Dấu ấn Nghị quyết 15 - nhìn từ những đổi thay vùng đồng bào dân tộc

Bài 2: Ưu tiên nguồn lực đầu tư

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh xuất phát điểm đầy khó khăn những ngày đầu hợp nhất, Thành ủy - HĐND - UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách dân tộc.

Cùng với đó nghiên cứu, xây dựng, ban hành nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô.

Cụ thể hóa chủ trương

Sau khi Nghị quyết số 15 được ban hành, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được TP xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị.

Trường Tiểu học Đông Xuân (huyện Quốc Oai) được đầu tư xây dựng khang trang, rộng đẹp. Ảnh: Lâm Nguyễn
Trường Tiểu học Đông Xuân (huyện Quốc Oai) được đầu tư xây dựng khang trang, rộng đẹp. Ảnh: Lâm Nguyễn

TP cũng chỉ đạo vận dụng sáng tạo các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng, các nhóm chính sách dân tộc của T.Ư để triển khai thực hiện linh hoạt, phù hợp trên địa bàn Hà Nội. Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đã được TP nghiên cứu, xây dựng và ban hành nhằm thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện cho vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Nguyên Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Tất Vinh cho biết, sau khi Nghị quyết số 15 được Quốc hội khóa XII ban hành, Ban Thường vụ Thành ủy đã có Nghị quyết chuyên đề số 06-NQ/TU về “Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô”. HĐND TP đã ban hành các nghị quyết để bố trí nguồn lực đầu tư cho vùng đồng bào dân tộc miền núi.

Cụ thể hóa chủ trương của Thành ủy và sự ủng hộ của HĐND, UBND TP Hà Nội đã ban hành các Kế hoạch số 62, Kế hoạch số 166, Kế hoạch số 138, với mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô theo từng giai đoạn: 2009 - 2012, 2012 - 2015 và 2016 - 2020.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, UBND TP Hà Nội cũng đã sớm ban hành Kế hoạch số 253/KH-UBND, để tổ chức triển khai trên địa bàn Thủ đô.

Bên cạnh những nghị quyết, kế hoạch mang tính trọng tâm, trọng điểm được xây dựng trên nền tảng chính sách chung của T.Ư, HĐND - UBND TP Hà Nội cũng đã phê duyệt nhiều quyết định, chương trình phù hợp với thực tiễn, với mục tiêu phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo hướng bền vững.

Đơn cử như Nghị quyết số 16 về thực hiện chính sách hỗ trợ hằng tháng cho người có uy tín; Kế hoạch số 182 triển khai Chiến lược công tác dân tộc giai đoạn 2021 - 2030; Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 2085 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc miền núi…

Bố trí hơn 4.000 tỷ đồng cho vùng dân tộc

Theo Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Nguyễn Văn Đức, thực hiện các Kế hoạch số 62, 166 và 138 của UBND TP, đến nay, đã có khoảng 2.400 tỷ đồng được bố trí để đầu tư cơ sở hạ tầng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Hồ chứa thuỷ lợi tại xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu nguồn nước sản xuất cho người dân. Ảnh: Lâm Nguyễn
Hồ chứa thuỷ lợi tại xã Phú Mãn (huyện Quốc Oai) được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu nguồn nước sản xuất cho người dân. Ảnh: Lâm Nguyễn

Đối với Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2030, HĐND TP quyết nghị phân bổ 1.500 tỷ đồng.

“Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn về ngân sách nhưng TP vẫn ưu tiên bố trí khoảng 975 tỷ đồng để thực hiện 89 dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi của Thủ đô. Tổng nguồn lực đã đầu tư cho vùng dân tộc miền núi của Hà Nội tổng hợp từ các nguồn đến nay là hơn 4.000 tỷ đồng” - ông Nguyễn Văn Đức thông tin thêm.

