Bãi cọc Cao Quỳ - nơi tôn vinh giá trị văn hóa Việt

Vĩnh quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn ít ngày nữa bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng sẽ chính thức được hoàn thành và đưa vào hoạt động.

Với mong muốn nơi đây trở thành niềm tự hào dân tộc cho các thế hệ mai sau và khơi dậy lòng tự hào về những dấu tích chiến công lừng lẫy của dân tộc Việt Nam trên dòng sông Bạch Đằng lịch sử năm 1288. Đặc biệt là những đóng góp của quân và dân Hải Phòng trong cuộc kháng chiến để mang lại chiến thắng, đập tan tham vọng của đế quốc Nguyên Mông.
 Đường vào bãi cọc đã hoàn thành
Thông tin dự án
Tổng mức đầu tư: 427.521.000.000 đồng, lấy từ nguồn ngân sách TP Hải Phòng, khu bảo tồn bãi cọc có diện tích khoảng 30.680m2 với các hạng mục chính: Cổng chính rộng 20m xây trụ và mái cổng kiểu kiến trúc cổ lợp ngói mũi hài, cánh cổng là gang đúc chi tiết hoa văn; hệ thống tường bao tổng chiều dài 724m xây gạch, mái mũ tường ngói giả cổ; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật có diện tích 360m², 1 tầng theo kiến trúc giả cổ; khu bảo tồn bãi cọc xây dựng mái nhà che khung cột giả cổ diện tích 2.000m².
Hệ thống đường dẫn đi xuống bãi cọc cho khách tham quan nằm trong phạm vi nhà mái che. Toàn bộ mặt bằng bãi cọc phát lộ được bảo tồn theo hướng lấp đất, xây dựng hình tượng cọc 3D lộ thiên cho khách tham quan. Ngoài ra còn có hệ thống sân vườn, thảm cỏ xây dựng diện tích 20.000m² cùng các tiện ích khác như: Nhà vệ sinh, nhà bảo vệ…
Nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật có mục đích trưng bày những hiện vật khai quật tại chỗ, bảo tồn các dấu tích khai quật, trưng bày sa bàn cảnh quan di tích thu nhỏ; khu chuyên đề về diễn giải lịch sử (chiếu phim tư liệu 3D hiện trạng di tích, phim tư liệu về quá trình khai quật khảo cổ bãi cọc, các tư liệu về cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông…).
Cách bố trí, trưng bày khoa học về toàn bộ giá trị lịch sử, văn hóa, khảo cổ có định hướng sẽ giúp phát huy hết giá trị của di tích, thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, du khách.
 Bãi cọc được phát hiện năm 2019.
Hiện tại tuyến đường vào bãi cọc đã hoàn thiện, chỉ còn một số hạng mục công trình nhỏ như lắp điện, trồng cây, lát gạch… với tổng chiều dài 3,488km, nối quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê; chiều rộng từ 18 - 22m, trong đó mặt đường rộng 12m, vỉa hè đoạn rẽ vào bãi cọc hè rộng 5m. Cùng với đó, còn có bãi đỗ xe rộng 1 ha. Dọc tuyến đường bố trí hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh bóng mát là lim xanh, long não, xà cừ.
Khuôn viên đang dần hoàn thiện
Ý nghĩa lịch sử to lớn
Ký ức về dòng sông Bạch Đằng huyền thoại đã gắn liền với những chiến thắng vĩ đại  trong các cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Đoạn chảy qua huyện Thủy Nguyên chính là hợp lưu của nhiều nhánh sông, nối từ thượng lưu sông Đá Bạc đến cửa biển Nam Triệu. Trong thời kỳ phong kiến, sông Bạch Đằng luôn giữ vị trí trọng yếu về quân sự, giao thương đường thủy.
Bãi cọc được tìm thấy là niềm tự hào của người dân TP Cảng
Vào thế kỷ thứ X và thế kỷ thứ XIII, trên dòng sông lịch sử đã diễn ra 3 trận thủy chiến ác liệt nhất trong lịch sử trung đại Việt Nam. Năm 938 Ngô Quyền đã đánh tan quân xâm lược Nam Hán bằng một trận chiến chỉ trong một ngày trên chính dòng sông này. Kết thúc 1000 năm bắc thuộc.
Năm 938 Lê Đại Hành đã chọn dòng sông Bạch Đằng để đánh tan quân xâm lược nhà Tống.
Năm 1288 Trần Quốc Tuấn tổ chức trận địa cọc trên dòng sông Bạch Đằng đã tiêu diệt bắt sống đạo binh thuyền hùng mạnh của quân xâm lược Nguyên Mông, với gần 600 chiếc thuyền, 40.000 quân do Ô Mã Nhi chỉ huy, kết thúc cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 3 của dân tộc.
Qua hàng nghìn năm bãi cọc vẫn còn nguyên giá trị
Nhiều năm qua, các nhà nghiên cứu lịch Việt Nam, các nhà khảo cổ, lãnh đạo, người dân Hải Phòng đều mong muốn tìm thấy một phần của trận địa cọc năm xưa trên mảnh đất Hải Phòng.
Những chiếc cọc lim còn mãi với thời gian
Theo các nhà sử học xã Liên Khê xưa thuộc Tổng Trúc Động, huyện Yên Hưng, nay là huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng là vùng đất có lịch sử hình thành lâu đời, có nền văn hóa mang nét đặc sắc riêng của vùng đất ven sông Bạch Đằng. Đây cũng là nơi chứng kiến những trận đánh lớn trong lịch sử dân tộc.
Cuối thế kỷ XIII, Tổng Trúc là căn cứ thủy quân lớn của nhà Trần. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã về đây lập căn cứ chỉ huy trận chiến Bạch Đằng. Đây cũng là nơi diễn ra trận Trúc Động oanh liệt, góp phần làm nên chiến thắng Bạch Đằng lịch sử.
 Bãi cọc trên dòng sông Bạch Đằng đang được Hải Phòng phục dựng lại
Trên cơ sở phát hiện của người dân khu vực Mả Dài, thuộc cánh đồng Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên về 2 cây gỗ nằm trong lòng đất cùng những bãi cọc lớn, các chuyên gia lịch sử hàng đầu cùng các Bộ, ngành liên quan thuộc trung ương, thành phố đã nhanh chóng tiến hành khảo sát, nghiên cứu di tích bãi cọc
 Những chiếc cọc là minh chứng cho lịch sử đánh giặc của cha ông ta
Việc phát hiện bãi cọc 1000 năm tuổi là niềm tự hào của quân và dân thành phố Hải Phòng. Bên cạnh ý nghĩa về mặt lịch sử còn có ý nghĩa giáo dục tư tưởng, truyền thống to lớn cho mọi thế hệ. Từ đây góp phần thúc đẩy và tiếp thêm sức mạnh để phát triển thành phố Hải Phòng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần