Dầu mỡ - "kẻ giấu mặt" gây úng ngập và ô nhiễm môi trường Hà Nội

Bài cuối: Cần sự vào cuộc của toàn xã hội

Bùi Ngọc Uyên – Đỗ Lê Sơn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù đã được TP Hà Nội quan tâm đầu tư nhưng những bất cập về hạ tầng thoát nước vẫn còn tồn tại, muốn thay đổi không phải là chuyện “một sớm, một chiều”.

Do đó, trước mắt các cấp chính quyền, ban, ngành và mỗi người dân, DN cần nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, đặc biệt là ngăn chặn, loại bỏ dầu mỡ thải vào hệ thống thoát nước TP.

Đây là ý kiến của GS.TS Trần Đức Hạ - Ủy viên Thường vụ Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP Hà Nội – một trong những chuyên gia đầu ngành về cấp thoát nước và môi trường của Việt Nam.

GS.TS Trần Đức Hạ - Ủy viên Thường vụ Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP Hà Nội.
GS.TS Trần Đức Hạ - Ủy viên Thường vụ Liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật TP Hà Nội.

Thưa ông, với nhiều năm quan tâm tới công tác thoát nước, ông đánh giá thế nào về hệ thống thoát nước của Thủ đô hiện nay?

- Những năm qua, với sự quan tâm của TP Hà Nội, hạ tầng hệ thống thoát nước trên địa bàn Thủ đô đã không ngừng được đầu tư, nâng cấp, mở rộng… Song, thẳng thắn mà nói, đến nay, hạ tầng thoát nước tại Hà Nội vẫn chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa nên dù đã được đầu tư khá mạnh tay nhưng tình trạng ngập úng vẫn thường xuyên diễn ra mỗi khi có mưa lớn.

Tại khu vực nội thành, hệ thống thoát nước lưu vực sông Tô Lịch đã được xây dựng cách đây hàng chục năm. Tuy nhiên đến nay, khi mật độ dân cư và mặt phủ không thấm nước của đô thị tăng lên nhiều lần, nhưng hạ tầng thoát nước vẫn không thay đổi.

Tại các khu vực đô thị mới, hệ thống thoát nước chưa hoàn thiện, các hồ điều hòa và trạm bơm thoát nước mưa chưa được xây dựng xong. Còn ở các huyện ngoại thành, trước đây, việc thoát nước mưa chủ yếu là dựa vào đồng ruộng, ao hồ… thì nay, tốc độ đô thị hóa đã khiến những diện tích ao hồ gần như không còn và thay vào đó là sân bê tông, đường nhựa… khiến việc tiêu thoát nước gặp rất nhiều khó khăn.

Vậy theo ông, để khắc phục tình trạng ngập úng tại Thủ đô, chúng ta cần phải làm gì?

- Như đã nói ở trên, vấn đề lớn nhất hiện nay của ngành thoát nước Hà Nội chính là việc hạ tầng chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa. Do đó, để khắc phục tình trạng ngập úng tại Thủ đô, cần thiết phải nâng cao năng lực của hệ thống thoát nước. Như vậy, việc đầu tư xây dựng, cải tạo các công trình thoát nước cần phải được tiến hành nhanh chóng và đồng bộ. Mặt khác, cần thực hiện tốt công tác nạo vét, duy tu, duy trì, vận hành hệ thống thoát nước hiện có, như Công ty Thoát nước Hà Nội vẫn đang làm.

Hiện nay, Hà Nội đã có kế hoạch thực hiện một số dự án như: Hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ; Hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở; Hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ; Trạm bơm Gia Thượng, hồ điều hòa và xây dựng tuyến mương Thượng Thanh, quận Long Biên; Hệ thống thu gom và Nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ; Hệ thống thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực hữu Nhuệ… với kinh phí đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.

Điều này cho thấy, các đơn vị chức năng đã xác định được vấn đề của công tác thoát nước và đưa ra những biện pháp nhằm giải quyết tình trạng ngập úng tại Thủ đô. Song, điều người dân mong mỏi, cần nhất hiện nay là các dự án cần sớm được triển khai, bảo đảm đúng tiến độ để đưa vào sử dụng.

Công nhân thoát nước làm nhiệm vụ khơi thông hệ thống thoát nước. Ảnh: Uyên Sơn
Công nhân thoát nước làm nhiệm vụ khơi thông hệ thống thoát nước. Ảnh: Uyên Sơn

Cùng với đó, Công ty Thoát nước Hà Nội và các đơn vị liên quan cần tiếp tục thực hiện tốt biện pháp nạo vét, chống ách tắc, duy tu, duy trì thông suốt hệ thống thoát nước đô thị hiện có để hạn chế tình trạng úng ngập khi mưa, bão. Các công ty thủy lợi của TP cần phối hợp duy trì, vận hành đồng bộ hệ thống tiêu nước ngoại thành để hỗ trợ tốt hơn nữa cho công tác chống úng ngập nội thành.

Hiện nay, nhằm hạn chế tình trạng tắc nghẽn đường ống do dầu mỡ thải gây ra, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cũng như các lực lượng chức năng của TP đang triển khai nhân rộng việc lắp đặt các thiết bị tách dầu mỡ tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ. Ông đánh giá như thế nào về giải pháp này?

- Câu chuyện lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ tại các nhà hàng, cơ sở kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể… đã được triển khai rộng rãi tại một số quốc gia như Đức, Hungary… đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác phòng chống ngập úng, giảm thiểu tác hại do dầu mỡ lẫn trong nước thải đến với môi trường nước. Do đó, việc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội và TP Hà Nội triển khai lắp đặt hệ thống tách dầu mỡ thải tại các nhà hàng, quán ăn, cơ sở kinh doanh… là điều hết sức cần thiết, đáng được triển khai nhân rộng.

Song để làm được vấn đề này, các đơn vị chức năng cần sớm nghiên cứu, xem xét ban hành quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh, nhà hàng, bếp ăn tập thể… phải lắp đặt thiết bị tách dầu mỡ thải. Đồng thời, có chế tài xử lý những trường hợp cố tình không thực hiện. Điều quan trọng nhất là mỗi người dân, DN cần nhận thức được những tác hại của dầu mỡ thải đối với môi trường sống, đối với vấn đề úng ngập đô thị và sức khỏe con người. Từ đó có những hành động trách nhiệm đối với vấn đề xả thải ra môi trường của TP.

Cụ thể hơn, theo tôi, mỗi người dân cần phải thay đổi thói quen đổ trực tiếp dầu mỡ, chất béo thừa xuống bồn rửa hoặc bồn về sinh. Tạo thói quen sử dụng lưới lọc, ống lọc rác để giữ lại thực phẩm thừa và các chất rắn khác, tránh bỏ các dị vật hoặc các chất khó phân hủy rơi xuống đường ống thoát nước.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

 

Người dân cần có ý thức tách lượng mỡ thừa trong các dụng cụ nấu nướng trước khi rửa; dùng giấy vệ sinh lau, hút bớt lớp dầu mỡ trong các khay, chảo, nồi… và bỏ chúng vào sọt rác; giảm lượng dầu mỡ cần thiết cho việc nấu nướng, tránh lượng mỡ dư thừa nhiều.