Bài ca “được mùa mất giá” hát đi hát lại dù không được cấp phép

Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Bài ca "được mùa mất giá, được giá mất mùa" đã quá quen thuộc được nông dân và đại biểu Quốc hội hát đi, hát lại qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù bài ca đó không được ai cấp phép”, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) ví von.

Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.
Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (đoàn Ninh Thuận) cho rằng, kết quả đạt được qua hoạt động chỉ đạo điều hành của Chính phủ đã được thể hiện đầy đủ trong báo cáo, điều dễ nhận thấy trong điều kiện còn nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã có nhiều cố gắng chỉ đạo quyết liệt trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt các lĩnh vực như phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, quản lý tài nguyên, khoáng sản...
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương - tỉnh Ninh Thuận phát biểu ý kiến
Bên cạnh đó, việc tái cơ cấu nông nghiệp, tạo ra một bước chuyển biến mạnh mẽ theo hướng tăng các sản phẩm có giá trị và quy mô sản xuất, liên kết trong sản xuất nông nghiệp được hình thành, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất tiên tiến và hiện đại.

Đại biểu cũng đồng tình cao với quan điểm của Chính phủ là tái cơ cấu nông nghiệp phải gắn với phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ, lấy thị trường quốc tế là mục tiêu, coi trọng thị trường trong nước, từ đó xác định sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế tạo ra sản phẩm có khối lượng lớn, có chất lượng và giá trị cao, đảm bảo tiêu chuẩn của thị trường.

Đồng thời gắn với việc ứng phó có hiệu quả các tác động của biến đổi khí hậu gắn với phát triển kinh tế ngành nghề ở nông thôn, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, giảm lao động trong nông nghiệp, tăng diện tích đất để canh tác tài nguyên, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện trạng nông nghiệp vẫn còn nhiều điều đáng suy ngẫm, đa số nông dân vẫn chật vật lo toan với nhiều nỗi gian truân

“Bài ca "được mùa mất giá, được giá mất mùa" đã quá quen thuộc được nông dân và đại biểu Quốc hội hát đi, hát lại qua nhiều nhiệm kỳ, mặc dù bài ca đó không được ai cấp phép”, đại biểu ví von.
Dẫn ý kiến cả các đại biểu Quốc hội phát biểu trước, Đại biểu Cương cho biết, nhiều năm qua hết thanh long, dưa hấu, tỏi, hành tím, hạt tiêu, giờ lại đến thịt lợn, trứng gà, bí đỏ, chuối và tới đây danh sách nông sản ế thừa chắc còn kéo dài nữa. Hiện nay trước tình trạng "thịt lợn rẻ như khoai lang, nhai nát sổ đỏ" như một tờ báo miêu tả.
Đại biểu cho biết, cuối năm 2016 Hiệp hội thức ăn chăn nuôi đã có văn bản cho các bộ, phần thì để cảnh báo tình trạng dư thừa do tăng đàn, vượt quá quy hoạch chăn nuôi trong nước, thêm vào đó là sự phục hồi của nền chăn nuôi của nước láng giềng, phần thì để đưa ra các kiến nghị trong hoạt động chỉ đạo điều hành. Tuy nhiên, rất tiếc là những kiến nghị đó chưa được xem xét kịp thời, mãi đến tháng 4 vừa rồi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới họp bàn và trình Chính phủ đưa ra một số giải pháp, như vậy là còn chậm.

“Tôi thiết nghĩ, nếu có sự chỉ đạo kịp thời thì hẳn thiệt hại cho chăn nuôi sẽ được hạn chế mà không chỉ có khâu chăn nuôi, khâu lưu thông, tiêu thụ sản phẩm cho nông nghiệp trong nước cũng đã và đang kìm hãm sản xuất. Thử hỏi hiện nay giá thịt lợn trong siêu thị gấp 3 - 4 lần thì có được coi đó là do bị thao túng giá và vai trò của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu, ai là người được lợi trước cảnh được mùa mất giá, tôi đề nghị Chính phủ đánh giá một cách toàn diện về thiệt hại và hậu quả rất lớn này” đại biểu kiến nghị.

Theo thống kê chưa đầy đủ của Ngân hàng Nhà nước, thiệt hại ước tính riêng cho khu vực chăn nuôi là không nhỏ, dư nợ cho vay chăn nuôi lợn là 32.492 tỷ chưa kể cho vay sản xuất thức ăn chăn nuôi 12.721 tỷ, cho vay sản xuất thuốc thú y là 485,4 tỷ. Nguy cơ số dư nợ trên trở thành nợ xấu đã đành, điều đáng quan tâm hơn là có hàng triệu người chăn nuôi trên cả nước, kể cả người đi vay ngân hàng và người tự bỏ vốn ra chăn nuôi rơi vào cảnh vỡ nợ, phá sản là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Phân tích tình trạng trên Đại biểu mong muốn việc lo đầu ra cho nông nghiệp cần được xem xét một cách nghiêm túc, phát triển sản xuất mà không có đầu ra thì sản xuất để làm gì.
Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, dành thời gian tăng thêm thời gian của phiên chất vấn tại kỳ họp này để chất vấn, tranh luận, nhằm tìm ra giải pháp tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, không phải để phê phán, quy kết trách nhiệm cho bộ, ngành nào mà điều quan trọng là tìm ra giải pháp đúng với hy vọng sau này không phải nói nhiều đến vấn đề này nữa.