lớp? Giáo viên Lí có đủ khả năng dạy Sinh và Hóa không, trong khi môn Hóa học với tên gọi các nguyên tố theo tiếng Anh cũng là vấn đề khó đối với giáo viên Hóa. Hay một giáo viên Sinh có đủ khả năng để dạy Lý và Hóa không?” - cô Nguyễn Thị Hòa, giáo viên KHTN tại quận Cầu Giấy, Hà Nội đặt câu hỏi.

Môn KHTN được thiết kế theo chủ đề thuộc các phân môn đan xen nhau và có 3 phương thức dạy học gồm: Dạy song song, dạy tuyến tính (3 giáo viên cùng dạy 1 môn) hoặc 1 giáo viên đã có chứng chỉ tích hợp KHTN giảng dạy cả 3 phân môn. Dễ dàng nhận thấy 1 giáo viên phụ trách môn KHTN sẽ tạo thuận lợi cho nhà trường, giáo viên dễ chấm điểm, nhập điểm… nhưng bất cập là nếu giáo viên chưa đủ kiến thức, chưa đủ tự tin giảng dạy sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.

“Giáo viên mất 4 năm đại học, ra trường với bằng ĐH Sư phạm chỉ dạy được 1 môn. Trong khi theo yêu cầu của môn tích hợp KHTN, vẫn giáo viên ấy lại chỉ học thêm vài chục tín chỉ trong vài ba tháng bồi dưỡng để bù lấp kiến thức 2 đơn môn khác. Vậy làm sao các thầy cô có đủ kiến thức để đứng lớp giảng dạy? Giáo viên của tôi đã hoàn thành xong khóa bồi dưỡng và được cấp chứng chỉ nhưng không tự tin giảng dạy KHTN, dù chỉ là lớp 6, 7. Nếu ép buộc các cô phải lên lớp thì thiệt thòi cuối cùng sẽ do học sinh hứng chịu”- hiệu trưởng một trường THCS quận Nam Từ Liêm, Hà Nội thẳng thắn.

Đó là chưa kể đến việc, chi phí bồi dưỡng chứng chỉ KHTN cũng chưa thống nhất ở các cơ sở giáo dục khi có trường hỗ trợ 100% chi phí; có trường hỗ trợ 50% chi phí nhưng có trường, giáo viên phải bỏ 100% chi phí bồi dưỡng. Yêu cầu mới cộng việc phải tự bỏ chi phí đào tạo vô hình trở thành rào cản với việc dạy môn KHTN cấp THCS.

Ngoài ra, không ít giáo viên cao tuổi, điều kiện gia đình ở xa, nhiều gánh nặng con cái, bố mẹ... sẽ có tư tưởng ngại và né tránh sự thay đổi.

Cơ sở vật chất thiếu thốn

KHTN là môn khoa học thực nghiệm, phương pháp dạy học phù hợp và phổ biến nhất sẽ là dạy học khám phá. Vì vậy giáo viên cần nhiều thiết bị, đồ dùng dạy học, phòng học bộ môn… tạo cơ hội cho học sinh được trải nghiệm. Tuy nhiên cho đến nay, dù đã bước vào năm thứ 3 thực hiện Chương trình mới (với cấp THCS) nhưng đồ dùng dạy học của môn KHTN lớp 7 vẫn chưa có mặt tại hầu hết các nhà trường. Muốn có những giờ dạy hay, lí thú, các thầy cô phải sáng tạo, tự làm các đồ dùng dạy học. Điều này dẫn đến quá tải cho giáo viên trong khi còn phải tiếp tục trau dồi về mặt chuyên môn.

Học sinh Trường THCS Thái Thịnh hứng thú trong 1 giờ học KHTN
Học sinh Trường THCS Thái Thịnh hứng thú trong 1 giờ học KHTN

Hiệu trưởng một trường THCS tại huyện ngoại thành Hà Nội cho hay, thầy cô mừng rơi nước mắt vì trường được cấp thiết bị dạy lớp 6 sau 2 năm triển khai Chương trình mới. Đồng nghĩa với việc, các năm học trước thầy cô chỉ dạy chay hoặc bỏ tiền túi mua/bỏ thời gian làm các đồ dùng dạy học đơn giản.

