Hoạt động của HĐND TP Hà Nội: Hơi thở cuộc sống trong những quyết sách

Bài 4: “Gác cổng” trong giám sát thực thi chính sách

Hà Bình - Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều đại biểu HĐND TP đã nhận định, vấn đề quan trọng không phải là ban hành nhiều nghị quyết mà là thực hiện hiệu quả trong thực tế.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà phát biểu trong buổi giám sát chuyên đề tại Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà phát biểu trong buổi giám sát chuyên đề tại Sở Xây dựng Hà Nội. Ảnh: Thùy Linh

Để thúc đẩy quá trình đó, HĐND TP Hà Nội đã và đang thực hiện rất tốt chức năng giám sát, tạo thành một dấu ấn trong hoạt động của cơ quan dân cử địa phương.

Nắm bắt thông tin, phản hồi từ cơ sở

Để nghị quyết được thông qua không chỉ "nằm trên giấy", Thường trực, các Ban HĐND TP đã xây dựng kế hoạch giám sát, khảo sát quá trình thực hiện, kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cũng như đôn đốc đẩy nhanh tiến độ.

Chính những điểm nổi bật trong việc thực hiện chức năng giám sát của Thường trực, các ban, đại biểu HĐND thời gian qua đã góp phần không nhỏ đưa Nghị quyết đi vào cuộc sống.

Với phương châm hành động giám sát đến cùng, hướng về cơ sở, hoạt động giám sát, khảo sát trực tiếp của HĐND TP Hà Nội chú trọng vào các đối tượng tác động trực tiếp, trao đổi kỹ giữa các bên có liên quan để có cái nhìn chân thực, khách quan nhất; tổ chức buổi giám sát linh hoạt theo nhóm đơn vị tương đồng về nội dung, chức năng, nhiệm vụ.

Các kết luận giám sát đều được nêu rõ ràng, cụ thể từng nội dung đạt được, hạn chế, yếu kém và nguyên nhân, trách nhiệm, biện pháp cũng như thời gian khắc phục.

Bên cạnh đó, đối tượng giám sát được tăng lên do đổi mới cách làm, Thường trực HĐND TP Hà Nội kết hợp giữa làm việc trực tiếp tại cơ sở và làm việc chung với nhiều đơn vị để mở rộng thành phần, đối tượng giám sát.

Đồng thời, HĐND TP thực hiện quyền giám sát trực tiếp thông qua hoạt động chất vấn, tái chất vấn của đại biểu HĐND đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND, các thành viên UBND TP và tổ chức, cá nhân liên quan.

Khi các Nghị quyết của HĐND TP về hỗ trợ nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được triển khai trong bối cảnh cấp bách, rất nhiều người lao động, nhóm đối tượng chính sách thực sự cần được quan tâm kịp thời, ngay thời điểm đó, Thường trực HĐND đã nhanh chóng thành lập 2 đoàn giám sát về việc thực hiện một số Nghị quyết do HĐND, Thường trực HĐND TP ban hành và Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ về vấn đề này.

Qua đó kịp thời nắm bắt kết quả, những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các Nghị quyết tại địa phương, cơ sở cũng như trách nhiệm của các cấp, ngành liên quan để tổng hợp, báo cáo kết quả giám sát với Thường trực HĐND và HĐND TP.

Đáng chú ý, thời điểm ban hành và thực hiện các nghị quyết này dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp nên việc giám sát cũng được linh hoạt, tiết kiệm thời gian mà vẫn đảm bảo nắm bắt tình hình tại cơ sở.

Trong giai đoạn này, Thường trực HĐND TP đã tổ chức giám sát thông qua báo cáo của 12 sở, ngành và 30 quận, huyện, thị xã; giám sát trực tiếp tại 7 quận, huyện như Ứng Hòa, Thạch Thất, Bắc Từ Liêm...

Các đoàn giám sát đã đi thực tế nắm bắt thông tin từ địa bàn, trên cơ sở đó làm việc với UBND TP để tìm ra những biện pháp tháo gỡ vướng mắc, khó khăn nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện; đưa chính sách đi vào cuộc sống nhanh nhất, hỗ trợ kịp thời cho người dân. Chính nhờ vào cuộc giám sát sớm nên việc triển khai các nghị quyết thuận lợi, tránh được khiếu kiện hoặc vướng mắc.

Theo đến cùng vấn đề

Từ năm 2021 đến nay, HĐND TP đã tiến hành nhiều đợt giám sát chuyên đề, như giám sát về việc thực hiện các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản công là nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước của TP; hay đợt giám sát chuyên đề về việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động quản lý thoát nước và xử lý nước thải…

Do có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, Đoàn giám sát đã phát hiện nhiều hạn chế, vướng mắc qua nhiều năm không được tập trung giải quyết. Đơn cử như khi giám sát về việc thực hiện các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường trong hoạt động quản lý thoát nước và xử lý nước thải, Đoàn giám sát đã thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại trong vến đề quy hoạch thoát nước; việc đầu tư các nhà máy xử lý nước thải theo quy hoạch ở các khu đô thị còn quá ít so với thực tiễn; công tác xử lý nước thải tại khu công nghiệp, làng nghề cũng yếu, chưa đồng bộ…

Để tiếp tục đôn đốc thực hiện có hiệu quả các nội dung về quản lý, sử dụng tài sản công và thực hiện chính sách về bảo vệ môi trường trong quản lý thoát nước, xử lý nước thải, HĐND TP đã đưa 2 nội dung này ra chất vấn tại Kỳ họp thứ 7 và Kỳ họp thứ 10 HĐND TP. Đặc biệt, sau phiên chất vấn, thực hiện chức năng giám sát tại Nghị quyết 594 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với tinh thần theo đến cùng vấn đề, HĐND TP đã ban hành nghị quyết về phiên chất vấn nêu rõ tiến độ, thời gian các đơn vị thực hiện cam kết - được đông đảo cử tri ghi nhận, đánh giá cao.

Với nghị quyết bao phủ theo cả giai đoạn, để nhanh chóng triển khai trong thực tiễn, các Ban HĐND đã tiến hành khảo sát để nắm bắt. Cụ thể, trong thời gian qua, các Ban HĐND TP đã khảo sát tiến độ triển khai Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 về thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập để đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 - 2025.

Khi khảo sát trực tiếp tại huyện Phú Xuyên, Chương Mỹ, đoàn khảo sát làm rõ thực trạng, vướng mắc ở khâu nào, liên quan đến thủ tục nào với các sở, ngành TP để chuyển tới cơ quan liên quan nhằm tháo gỡ, đẩy nhanh tiến độ. Bằng sự vào cuộc tích cực, khẩn trương, trách nhiệm ấy, đến tháng 2/2023 ngân sách TP đã bố trí 769 dự án (đạt 58,7% kế hoạch) với số vốn 15.156,2 tỷ đồng (đạt 37,4% kế hoạch). Cụ thể, cấp TP đã bố trí 23 dự án với số vốn 1.649,5 tỷ đồng (đạt 10,4%); ngân sách TP hỗ trợ huyện đã bố trí 746 dự án (đạt 68,8%), với số vốn 13.506,7 tỷ đồng (đạt 62,2%).

Theo Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng ban Chỉ đạo triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022 – 2025 và các năm tiếp theo của TP, những kết quả bước đầu đạt được đã thể hiện sự quyết liệt, nghiêm túc trong triển khai nhiệm vụ này.

Đây là nội dung hết sức quan trọng để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII, các Chương trình công tác của Thành ủy trong lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa.

Hiện HĐND TP Hà Nội đang tập trung rà soát các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp để tập trung thực hiện có hiệu quả Đề án số 15-ĐA/TU, ngày 12/5/2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về "Nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2026 gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và củng cố chính quyền nông thôn tại Hà Nội". Trong đó việc nâng cao chất lượng xây dựng, ban hành và thúc đẩy thực thi các nghị quyết là một vấn đề trọng tâm.

Có thể nói rằng, chính tinh thần vào cuộc sớm, theo đến cùng vấn đề, chỉ đạo sát sao của Thường trực HĐND TP trong việc tăng cường thông tin, tuyên truyền việc thực hiện các kết luận giám sát, tái giám sát của địa phương, đơn vị; có văn bản đôn đốc, nhắc nhở nếu chậm giải quyết hoặc đưa vào nội dung chất vấn tại kỳ họp, phiên giải trình của Thường trực HĐND TP, nhiều vấn đề đã được UBND TP và các sở, ngành, chính quyền địa phương tiếp thu, tập trung chỉ đạo quyết liệt, khắc phục những tồn tại, hạn chế.
(còn nữa)