Bài học thực tế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa đến nhà người bạn chơi, chị thấy bạn trong tâm trạng bực bội. “Sao thế, lại có chuyện gì xảy ra à?”.

Đáp lời chị, người bạn phàn nàn: “Đấy cậu xem, gia đình mình kinh tế không quá khó khăn, chỉ muốn con cái chú tâm vào học cho giỏi, thi đỗ đại học, vậy mà nó chẳng chịu nghe lời”. Thì ra là đứa con gái của chị rủ bạn bè mở cửa hàng bán hoa và quà lưu niệm ở cổng trường.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Chúng học lệch ca nhau, nên ngoài giờ học, thay nhau ra trông cửa hàng. Chị đã gọi điện trao đổi với mấy gia đình có con trong nhóm ấy, có gia đình nhờ chị “phá” hộ, nhưng cũng có gia đình lại nói “kệ chúng nó”. Chị bực mình, định thuê mấy người đến dọa cho chúng sợ mà bỏ cuộc. Nhưng nghĩ vậy chứ chị cũng chẳng biết thuê ai làm cái việc đó. Hơn nữa, sợ chúng biết có khi còn trách mình.

Nghe bạn nói, chị tự nhiên bật cười: “Sao cậu lại có suy nghĩ cực đoan vậy? Mình thấy con gái cậu trẻ mà đã rất năng động”. Chị bạn ngớ ra, phản bác: “Năng động cái gì, chỉ là học đòi theo người ta, cứ tưởng kiếm tiền là dễ lắm, rồi lại bỏ bê học hành cho xem”.

“Đấy, vấn đề là để cho chúng thấy kiếm tiền không dễ thế đâu” - chị bảo bạn. Rồi chị lại phân tích, so với mấy đứa suốt ngày chỉ lang thang, vào quán net chát chít, hẹn hò... thì con gái bạn và các bạn của nó là những đứa trẻ ngoan. Nếu được định hướng và nhắc nhở việc cân bằng thời gian cho học tập và “kinh doanh” thì các cháu ngày càng tiến bộ, bởi chúng hứa hẹn sẽ là những người tu chí trong nay mai.

Chị khuyên bạn nên nghĩ theo hướng thông qua việc làm ăn đó, các cháu học được cách giao tiếp, cách hợp tác với người khác, có được niềm vui khi thành công, phải “vắt óc suy nghĩ” khi bị lỗ. Những thứ học được ấy, chưa nhà trường nào làm tốt hơn trường đời. Thông qua việc chắt chiu đồng tiền, các cháu thêm yêu lao động, không dễ... vung tay quá trán hay tiêu pha bừa bãi. “Đồng tiền do cha mẹ cho khác với đồng tiền tự tay chúng làm ra. Chúng đang muốn tự khẳng định mình đó thôi!” - chị bảo bạn.

Nghe chị nói, người bạn như “vỡ” ra, thở phào và thay đổi quan điểm. Chị bảo bạn: “Để kiểm soát chúng và cũng là người hướng dẫn cho chúng, mình nghĩ những lúc rảnh rỗi, bạn hãy ra cửa hàng chúng để quan sát, nhắc nhở những điều các cháu còn “non nớt”.

Lựa thời điểm thích hợp, nhắc chúng điều chỉnh thời gian cho học tập và “làm ăn”. Và chỉ nên coi việc kinh doanh như thời gian giải lao thay đổi không khí sau những giờ học căng thẳng. Mình tin chắc, nếu bạn ủng hộ và định hướng đúng và khéo léo, con gái bạn và cả bạn bè chúng sẽ học được nhiều điều từ việc “làm ăn” này, chứ không phải là “tốn thời gian” đâu”.