Băn khoăn quy định trẻ ở cùng bố mẹ trong tù

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 19/11, Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi). Nhiều đại biểu quan tâm đến việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em dưới 36 tháng tuổi là con của phạm nhân khi ở cùng bố, mẹ trong tù.

Khoản 3, Điều 50 Dự Luật quy định đối tượng trẻ em dưới 36 tháng tuổi được hưởng chế độ ăn như với bố mẹ, chế độ mặc, nhu yếu phẩm mỗi năm được quy định cụ thể…, theo ĐB Nguyễn Văn Hiển (đoàn Lâm Đồng), cách tiếp cận trên của Dự Luật chưa phù hợp với lợi ích tốt nhất cho trẻ em; chưa đảm bảo các quyền của các em.
ĐB khẳng định: “Đối tượng trẻ em này không phải người phải thi hành án, mà là những trẻ còn rất nhỏ, có hoàn cảnh rất đáng thương, cần phải có sự quan tâm đặc biệt, nhất là đảm bảo đúng theo quy định của Luật Trẻ em. Mặt khác, Dự Luật cũng phải ghi rõ quyền của người bố, hoặc mẹ đến thăm nuôi cần được ưu tiên về số lần và thời gian nhiều hơn người bình thường".

Chiều 19/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 5 Luật gồm: Luật Đặc xá (sửa đổi), Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Cảnh sát biển Việt Nam, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) cho rằng, trẻ em dưới 36 tháng tuổi rất cần sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ. Chính vì thế, quy định cho phụ nữ bị phạt tù nuôi con dưới 36 tháng tuổi là hợp lý. Tuy nhiên, theo ĐB, Dự Luật bổ sung quy định trẻ dưới 36 tháng tuổi được ở cùng bố trong trại giam là không hợp lý. Cần phải lấy lợi ích của trẻ em là yếu tố hàng đầu, do đó nên có quy định phạm nhân là nữ được quyền tạm hoãn thi hành án để nuôi con nhỏ. "Môi trường giam giữ chưa bao giờ thân thiện với trẻ nhỏ" - ĐB nhấn mạnh và đề nghị cân nhắc kỹ quy định cho trẻ dưới 36 tháng tuổi ở cùng bố trong trại giam.

Đây là Dự Luật được đánh giá có tính chất rất phức tạp, phạm vi điều chỉnh rộng, không chỉ phải đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa quyền, nghĩa vụ của các chủ thể mà còn phải quy định chi tiết trình tự, thủ tục thi hành từng loại hình phạt đối với cá nhân và pháp nhân thương mại. Tuy nhiên, nhiều quy định khác của Dự Luật các ĐB cũng chỉ ra các vấn đề cần làm rõ, đánh giá kỹ lưỡng tác động của chính sách, nội dung mới. Về việc Dự Luật được xem xét, thông qua theo quy trình tại 2 hoặc 3 kỳ họp, trước những quan điểm khác nhau, Quốc hội sẽ gửi phiếu để xin ý kiến ĐB.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần