“Bài toán khó” cho OPEC+ khi G7 áp giá trần với dầu mỏ Nga

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo tờ Wall Street Journal, Nga không ủng hộ việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ và nhiều khả năng Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+, sẽ quyết định giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp sắp tới.

OPEC+ sẽ giữ nguyên kế hoạch sản lượng dầu

5 nguồn tin từ OPEC+ tiết lộ với Reuters rằng nhiều khả năng liên minh sẽ giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp chính sách định kỳ vào ngày 5/9. Tuy nhiên, một số nguồn tin từ liên minh này nói rằng không loại trừ khả năng OPEC+ sẽ giảm nhẹ sản lượng để chặn đà lao dốc gần đây của giá “vàng đen” trong bối cảnh nỗi lo suy thoái kinh tế toàn cầu.

OPEC+ nhiều khả năng sẽ quyết định giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp  chính sách trong ngày 5/9. Ảnh: Reuters
OPEC+ nhiều khả năng sẽ quyết định giữ nguyên sản lượng trong cuộc họp  chính sách trong ngày 5/9. Ảnh: Reuters

Một số đại biểu OPEC cho biết việc giảm sản lượng 100.000 thùng/ngày có thể được các bộ trưởng năng lượng OPEC+ cân nhắc tại phiên họp chính sách sắp tới.

Cuộc họp lần này của OPEC+ diễn ra giữa thời điểm nguồn cung có khả năng được bổ sung thêm nếu Iran và các cường quốc phương Tây nhất trí khôi phục Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015. Lượng dầu xuất khẩu của Iran dự kiến ​​sẽ tăng thêm 1 triệu thùng/ngày, tương đương 1% nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu nếu Tehran được nới lỏng lệnh trừng phạt.

Giá dầu thô Brent hiện đã giảm về mức khoảng 93 USD/thùng, từ mức 120 USD/thùng hồi tháng 6, dưới sức ép từ đà giảm tốc kinh tế và khả năng xảy ra suy thoái ở nhiều nền kinh tế phương Tây.

Trong tháng 8 vừa qua, Ả Rập Saudi - nước sản xuất dầu mỏ lớn nhất của OPEC - đặt ra khả năng cắt giảm sản lượng khai thác dầu để giải quyết vấn đề mà Riyadh cho là sự giảm giá quá mức của “vàng đen”.

Các tín hiệu từ thị trường nhiên liệu cho thấy nguồn cung dầu vẫn thắt chặt, với nhiều nước thành viên OPEC đang khai thác dầu ở mức sản lượng thấp hơn mục tiêu đề ra và các biện pháp trừng phạt của phương Tây đe dọa xuất khẩu dầu mỏ của Nga.

Tuy nhiên, theo tiết lộ của nguồn thạo tin với tờ Wall Street Journal, Nga không ủng hộ việc cắt giảm sản lượng ở thời điểm hiện tại. Nguồn tin trên nói rằng Moscow lo ngại một đợt cắt giảm sản lượng sẽ gửi tín hiệu tới khách mua dầu rằng nguồn cung dầu đang vượt quá nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu.

Đối với Nga, việc tăng bán dầu cho các nước châu Á giữ vai trò quan trọng trong việc giữ vững nguồn thu từ xuất khẩu năng lượng, khi dầu thô của nước này trở thành đối tượng trừng phạt của phương Tây và Moscow ngày càng giảm lượng cung cấp khí đốt cho châu Âu.

Khủng hoảng năng lượng sẽ leo thang vì việc áp “giá trần” dầu Nga

Theo hãng tin Al Mayadeen, các chuyên gia nhận định việc nhóm 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) áp biện pháp giới hạn giá với dầu Nga sẽ phản tác dụng, thậm chí còn đẩy các nước OPEC vào tình thế phải tăng sản lượng để cạnh tranh với Moscow.

Nhóm G7 hôm 2/9 vừa qua đã đồng ý áp biện pháp giới hạn giá với dầu Nga. Ảnh: Tass
Nhóm G7 hôm 2/9 vừa qua đã đồng ý áp biện pháp giới hạn giá với dầu Nga. Ảnh: Tass

Các chuyên gia cho rằng việc G7 áp “giá trần” dầu mỏ Nga sẽ gây phản tác dụng tương tự như các biện pháp trừng phạt trước đó từng áp đặt chống Moscow liên quan đến chiến dịch quân sự tại Ukraine do cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn.

Trước đó, hôm 2/9, bộ trưởng tài chính các nước G7đã nhất trí với kế hoạch áp biện pháp giới hạn giá với dầu mỏ của Nga, và sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 5/12 đối với dầu thô và 5/2/2023 đối với các sản phẩm tinh chế từ dầu thô từ Nga.

Chuyên gia kinh tế Martin Hutchinson đánh giá, những lệnh trừng phạt của phương Tây hiện tại không tác động nhiều đến nền kinh tế Nga, những nỗ lực của họ nhằm trừng phạt Moscow ngược lại đã làm lợi cho Nga khi giá dầu toàn cầu tăng cao. “Cho đến nay các lệnh trừng phạt đối với Nga chỉ gây thêm thiệt hại với các nhà đầu tư phương Tây. Trong khi đó, lệnh cấm vận không ảnh hưởng lớn đến Nga” - chuyên gia Hutchinson nói.

Theo báo cáo được Cơ quan Năng lượng Quốc tế công bố hồi tháng 8, sản lượng xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 6 giảm so với tháng 5 song doanh thu lại tăng 700 triệu USD do giá dầu tăng mạnh.

Ông Hutchinson cũng lập luận rằng giá dầu sẽ tăng lên để bù lại cho sản lượng thiếu hụt nếu dầu mỏ Nga bị áp “giá trần”. Bên cạnh đó, theo chuyên gia này, các nước G7 không kiểm soát được chính sách của các nước tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới như Trung Quốc và Ấn Độ, cũng như OPEC. “Dầu mỏ Nga sẽ chảy tới Trung Quốc và Ấn Độ trong khi dầu mỏ Trung Đông với mức giá cao hơn sẽ chảy tới châu Âu và Mỹ,” ông Hutchinson lưu ý.

Áp “giá trần” thậm chí có thể khiến dầu giá rẻ của Nga trở thành mặt hàng được săn đón nhiều hơn, đi ngược lại mục tiêu ban đầu của G7 và phương Tây. Trong khi đó, các quốc gia thành viên OPEC nhiều khả năng phải tăng mạnh sản lượng nhằm giảm giá dầu để có thể cạnh tranh với dầu mỏ Nga trên thị trường toàn cầu.

Cũng có quan điểm tương tự, chuyên gia kinh tế Marshall Auerback thuộc Viện Kinh tế Levy thuộc Hội Nghiên cứu Đại học Bard cho rằng chính sách giới hạn giá dầu Nga của G7 sẽ phản tác dụng sau những diễn biến trên thế giới. Ông Auerback cũng nhắc lại những nỗ lực nhằm ảnh hưởng đến thị trường toàn cầu từng thất bại thế nào và cho rằng "việc kiểm soát giá cả không bao giờ phát huy hiệu quả".