Công nghiệp văn hóa Thủ đô: Viên ngọc quý chờ tỏa sáng

Bạn bè quốc tế chung tay kiến tạo nền công nghiệp văn hóa Hà Nội

Tạ Thu Giang - Ngân Hà - Đức Khang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các chuyên gia, nhà hoạt động văn hóa quốc tế đang cùng Hà Nội chung tay xây dựng ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô ngày càng phát triển.

Kể từ khi Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa có hiệu lực, Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc số hóa các tài sản văn hóa nghệ thuật, đặc biệt sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát. 

Thành tựu trên đã được Giáo sư Julia Gaimster, Trưởng khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT đánh giá cao. Bà cho biết, việc tăng cường áp dụng kỹ thuật số vào lĩnh vực văn hóa không những thu hút khán giả trong nước mà còn giúp bạn bè quốc tế có cái nhìn sâu sắc hơn về văn hóa Việt Nam hiện đại.

Thúc đẩy một nền văn hóa dựa trên kỹ thuật số

Năm 2019, qua màn hình chiếc điện thoại thông minh, công chúng Hà Thành đã phải sửng sốt khi thấy giếng trời Chợ Hôm (quận Hoàn Kiếm) biến thành một cái ao lơ lửng trên không. Thực ra, cái ao này là một tác phẩm sơn mài trên kính thuộc triển lãm “Into Thin Air” do Manzi Art Space tổ chức và thứ khiến nó chuyển động một cách sinh động như vậy chính là công nghệ tương tác thực tế ảo (AR).

Từ đó, người ta biết được rằng ứng dụng kỹ thuật số không những hỗ trợ một cá nhân có thể tương tác với nhiều người hơn mà còn nâng cao nhận thức về các khía cạnh văn hóa ít được biết đến. Bà Emma Duester từ Đại học RMIT, tin rằng nghệ thuật và văn hóa đương đại Việt Nam đang giúp thay đổi nhận thức rập khuôn của thế giới về phong tục truyền thống, chiến tranh và du lịch Việt Nam thông qua các trang web.

 Du khách nước ngoài sử dụng app Into the Thin Air để xem tác phẩm nghệ thuật tại Quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục.  
 Du khách nước ngoài sử dụng app Into the Thin Air để xem tác phẩm nghệ thuật tại Quảng Trường Đông Kinh Nghĩa Thục.  

Sau khi tham gia một nghiên cứu về sự chuyển đổi kỹ thuật số của văn hóa và nghệ thuật Việt Nam, Tiến sỹ Emma Duester và công sự, bà Michal Teague cho biết sự thiếu hụt về kinh phí, nguồn nhân lực và công nghệ đã khiến cho việc số hóa các tác phẩm nghệ thuật và văn hóa gặp nhiều khó khăn.

“Bên cạnh việc tăng cường các chính sách bảo tồn di sản văn hóa nói chung và văn hóa truyền thống nói riêng, Việt Nam nên cân nhắc nhiều hơn về việc số hóa các tài liệu lưu trữ và công bố chúng cho người dân. Đây mới chính là phương thức hiệu quả nhất để bảo tồn văn hóa,” bà Duester cho biết.

Vị chuyên gia này cũng khẳng định rằng trong tương lai, Việt Nam cần một nền tảng kỹ thuật số chung, bền vững và dễ tiếp cận để trưng bày các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu. Điều này cho phép công chúng trong và ngoài nước cũng như các chuyên gia văn hóa, các nhà giáo dục và các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận chúng.

Theo bà, Việt Nam cần phải áp dụng chính sách "văn hóa kỹ thuật số" để đảm bảo sự phát triển bền vững và có hệ thống của các ngành công nghiệp văn hóa, đồng thời giáo dục người dân về bản quyền và các hình thức sở hữu tài sản trí tuệ trực tuyến khác.

Người đồng nghiệp của bà Duester, bà Michal Teague yêu cầu các phòng trưng bày, thư viện, kho lưu trữ và bảo tàng ở Việt Nam cần xác định và nắm rõ đối tượng mục tiêu của mình để truyền tải thông điệp một cách hợp lý. Trong trường hợp, kho tư liệu về văn hóa, nghệ thuật Việt Nam trực tuyến không đủ để đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, các nhà giáo dục, nghiên cứu sẽ phải dựa thêm vào các nguồn từ phương Tây.

Bà nói thêm: “Để tạo ra các nền tảng nội dung kỹ thuật số và trực tiếp thu hút khán giả địa phương cũng như toàn thế giới, các tổ chức liên quan đến các lĩnh vực như khách sạn, du lịch, giáo dục, sản xuất và giao thông công cộng cần phải hợp tác với nhau.

Chiến lược đầu tư văn hóa mới

Dựa trên kinh nghiệm lâu năm trong việc nghiên cứu những thách thức của toàn cầu hóa, bà Nguyễn Thị Quý Phương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Báo chí và Tuyên truyền, đã đưa ra 5 gợi ý để phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam.

Theo bà, điều đầu tiên mà Nhà nước cần làm là phân loại các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa theo chuyên môn hoạt động và quy mô cũng như cần phải công nhận một số loại kinh doanh đặc thù. Theo đó, Luật Doanh nghiệp và Luật Lao động cần xác định các ngành nghề theo quy mô và đặc điểm, tạo cơ sở cho sự phát triển của các tổ chức và cá nhân nghề nghiệp trong ngành.

