Bài toán thứ hạng SEA Games

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - SEA Games 2017 đã khép lại nhưng thứ hạng sân chơi này vẫn tiếp tục biến động. Lúc thì đoàn thể thao Việt Nam (TTVN) mất vị trí thứ 3 chung cuộc bởi lỗi do đoàn thể thao khác.

Rồi cũng vì lỗi của một đoàn thể thao khác nữa mà đoàn TTVN lại được trở lại với Top chung cuộc. Câu chuyện về bảng tổng sắp huy chương đặt ra bài về cách đánh giá thành công hay thất bại của một nền thể thao.

Khép lại mà chưa kết thúc

Tháng trước, thông tin về việc Singapore giành thêm 1 HCV nhờ VĐV Malaysia dính Doping ở môn nhảy cầu khiến giới quản lý thể thao nước nhà không khỏi buồn lòng. Theo đó, nhờ HCV ấy, đoàn Singapore vượt qua Việt Nam để giành hạng 3 chung cuộc SEA Games 29 (kết thúc từ ngày 31/8)

Vậy nhưng, niềm vui của những nhà quản lý thể thao Singapore ngắn chẳng tày gang. Mới đây, tiếp có thông tin về việc vận động viên (VĐV) Thái Lan dính Doping ở môn Silat. Kết quả là đoàn TTVN giành thêm 1 HCV biểu diễn đồng đội nữ (thay vì HCB), đồng nghĩa với việc đoàn TTVN trở lại hạng 3 (vì hơn Singapore 1 HCV). Bên mình thở phào. Đâu đó bên quốc đảo, không biết phía Singapore có thấy hụt hẫng hay không vì đã mất vị trí thứ 3 trên bảng tổng sắp.

Thể dục dụng cụ giành Huy chương Vàng thứ 4 cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 29.

Việc Ban tổ chức SEA Games tiến hành thử nghiệm hầu hết các VĐV đạt huy chương để xác định nghi vấn về Doping là việc làm rất đáng hoan nghênh. Nó giúp Ban tổ chức đòi lại sự công bằng cho các đoàn thể thao. Nhưng quan trọng hơn, đó là thông điệp cứng rắn nhằm gửi đến các đoàn thể thao tham dự đại hội. Cũng chính vì những động thái quyết liệt này mà bảng tổng sắp huy chương bị biến động. Và không loại trừ khả năng, trật tự bảng xếp hạng sẽ tiếp tục thay đổi trong những ngày tới. Mà trật tự bảng xếp hạng lại là căn cứ để các đoàn thể thao đánh giá sự thành bại của mình. Với riêng đoàn TTVN, đến thời điểm này chúng ta đã hoàn thành mục tiêu đứng thứ 3 chung cuộc. Nếu mất đi một tấm HCV, coi như năm 2017 TTVN không hoàn thành mục tiêu.

Đừng nhìn thứ hạng

Một chuyên gia thể thao lão thành tâm sự: “Việc các nhà quản lý phải thấp thỏm nhìn bảng xếp hạng bấp bênh từ tháng này qua tháng khác là điều không nên. Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách đánh giá về một nền thể thao. Thay vì coi thứ hạng ở SEA Games làm cơ sở đánh giá thành bại thì chúng ta nên coi thành công của các môn thể thao Olympic và sự hội nhập ở đấu trường Asiad hay Olympic là cái đích để phấn đấu”.

Lâu nay, TTVN thường phấn đấu bảo vệ vị trí thứ 3 chung cuộc ở đấu trường SEA Games. Đây là một mục tiêu thể hiện nỗ lực của cả nền thể thao bởi sân chơi SEA Games vốn có nhiều phức tạp. Đặc biệt, các nước chủ nhà thường đưa vào chương trình thi đấu những môn có lợi cho mình, đồng thời, cắt giảm các môn thể thao vốn thuộc sở trường của đối thủ. Riêng ở SEA Games 2017, đoàn TTVN đã mất ít nhất 25 HCV vì những môn thế mạnh không được tổ chức thi đấu. Ngoài ra phải kể đến việc các VĐV chủ nhà, hoặc những nước có quan hệ tốt với liên đoàn thể thao quốc tế thường có lợi trong quá trình thi đấu bởi sự thiên vị của trọng tài.

Thành tích của SEA Games có thể biến động bởi nhiều lý do. Nhưng nếu nhìn nhận qua lăng kính “Olympic hóa” hệ thống thi đấu thì có thể thấy, TTVN đang có bước chuyển đáng ghi nhận. Tại giải đấu vừa qua, các môn thể thao Olympic giành đến hơn 80% số HCV và đây chính là cơ sở để TTVN hội nhập với đấu trường lớn. Chính vì thế, các nhà quản lý cần mạnh dạn thay đổi tiêu chí đánh giá sự thành bại của một nền thể thao. Thành tích của các môn thể thao Olympic và tỷ lệ huy chương giành được trong bảng tổng sắp cần được coi là tiêu chí đánh giá nội lực của một nền thể thao. Ngoài ra, chúng ta cũng cần hướng đến việc đặt mục tiêu giành vé đi Olympic và cơ hội giành huy chương ở đấu trường châu lục cũng như thế giới như một yêu cầu bắt buộc đối với một nền thể thao.