Ngoài nguồn lực đầu tư rất lớn từ ngân sách TP, Hà Nội cũng kêu gọi các quận nội thành hỗ trợ đầu tư xây dựng 46 công trình nhà văn hóa thôn cho các xã vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô, với tổng kinh phí khoảng 92 tỷ đồng. 5 dự án nâng cấp lưới điện cho các xã vùng dân tộc miền núi, với tổng mức đầu tư 101 tỷ đồng từ nguồn vốn hỗ trợ của Tổng Công ty Điện lực Hà Nội cũng đã được hoàn thành...

Cùng với nguồn lực của TP và các quận nội thành, cộng đồng DN hỗ trợ, 5 huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng “tự lực cánh sinh”, cân đối để bố trí nguồn ngân sách huyện, tập trung đầu tư nâng cấp đồng bộ cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của địa phương. Đơn cử như tại huyện Thạch Thất, gần 72 tỷ đồng đã được bố trí để đầu tư hàng chục dự án dân sinh.

Trong quá trình triển khai công tác dân tộc, các địa phương cũng chủ động lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, kế hoạch khác, đặc biệt là từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Những nguồn lực đầu tư to lớn, được huy động từ nhiều thành phần kinh tế, đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Thành ủy - HĐND - UBND TP, tinh thần đoàn kết chung sức, cộng đồng tương trợ đối với mục tiêu phát triển toàn diện vùng dân tộc miền núi của Thủ đô.

Triển khai đầy đủ, kịp thời các chính sách

Cụ thể hóa định hướng mục tiêu của Nghị quyết số 15, cùng với ban hành, chỉ đạo thực hiện các kế hoạch, chương trình, đề án mang tính đặc thù, UBND TP cũng chỉ đạo Ban Dân tộc và các sở, ngành, 5 huyện có đồng bào dân tộc sinh sống tập trung, tổ chức triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách dân tộc của T.Ư.

 Cầu Yên Bài kết nối vùng đồng bào dân tộc miền núi huyện Ba Vì với khu vực ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn
 Cầu Yên Bài kết nối vùng đồng bào dân tộc miền núi huyện Ba Vì với khu vực ngoại thành Hà Nội. Ảnh: Lâm Nguyễn

Trưởng ban Dân tộc TP Hà Nội Nguyễn Nguyên Quân cho biết, thực hiện các Quyết định số 1592 và 775 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, TP đã thực hiện hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho 1.286 hộ đồng bào vùng dân tộc miền núi; hỗ trợ trực tiếp cho các hộ nghèo vùng khó khăn theo Quyết định số 102 của Thủ tướng Chính phủ. Gần 20 tỷ đồng cũng đã được bố trí để thực hiện chuyển đổi nghề cho gần 1.000 hộ dân vùng đồng bào thiếu đất sản xuất…

Các chính sách về giáo dục - đào tạo, y tế, an sinh xã hội của T.Ư cũng được TP thực hiện đầy đủ. Trong những năm qua, Hà Nội đã bố trí hàng chục tỷ đồng để hỗ trợ cho học sinh, sinh viên thuộc các hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn.

Ngoài chế độ chính sách chung của Nhà nước, Hà Nội còn hỗ trợ thêm cho đội ngũ giáo viên công tác tại các xã vùng dân tộc miền núi; trợ cấp hằng tháng cho người có uy tín vùng đồng bào dân tộc miền núi theo Nghị quyết số 16 của HĐND TP…

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Mạnh Quyền, Hà Nội luôn xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị. Chính vì vậy, trong 15 năm qua, TP đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương tập trung triển khai bài bản, có hiệu quả chính sách dân tộc; đồng thời, chú trọng làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác dân tộc từ TP đến cơ sở.

Phó Chủ tịch UBND TP cũng nhấn mạnh trong thời gian tới, TP sẽ tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương vùng dân tộc miền núi chủ động, tích cực trong việc hoàn thành các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, dự án phát triển sản xuất; bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách. Thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định, công khai, minh bạch trong phân bổ nguồn vốn và phát huy quyền làm chủ, sự tham gia tích cực của đồng bào các dân tộc thiểu số.

(còn nữa)