Bằng cách nào Mỹ hỗ trợ các nước bị xâm phạm chủ quyền ở Biển Đông?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong buổi họp báo tối 15/7, Ngoại trưởng Mike Pompeo tiếp tục khẳng định Mỹ sẽ hỗ trợ các quốc gia trên toàn thế giới chịu thách thức bởi yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. 
Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mike Pompeo nói trong cuộc họp báo: "Chúng tôi sẽ ủng hộ tất cả các quốc gia trên khắp thế giới cho rằng họ bị Trung Quốc vi phạm tuyên bố chủ quyền lãnh thổ cũng như lãnh hải hợp pháp. Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ, dù là tại các cơ quan đa phương, tại ASEAN hay thông qua phản ứng pháp lý, chúng tôi sẽ sử dụng tất cả công cụ có thể".
Trước đó, hôm 13/7, Mỹ bác bỏ gần như toàn bộ yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở biển Đông khiến Bắc Kinh chỉ trích Washington làm tăng căng thẳng khu vực, nêu bật mối quan hệ ngày càng tồi tệ giữa hai nước.
"Các tuyên bố của Bắc Kinh đối với tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông là hoàn toàn bất hợp pháp, cũng như chiến dịch bắt nạt nhằm kiểm soát chúng", ông Pompeo nói trong tuyên bố đăng trên website Bộ Ngoại giao Mỹ.
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump thậm chí đã đưa ra một cảnh báo nghiêm khắc cho Bắc Kinh, nhấn mạnh việc Washington có thể đáp trả bằng các biện pháp trừng phạt các quan chức và doanh nghiệp Trung Quốc có liên quan đến hành vi cưỡng ép ở Biển Đông.
"Không có gì là không được xem xét... Đây là một thông điệp mà người Trung Quốc hiểu rõ" - ông David Stilwell, trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, tuyên bố.
Phản ứng sau khi lập trường về Biển Đông của Mỹ được công bố, Bộ Quốc phòng Philippines hôm 14/7 tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ với Mỹ rằng cần phải có một trật tự dựa trên luật quốc tế ở Biển Đông. Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 15/7 cũng lên tiếng hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, nhấn mạnh quan điểm rằng Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.