Ban đại diện cha mẹ học sinh: Chưa làm đúng chức năng

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Điểm lại có thể thấy các khoản thu - chi tiền trường hiện nay (quỹ lớp, quỹ trường, vệ sinh, nước uống...) đều do Ban đại diện cha mẹ học sinh (CMHS) đứng ra thu.

Như vậy, trên thực tế Ban đại diện CMHS hoàn toàn hướng về phía nhà trường, phục vụ nhà trường, mà chưa thực hiện những mục đích chính đáng vì HS. Chính vì thế, nhiều người bức xúc cho rằng nên giải tán Ban đại diện CMHS.
Đứng về phía... nhà trường
Vào mạng xã hội, chỉ cần gõ cụm “Lạm thu tiền trường đầu năm học”, sẽ có hàng ngàn “đáp án” bức xúc của phụ huynh, bạn đọc về việc nhà trường lạm dụng hình thức “tự nguyện” bắt phụ huynh đóng những khoản tiền phi lý. Đặc biệt, sự bức xúc này không chỉ nằm ở các khoản phải đóng, mà không ít phàn nàn trong đó cho rằng những người trong Ban đại diện CMHS hoạt động, làm mọi việc để lấy lòng thầy cô và nhà trường vì mục đích cá nhân!
Chị Nguyễn Yến - phụ huynh có con học lớp 5, nhà ở đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) cho biết, ban phụ huynh bây giờ thực dụng, nhiều người tự nguyện vào Ban đại diện CMHS để con mình có cơ hội ghi điểm, mong được thầy cô nâng đỡ. Chị Yến kể: “Có hôm đi học về, cậu con trai phụng phịu nói, tại sao mẹ không làm ở Ban đại diện CMHS để con đỡ bị cô mắng, sẽ không sợ bị các bạn bắt nạt. Cậu con trai bảo: “Bạn con đánh bạn, nhưng bạn ấy nói, tớ không sợ ai hết, vì mẹ tớ làm Ban đại diện CMHS của trường, của lớp, có vấn đề gì thì mẹ tớ giải quyết hết”. Nghe con kể, tôi tròn mắt và thấy buồn, lo lắng cho thế hệ trẻ”.

Một buổi họp phụ huynh tại trường THCS Nguyễn Công Trứ, quận Ba Đình. Ảnh: Nguyễn Thanh