Về vấn đề này, PGS.TS Chu Cẩm Thơ - Trưởng Ban nghiên cứu Đánh giá Giáo dục, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nêu thực tế: Hiện, hầu hết trường phổ thông chưa được trang bị đầy đủ thiết bị dạy học. Điều này khiến giáo viên và học sinh chỉ có thể dạy chay, học chay, không được làm thí nghiệm hay có bài tập thực hành. Do đó, thầy trò không thể hình dung thế nào là tích hợp.

Chương trình mới đã được nghiên cứu, chuẩn bị từ khoảng năm 2012, nhưng sau 10 năm, các địa phương và nhà trường gần như vẫn "giậm chân tại chỗ" về cơ sở vật chất. Năm học 2022 - 2023 là năm thứ 3 triển khai Chương trình mới nhưng trang thiết bị của các trường cũng gần như không thay đổi gì. Giá như có đủ đồ thí nghiệm, thiết bị dạy học, giáo viên sẽ không quá bị lệ thuộc vào kiến thức và hoàn toàn có thể dạy tích hợp.

Theo PGS.TS Chu Cẩm Thơ, để triển khai một chương trình giáo dục cần 4 trụ cột: Mục tiêu để cả hệ thống tuân thủ, hướng tới; xây dựng nội dung, phương pháp thực hiện; đầu tư cơ sở hạ tầng; đổi mới các tiêu chí về đo lường, đánh giá. Trong đó, quan trọng nhất là cơ sở vật chất và tiêu chí đánh giá.

Tại TP Hồ Chí Minh, môn tích hợp KHTN đã và đang được các nhà trường triển khai rất hiệu quả. Khi dạy Chương trình GDPT 2018, các trường học đều được đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hiện đại như máy chiếu, ti vi… 100% học sinh hứng thú với các tiết học nói chung và tiết KHTN nói riêng. Ví như trước đây, khi nói về đa dạng sinh học, thầy cô giảng nhiều, giải thích nhiều nhưng học sinh vẫn rất khó hình dung thì nay, thầy cô sẽ chiếu các đoạn video minh họa nội dung bài học, học sinh tỏ ra thích thú, đòi xem đi xem lại nhiều lần và nắm được kiến thức ngay tại lớp.

TS. Phạm Ngọc Sơn - Phó Trưởng khoa Sư phạm, ĐH Thủ đô Hà Nội cho rằng: Trong dạy tích hợp, giáo viên đóng vai trò chủ đạo, quyết định còn cơ sở vật chất, trang thiết bị có tác dụng hỗ trợ đắc lực.

Đã từng tham gia nhiều khóa bồi dưỡng các nội dung, kiến thức khác nhau, TS Phạm Ngọc Sơn cảm nhận, tại các lớp bồi dưỡng chứng chỉ KHTN, học viên có tâm thế tốt hơn, thể hiện mong muốn rõ ràng hơn. Tất cả học viên đều chăm chỉ, tập trung để học hỏi, đào sâu kiến thức, từ đó có thể áp dụng ngay vào giảng dạy. Và đây được coi là một tín hiệu rất đáng mừng.

 

Trường ĐH Thủ đô Hà Nội đã có khoảng 2 năm tổ chức các lớp bồi dưỡng giáo viên dạy môn tích hợp Chương trình mới. Với riêng môn KHTN, Trường đã hoàn thành bồi dưỡng được khoảng 30 lớp với ngót 3.000 học viên từ khắp các tỉnh thành cả nước. Sau mỗi khóa học, lớp đều có phiếu đánh giá, nhận xét về quá trình học tập của học viên...- TS Phạm Ngọc Sơn, Phó Trưởng khoa Sư phạm, ĐH Thủ đô Hà Nội.