Thứ hai, Nhà nước và các tổ chức cần phải hỗ trợ các doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa trong việc huy động vốn và các nguồn lực cần thiết khác để phát triển sản phẩm mới.

Bà cho biết: “Điều này có lợi cho cả ngân hàng và nhà đầu tư vì các sản phẩm công nghiệp văn hóa thường mang lại lợi nhuận gấp nhiều lần giá trị đầu tư. Cụ thể, bất chấp kinh phí mà Trấn Thành bỏ ra cho phim Bố già của Trấn Thành (năm 2021) lên đến 23 tỷ đồng, nguồn doanh thu mà đoàn làm phim có được lại lớn hơn rất nhiều khi con số lên đến 600 tỷ đồng.”

 Phim Bố già của Trấn Thành có kinh phí sản xuất là 23 tỷ đồng và doanh thu là 600 tỷ đồng.  
 Phim Bố già của Trấn Thành có kinh phí sản xuất là 23 tỷ đồng và doanh thu là 600 tỷ đồng.  

Thứ ba, bà cho biết Chính phủ có thể thực hiện chính sách ưu đãi thuế để thu hút đầu tư của tư nhân vào việc xây dựng trường quay, cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch văn hóa, không gian sáng tạo mở.

Thứ tư, Nhà nước cần chú trọng khuyến khích thành lập các quỹ đầu tư cho công nghiệp văn hóa, các hiệp hội, cơ quan xúc tiến, trong đó ưu tiên phát triển hơn nữa cho Quỹ Nghệ thuật Quốc gia. Minh chứng rõ ràng nhất là việc Chính phủ Hoa Kỳ đã thành lập quỹ này năm 1965 với ngân sách lên đến 150 triệu USD/năm, và Văn phòng Kinh tế Sáng tạo Thái Lan được thành lập năm 2005 với ngân sách 20 triệu USD/năm.

Thứ năm, Chính phủ cần phải can thiệp kịp thời để đảm bảo sự công bằng và cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Phó Giáo sư Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội cũng giành sự quan tâm đến ý tưởng tạo ra các mô hình đầu tư mới cho ngành văn hóa nhằm giúp các tổ chức văn hóa đa dạng hóa nguồn thu, mở rộng kinh doanh, tiếp cận các loại hình tài chính (bao gồm cả vay vốn ngân hàng) và tham gia vào quan hệ hợp tác công tư (PPP).

Theo ông, không phải than đá, dầu mỏ hay bất kỳ tài nguyên nào khác, sự sáng tạo của con người mới là tài nguyên quý giá nhất trong thế giới hiện đại. Không chỉ chứa đựng sức mạnh to lớn vượt trội, sự sáng tạo còn là nguồn tài nguyên luôn sẵn sàng và không bao giờ cạn đi. Do vậy, một quốc gia sẽ phát triển nếu khai thác được những tài năng sáng tạo của người dân.

“Nếu các chính sách được đưa vào thực thi một cách toàn diện, Việt Nam có thể tận dụng tối đa các nguồn sáng tạo vào việc xây dựng một nền công nghiệp văn hóa phát triển lành mạnh và bền vững,” ông cho biết.

 Hoàng thành Thăng Long tại Hà Nội.
 Hoàng thành Thăng Long tại Hà Nội.

Cũng đồng quan điểm với ông, kiến trúc sư Melanie Doremus, Tổng Giám đốc AREP South Asia - công ty tư vấn chuyên về kiến trúc và thiết kế, cho biết phát triển các ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo là chiến lược bền vững để bảo tồn di sản trong xã hội đương đại.

Theo bà Doremus, di sản không nên chỉ được xem là một thành phần đơn thuần của quy hoạch tích hợp, mà thay vào đó, nó đóng vai trò không khác gì "chiếc ô" che phủ tất cả các khía cạnh của sự phát triển, kể cả những yếu tố liên quan đến môi trường, nông nghiệp, công nghiệp và du lịch.

“Di sản là yếu tố định hướng cho toàn bộ chiến lược phát triển của địa phương và việc nâng tầm chúng sẽ tạo ra động lực cho sự phát triển,” bà nhấn mạnh.

Bà cũng không quên lấy việc bảo tồn di sản Huế làm minh chứng cho luận điểm của mình. Theo bà, dựa vào các lễ hội, trường cao đẳng, lịch sử phong phú và cảnh quan đô thị, cố đô này có tất cả các nguồn lực cần thiết và điều kiện lý tưởng để thu hút khách du lịch.

Trích dẫn định nghĩa của UNESCO, bà cho biết đô thị sáng tạo là loại đô thị có thể giúp văn hóa và sáng tạo đóng góp hiệu quả vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng.

Bà nhấn mạnh festival là chất xúc tác mạnh mẽ đưa Huế trở thành thành phố văn hóa sáng tạo cũng như là thỏi nam châm thúc đẩy du lịch của mảnh đất này và các địa phương lân cận. Đối với Hà Nội, văn hóa và sáng tạo cũng vậy.