Bài toán dân số thách thức nhiều quốc gia

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến năm 2050, ước tính người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm gần 40% dân số ở một số khu vực Đông Á và châu Âu... Với tình trạng số lượng lao động ngày càng giảm, các quốc gia sẽ phải đối mặt với sự suy giảm dần về phúc lợi và sức mạnh kinh tế.

“Bản đồ” lợi tức dân số thế giới đang thay đổi

Trong nhiều thập kỷ qua, các quốc gia dẫn đầu thế giới đã được hưởng lợi không nhỏ từ dân số đông đảo trong độ tuổi lao động, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, các nước đang phát triển có dân số trẻ lại bị hạn chế về nguồn lực dành cho trẻ em cũng như cơ hội kinh tế.

Nhưng “bản đồ” lợi tức dân số của thế giới hiện đang thay đổi nhanh chóng, trong đó Nhật Bản dường như là điểm nóng đáng chú ý nhất. Theo số liệu mới nhất do Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản công bố hôm 18/9 vừa qua, tỷ lệ người cao tuổi - được xác định là từ 65 tuổi trở lên - hiện đang ở mức cao kỷ lục tại nước này, chiếm 29,1% dân số, cũng là tỷ lệ cao nhất thế giới.

Đồng thời, cứ 10 cư dân Nhật Bản thì có một người từ 80 tuổi trở lên.
Phần lớn các nước Tây Âu cũng đang “nối gót” Nhật Bản trong danh sách các quốc gia có dân số già kỷ lục, tiếp sau đó là Hàn Quốc, Anh và khu vực Đông Âu, cùng với Trung Quốc - nơi được dự báo sẽ có ít hơn 200 triệu dân trong độ tuổi lao động, là mức giảm cao hơn toàn bộ dân số của hầu hết các quốc gia.

Người già tập thể dục với tạ gỗ trong một hoạt động nâng cao sức khỏe nhân Ngày Người cao tuổi của Nhật Bản, tại Thủ đô Tokyo. Ảnh: Reuters
Người già tập thể dục với tạ gỗ trong một hoạt động nâng cao sức khỏe nhân Ngày Người cao tuổi của Nhật Bản, tại Thủ đô Tokyo. Ảnh: Reuters

Đến năm 2050, ước tính người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm gần 40% dân số ở một số khu vực Đông Á và châu Âu, đồng nghĩa với việc một lượng lớn người về hưu sẽ sống phụ thuộc vào số lượng người trong độ tuổi lao động ngày càng giảm.

Do đó, các chuyên gia dự đoán rằng những thứ mà nhiều quốc gia giàu có đang coi là điều hiển nhiên - như lương hưu cao, tuổi nghỉ hưu thấp và chính sách nhập cư nghiêm ngặt - sẽ cần phải xem xét lại.

Đây là một sự thay đổi lớn đối với châu Âu, Mỹ, Trung Quốc và các nền kinh tế hàng đầu khác, những nơi vốn có nhiều người trong độ tuổi lao động nhất thế giới. Lực lượng lao động lớn của họ đã giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quốc gia cũng như toàn cầu.

Các dự đoán cho biết thêm, chẳng bao lâu nữa, lực lượng lao động cân bằng nhất sẽ chủ yếu tập trung ở Nam và Đông Nam Á, châu Phi và Trung Đông. Sự thay đổi này có thể định hình lại tăng trưởng kinh tế và cán cân quyền lực địa chính trị. Các nước giàu hơn gần như chắc chắn sẽ chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong GDP toàn cầu.

Nhưng giới chuyên gia cũng cảnh báo, nếu không có chính sách đúng đắn, lượng dân số khổng lồ trong độ tuổi lao động có thể phản tác dụng. Nếu một số lượng lớn thanh niên không được tiếp cận với việc làm hoặc giáo dục, tình trạng thất nghiệp lan rộng có thể đe dọa sự ổn định của xã hội, đặc biệt là khi những người trẻ nhàn rỗi gia nhập các băng nhóm tội phạm.

Philip O'Keefe, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Già hóa châu Á tại CEPAR - nhóm tập hợp các nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực già hóa dân số - lưu ý, các quốc gia Đông Á đã đạt được điểm hấp dẫn về nhân khẩu học trong vài thập kỷ qua đã có các thể chế và chính sách đặc biệt tốt để tận dụng tiềm năng đó.

Cũng theo ông O'Keefe, một số khu vực khác trên thế giới - chẳng hạn như một số nước Mỹ Latinh - có cấu trúc tuổi tương tự như các nước Đông Á, nhưng chưa thấy nơi nào có mức tăng trưởng tương tự. Chuyên gia này giải thích: “Nhân khẩu học chỉ là nguyên liệu thô. Lợi tức dân số có được là nhờ sự phối kết hợp giữa nguyên liệu thô và các chính sách tốt”.

Tóm lại, nếu các quốc gia không chuẩn bị cho tình trạng số lượng lao động ngày càng giảm, họ sẽ phải đối mặt với sự suy giảm dần dần về phúc lợi và sức mạnh kinh tế. Các quốc gia cũng có thể bị suy giảm ảnh hưởng toàn cầu của mình, nhất là do dân số sẵn sàng tham gia nghĩa vụ quân sự ít hơn.

Vậy trên thực tế, các nước là điểm nóng trong cuộc khủng hoảng nhân khẩu học đã và đang làm gì để đối phó với thách thức sống - còn này?

Bài học từ các điểm nóng

Quốc gia “già nhất thế giới” là Nhật Bản, dân số đã đạt đỉnh 128 triệu người vào năm 2008 và kể từ đó đã giảm xuống dưới 123 triệu người. Dân số nước này dự kiến sẽ giảm xuống còn 72 triệu người vào cuối thế kỷ này do tỷ lệ sinh thấp, dân số già đi và các hạn chế nhập cư. Chính phủ Tokyo từ lâu đã thực thi đa dạng các sáng kiến nhằm làm chậm lại sự suy giảm này, bao gồm thay đổi luật nhập cư và hẹn hò được nhà nước tài trợ.

Đáng chú ý, dù chạm mức thấp kỷ lục vào năm 2022 nhưng tổng tỷ suất sinh (TFR) - số con mà một phụ nữ sẽ sinh trong đời - của Nhật Bản hiện vẫn cao hơn Trung Quốc và Hàn Quốc.

Kể từ năm 2006, Hàn Quốc đã đầu tư hơn 200 tỷ USD vào việc thành lập các trung tâm giữ trẻ công lập, nhà trẻ miễn phí, trợ cấp chăm sóc trẻ và các sáng kiến khác nhằm tăng tỷ lệ TFR. Nhưng với mức 0,78 như hiện nay, TFR của Hàn Quốc vẫn thuộc hàng thấp nhất thế giới.

Chính phủ Seoul cũng đưa ra các cải cách nhập cư vào đầu thế kỷ XXI, đồng thời dẫn đầu thế giới về tự động hóa với 1.000 robot/10.000 nhân viên, cao hơn gấp đôi tỷ lệ của nước đứng thứ 2 thế giới về lĩnh vực này là Nhật Bản.

Còn tại Ấn Độ, đang giữ vị trí là quốc gia đông dân nhất thế giới nhưng TFR của nước này hiện vẫn ở dưới mức sinh thay thế - tổng tỷ suất sinh mà tại đó phụ nữ sinh đủ số con để duy trì mức dân số. Trong khi dân số Ấn Độ cuối cùng được dự đoán sẽ bắt đầu giảm vào những năm 2060, quốc gia Nam Á này hiện đang quản lý dân số trẻ của mình thông qua các sáng kiến như thúc đẩy cơ hội việc làm ở nước ngoài.

Ở châu Âu, những nỗ lực thúc đẩy dân số cũng đã diễn ra trong nhiều thập kỷ qua. Ví dụ, Romania đã hình sự hóa việc phá thai và cấm các biện pháp tránh thai, ngoại trừ một số tình trạng bệnh lý, kể từ năm 1966.

Nhưng cũng vì vậy, tỷ lệ phá thai bất hợp pháp đã gia tăng ở Romania và nước này cũng có tỷ lệ tử vong ở bà mẹ cao nhất châu Âu trong những năm 1980.

Trong khi TFR của Romania ổn định ở mức 2,3 vào cuối những năm 1980, thì nó lại sụp đổ vào những năm 1990, cùng với làn sóng di cư vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi Romania gia nhập Liên minh châu Âu vào năm 2007.

Nhiều quốc gia Đông Âu khác cũng trải qua tình trạng giảm TFR và tình trạng di cư tương tự. Trong khi đó, các nước Tây Âu đã cố gắng thúc đẩy tăng trưởng dân số nhẹ kể từ năm 2000, nhưng phần lớn chỉ nhờ vào nhập cư.

Dù vậy, các quốc gia như Italia vẫn phải chứng kiến việc dân số sụt giảm, thúc đẩy loạt sáng kiến của Chính phủ, bao gồm cung cấp nhà cho người nước ngoài với giá chỉ 1 euro nhằm nỗ lực tái định cư các thị trấn nhỏ.

Mỹ là nước có độ tuổi trung bình thấp hơn hầu hết các nước châu Âu và chứng kiến tỷ lệ TFR tăng trở lại vào những năm 2000. Nhưng điều này đã sụt giảm sau cuộc suy thoái tài chính năm 2008 và chưa bao giờ hồi phục.

Chính sách nhập cư của Washington trong nhiều năm đã giảm thiểu những vấn đề này, nhưng cũng như ở châu Âu, điều này ngày càng bị chính trị hóa, khiến tốc độ tăng trưởng dân số ở cường quốc kinh tế số 1 thế giới chậm lại đáng kể.

Ở chiều ngược lại, Pakistan lại đang cố gắng giảm mức tăng dân số để tránh làm trầm trọng thêm căng thẳng về tài nguyên, cơ sở hạ tầng, giáo dục và hệ thống chăm sóc sức khỏe. Mối quan ngại của Pakistan cũng tương tự như phần lớn châu Phi.

Ngoài Afghanistan, 20 quốc gia có TFR cao nhất đều ở châu Phi. Dân số Nigeria được dự đoán sẽ tăng từ 213 triệu hiện nay lên 550 triệu vào năm 2100, trong khi một số dự báo cho thấy một nửa số ca sinh ở châu Phi trong khoảng thời gian từ 2020 - 2100. Dù vậy, các chương trình kế hoạch hóa gia đình đã giúp làm chậm tốc độ tăng trưởng trong những năm gần đây trên khắp lục địa.