Tình trạng này không chỉ diễn ra ở những quận nội thành. Như một phụ huynh có con học lớp 7 trường THCS Thượng Cát (huyện Mỹ Đức) chia sẻ, chuyện tiền trường, nhất là các khoản đóng “tự nguyện” đều được “ngụy trang” qua Ban đại diện CMHS khiến phụ huynh bức xúc. “Ngay đầu năm học, gia đình phải đóng hơn 3 triệu đồng: Tiền quỹ lớp, quỹ trường, tiền học, tiền bảo hiểm, tiền gửi xe, tiền làm ghế đá...”.
Với thực trạng Ban đại diện CMHS hoạt động vì mục đích cá nhân, đứng về phía nhà trường…, trên các trang mạng xã hội, nhiều người cho rằng nên giải tán ban này: “Tôi hoàn toàn nhất trí giải tán ngay Ban đại diện CMHS. Nếu không thể bỏ được thì phải bầu phụ huynh có hoàn cảnh khó khăn nhất làm hội trưởng” - tran quang trung, email: trungcdlxk@. “Giải tán Ban đại diện CMHS, rất đúng. Ban này chỉ để làm 2 việc là: Thu tiền và lo mua quà trong những ngày lễ (20/11; 8/3...) thôi...” - Lê Hoàng, email: levuhoang055@. Ngoài ra, khá nhiều bạn đọc là giáo viên (GV) cũng lên tiếng tán thành. “Tôi là GV và tôi hoàn toàn nhất trí bỏ ngay Ban đại diện CMHS đi là đúng. Mọi việc chỉ là hình thức thôi” - Giang NT, email: Trươnggiang7578@.
 Ở góc độ của nhà quản lý, bà Nguyễn Thị Xuân Mai - Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa) cũng thừa nhận, ở đâu đó vẫn có những “con sâu làm rầu nồi canh”, có những phụ huynh muốn vào Ban đại diện CMHS để mưu cầu cho con em họ. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng như vậy, với trường Kim Liên thì không xảy ra hiện tượng này.
Phải vì việc chung
Những lời ì xèo về Ban đại diện CMHS không ít, thế nên đã có những cha mẹ có ý định xin ra khỏi Ban đại diện CMHS vì sợ ảnh hưởng đến tâm lý học tập của con. Như chị Đào Ái Loan, có con học lớp 5 tại một trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân cho biết: “Được phụ huynh của lớp tín nhiệm bầu làm trong Ban đại diện CMHS, chỉ nghĩ làm sao để hỗ trợ các con trong mọi hoạt động, giúp GV có thời gian dạy - học trên lớp. Tuy nhiên, tôi thấy rất áp lực, nhiều ý kiến từ phụ huynh, từ ngay cả bạn của con. Song tôi vẫn cho rằng,  không phải phụ huynh nào cũng vì mục đích cá nhân, nếu có chỉ đếm trên đầu ngón tay, không thể nói theo kiểu vơ đũa cả nắm”.
Một GV khác chia sẻ: Nhiều người đang hiểu sai vấn đề. Cứ nghĩ được bầu lên là để giúp nhà trường hoàn thiện các khoản thu tự nguyện từ phía nhà trường. Bởi thế, khi lập Ban đại diện CMHS, nhà trường phải hướng dẫn cho phụ huynh hiểu đúng phần việc của mình.
Đưa ra ý kiến riêng, bà Đặng Thơ - nguyên cán bộ quản lý một trường tiểu học cho rằng, GV không thể khách quan. Do đó, việc thành lập Ban đại diện CMHS là cần thiết, là cầu nối để đề đạt, thể hiện nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi của con em, phụ huynh với nhà trường. Nhưng chính vì bản thân những người được bầu vào Ban đại diện CMHS lại có những suy nghĩ, hành vi không theo đúng tôn chỉ, mục đích nên mới phát sinh tiêu cực. “Hiện, Ban đại diện CMHS có đến 5 – 6 người, theo tôi cần thu hẹp lại (3 người). Và những người làm trong ban này phải bầu những người nhiệt tình, trung thực, có năng lực, phải đấu tranh cái sai, làm phải vì HS” – bà Thơ nhấn mạnh.
 Ở góc nhìn của một nhà nghiên cứu giáo dục, PGS.TS Nguyễn Đức Minh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đánh giá kết quả giáo dục cũng cho rằng không nên bỏ Ban đại diện CMHS. Bản thân ban này phải thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo quy định (tại Thông tư 55/2011/TT-BGDĐT và Điều lệ Ban đại diện CMHS của Bộ GD&ĐT) là tuyệt đối không tổ chức thu của phụ huynh để chi cho các khoản không phục vụ trực tiếp cho hoạt động của ban như bảo vệ cơ sở vật chất của nhà trường, bảo đảm an ninh nhà trường; trông coi phương tiện tham gia giao thông của HS; khen thưởng cán bộ quản lý, GV... Nhiệm vụ của Ban đại diện CMHS chỉ đơn thuần là sợi dây liên lạc giữa nhà trường và gia đình trong việc giáo dục HS. Ông Nguyễn Đức Minh cũng công nhận, Ban đại diện CMHS đã biến tướng thành bức bình phong thu những khoản tiền ngoài quy định. Để giải quyết tình trạng này, trước hết phụ huynh phải tìm và bầu người làm trong Ban đại diện CMHS có tâm, hoạt động thực sự vì công việc chung. Và điều quan trọng là nhà trường phải hướng dẫn họ làm cho đúng.
Vậy là nỗi bức xúc và đề xuất giải tán Ban đại diện CMHS là có "cái lý" từ thực tế, không chỉ riêng phụ huynh mà cả GV và chuyên gia giáo dục đều nhận ra. Song gốc rễ của vấn đề, như PGS Nguyễn Đức Minh phân tích, nằm cốt yếu ở việc chấn chỉnh và lái hoạt động của Ban đại diện CMHS đi đúng đường.
Ban đại diện CMHS không thể thiếu ở mỗi nhà trường, họ là cầu nối giữa gia đình với nhà trường, là quan sát viên nắm bắt được những vấn đề, sự kiện diễn ra trong lớp, ngoài lớp học... Thông qua Ban đại diện CMHS, họ có thể đề xuất, yêu cầu nhà trường thực hiện, không thực hiện những vấn đề chưa hợp lý. Nhưng quan trọng hơn cả, lãnh đạo mỗi nhà trường phải định hướng, hướng dẫn phụ huynh lựa chọn được người có tâm, hết lòng vì công việc chung, phục vụ vì quyền lợi của HS.
Nguyễn Thị Xuân Mai
 Hiệu trưởng trường Tiểu học Kim Liên, quận Đống Đa