Bán vé vào cổng, Hội An có tận thu?

Quang Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Chính quyền TP Hội An lên kế hoạch bắt buộc tất cả du khách trong và ngoài nước mua vé tham quan trước khi vào phố cổ. Ý kiến ủng hộ có, nhưng phản đối cũng rất nhiều!

UBND TP Hội An vừa có phương án về việc tăng cường công tác quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ. Theo đó, kể từ ngày 15/5 tới, Hội An sẽ áp dụng yêu cầu bắt buộc mua vé tham quan trước khi vào phố cổ đối với tất cả du khách trong và ngoài nước.

Giá vé áp dụng là 80.000 đồng đối khách trong nước và 120.000 đồng đối với khách quốc tế. Thời gian hoạt động bán vé tham quan khu phố cổ từ 7 giờ 30 đến 21 giờ 30 hằng ngày vào mùa hè, đến 21 giờ vào mùa Đông.

Lực lượng chức năng sẽ phân luồng 2 lối đi tại các đường chính vào khu phố cổ, một lối đi dành cho người dân địa phương và một lối đi dành cho du khách.

Kế hoạch bắt buộc du khách mua vé  trước khi vào tham quan phố cổ Hội An đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối (Ảnh minh họa).
Kế hoạch bắt buộc du khách mua vé  trước khi vào tham quan phố cổ Hội An đang vấp phải nhiều ý kiến phản đối (Ảnh minh họa).

Kế hoạch này khiến dư luận rất quan tâm và có nhiều phản ứng trái chiều. Trong đó, nhiều ý kiến lo ngại kế hoạch này sẽ phản tác dụng. Bởi hiểu nôm na, Hội An bán vé vào cổng, hay phí vào cổng. Cách làm này theo kiểu tận thu?

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Sơn - Chủ tịch UBND TP Hội An cho rằng, mục đích của TP là kiểm soát khách đoàn và những người đến Hội An để tham quan. Người dân ở tỉnh Quảng Nam, TP Đà Nẵng đến phố cổ Hội An không bắt buộc phải mua vé.

Cũng theo ông Sơn, dư luận đang có cách hiểu chưa đúng về việc Hội An lên kế hoạch tăng cường quản lý hoạt động hướng dẫn tham quan khu phố cổ. Lâu nay, không gian Hội An bị quá tải, khách nước ngoài khi mua vé vào tham quan bị ảnh hưởng rất lớn. Họ cho rằng không công bằng vì nhiều người vào phố cổ như họ nhưng không phải mua vé.

Hơn nữa, lượng khách vào quá đông, họ không được xem các sản phẩm, cảnh quan của phố cổ dù Hội An rất đẹp. Nhiều du khách đặt vấn đề phải làm sao đảm bảo sự công bằng trong hoạt động bán vé tham quan. Xuất phát từ cơ sở đó, Hội An muốn xây dựng lại đề án về việc kiểm soát hoạt động bán vé, hướng dẫn tham quan cho đúng quy định của Nhà nước.  

Ông Sơn cho biết thêm, Hội An đã triển khai bán vé lâu nay, bây giờ chỉ phân luồng, tổ chức lại cho hợp lý. Việc này là để tránh tình trạng khách tham quan, người vào giao dịch, buôn bán cùng đi một lối, dẫn đến tình trạng xô bồ, không khoa học.

Cách lý giải của vị Chủ tịch UBND TP Hội An không thể làm dịu dư luận, mà có nhiều ý kiến cho rằng chính quyền địa phương đang “tham bát bỏ mâm”. Bởi lẽ, lâu nay nguồn thu của du lịch Hội An đâu phải chỉ dựa vào những di tích đặc biệt mà du khách đến đây buộc phải mua vé vào tham quan. Lâu nay, nhiều người đến du lịch và sử dụng dịch vụ tại đây không phải đã mang tiền cho Hội An hay sao?

Và liệu có hợp lý không khi di sản của mình mà người Việt phải mua vé mới được tham quan?

Cũng có ý kiến nói rằng, Hội An là di sản, tài sản của người dân sinh sống ở đó. Thu phí hay không thu phí thì cũng phải hỏi người dân phố cổ một tiếng xem người ta có đồng ý hay không... Bởi lẽ, việc này dù gì người dân sinh sống trong phố cổ chịu ảnh hưởng nhiều nhất!

Trước những luồng dư luận như thế, Chủ tịch UBND TP Hội An Nguyễn Văn Sơn khẳng định: Nhiều người nói rằng Hội An dựng barie lên để thu vé là không đúng.

Ông Sơn cũng thông tin thêm, toàn bộ tiền bán vé tham quan Hội An đều đầu tư cho khu phố cổ, gồm các hoạt động phục vụ trùng tu, trích lại vé cho người dân, hỗ trợ các di tích trong quá trình trùng tu, đầu tư cơ sở hạ tầng, nạo vét sông Hoài, phòng cháy, chữa cháy, chi cho việc đảm bảo an ninh trật tự… Hội An sẽ kết hợp với chuyển đổi số để thực hiện một cách nhẹ nhàng, chủ yếu tập trung vào những đoàn khách đi tham quan.

Từ nay đến ngày 15/5, Hội An sẽ làm từng bước. Trước hết, tập hợp các nội dung để họp, lắng nghe ý kiến của các đơn vị lữ hành. Đồng thời, Hội An sẽ lấy ý kiến người dân, để họ hiến kế, tư vấn thêm cho chính quyền vì người dân là chủ nhân của di sản, là người hưởng lợi và cũng có thể chịu thiệt thòi. Sau đó, TP sẽ tổ chức họp báo để công bố.