Báo cáo của AirVisual và Greenpeace về ô nhiễm không khí tại Hà Nội thiếu khách quan

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, báo cáo Chất lượng không khí (CLKK) toàn cầu 2018 do AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á phát hành đánh giá chưa thuyết phục, thiếu luận cứ khoa học.

Báo cáo Chất lượng không khí (CLKK) toàn cầu 2018 do AirVisual hợp tác với Greenpeace Đông Nam Á phát hành mới đây đã đánh giá Hà Nội là TP ô nhiễm thứ 2 tại Đông Nam Á. Trả lời báo Kinh tế & Đô thị về vấn đề này, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho rằng việc đánh giá trên là chưa thuyết phục, thiếu luận cứ khoa học.
Nồng độ bụi tăng cao chỉ có tính tức thời
Theo ông Mai Trọng Thái, hiện nay, gần như các nhận định, đánh giá chỉ dựa trên số liệu tức thời (tại một số thời điểm có giá trị tăng cao bất thường) tại 1 trạm quan trắc không khí tự động thì không thể được xem là trị số đại diện của ngày hôm đó để đánh giá mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội.
Để đánh giá mức độ ô nhiễm của một địa phương vào một ngày cụ thể nào đó, thì phải lấy trị số trung bình đo của 24 giờ liên tục của ngày đó làm đại diện. Đánh giá mức độ ô nhiễm năm thì phải căn cứ vào trị số trung bình đo của cả năm liên tục (365 ngày x 24 giờ đo) làm trị số đại diện.
Tỷ lệ % số ngày chất lượng không khí ''Tốt'', ''Trung bình'', ''Kém'', ''Xấu'' và ''Nguy hại'' năm 2018.
Do đó, để đánh giá chính xác khách quan cần dựa vào nhiều yếu tố, trong đó yếu tố quan trọng hàng đầu là hệ thống mạng lưới các trạm quan trắc, vị trí địa điểm lắp đặt, công nghệ quan trắc, độ chính xác của các thiết bị… Ngoài ra, phương pháp tính toán AQI và các thang đo của các nước khác nhau, do đó, việc so sánh mức độ ô nhiễm là rất khó.
Trong khi đó, Hà Nội hiện nay mới chỉ lắp đặt thí điểm 10 trạm quan trắc (gồm 2 trạm cố định và 8 trạm cảm biến), do đó việc để đánh giá toàn bộ CLKK trên toàn TP là rất khó, chỉ khi có hệ thống đầy đủ và đồng bộ mới có thể đánh giá được chính xác.
“Để giảm thiểu bụi trong môi trường không khí, cần tối ưu hóa mạng lưới giao thông, tăng cường sử dụng giao thông công cộng, tiến tới cấm các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch…” - Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái
Hơn nữa, xu hướng biến động của bụi PM10 và PM2.5 phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết khí hậu. Mùa đông, gió mùa Đông Bắc có thể mang bụi, các chất ô nhiễm từ khu vực lân cận tới và khí hậu khô, lạnh, áp suất cao làm nồng độ bụi PM trong không khí tăng cao.
Ngược lại, trong mùa hè, do chịu tác động của gió Tây Nam và Đông Nam thổi ra biển hoặc lên phía Bắc và những cơn mưa thường xuyên rửa trôi bụi bẩn trong không khí, nên nồng độ bụi PM tại Hà Nội cũng thấp hơn khá nhiều. Nồng độ bụi PM10 và PM2.5 cao nhất trong các tháng 10 đến tháng 3, thấp hơn trong các tháng chuyển mùa (tháng 4, tháng 9) và thấp nhất trong các tháng mùa hè từ tháng 5 đến tháng 8.
Diễn biến nồng độ bụi PM­10 và PM2,5 trong ngày tại Hà Nội cũng có những biến động do ảnh hưởng của hoạt động giao thông. Nồng độ PM10 và PM2.5 tăng cao rõ rệt vào các giờ cao điểm buổi sáng (từ 7 - 8 giờ) và chiều (18 - 19 giờ), giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa (13 - 14 giờ) và ban đêm (23h - 1h). “Như vậy, việc nồng độ bụi tăng cao chỉ có tính tức thời, tại một thời điểm cụ thể”- ông Mai Trọng Thái nói.
Cần tối ưu hóa mạng lưới giao thông
Theo Chi Cục trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường Hà Nội, kết quả quản lý vận hành, giám sát chất lượng môi trường không khí 10 trạm quan trắc không khí tự động trong các năm 2017 - 2018, cho tỷ lệ số ngày chất lượng không khí đạt mức tốt trong năm 2018 cao hơn so với năm 2017, diễn biến chất lượng không khí có chiều hướng tốt hơn trong năm 2018. Tuy nhiên, CLKK trong tháng 1/2019 cũng có xu hướng tăng cao nhất so với các tháng khác trong năm 2018, thậm chí một số ngày đã chạm ngưỡng “Xấu”.
Tỷ lệ % số ngày chất lượng không khí ''Tốt'', ''Trung bình'', ''Kém'', ''Xấu'' và ''Nguy hại'' năm 2017.
Nguyên nhân chủ yếu ảnh hưởng tới CLKK trong thời gian gần đây là do điều kiện khí tượng bất lợi như thời tiết hanh khô và giá lạnh, nhiệt độ và độ ẩm thấp, ít nắng, sáng sớm có sương mù và độ ẩm cao, không mưa và gió nhẹ, hạn chế sự tạo ra chuyển động rối trong lớp khí quyển sát đất, đã khiến chất ô nhiễm không được khuếch tán lên cao mà tích lũy lại ở lớp không khí gần mặt đất.
Tiếp nữa là do nhu cầu đi lại nhiều nên lượng phương tiện tham gia giao thông có xu hướng tăng đột biến, tốc độ các phương tiện giao thông giảm, đặc biệt vào thứ 2 đầu tuần và thứ 6, thứ 7 cuối tuần, lượng phương tiện tham gia giao thông rất cao, gây ùn tắc giao thông cục bộ tại nhiều khu vực trên toàn TP; do đốt rác, phụ phẩm nông nghiệp tăng làm cho bầu không khí Hà Nội luôn bị tích tụ thêm chất ô nhiễm, không khí khó lưu thông, pha loãng, khiến chất lượng không khí xấu đi, thể hiện rõ nhất là những ngày cuối năm Mậu Tuất vừa qua.
“Chất lượng môi trường không khí chịu tác động trực tiếp từ các yếu tố khách quan như thời tiết, khí hậu, cũng như chịu tác động rất lớn từ các yếu tố chủ quan do hoạt động của con người và ý thức bảo vệ môi trường của cộng đồng. Để giảm thiểu bụi trong môi trường không khí, cần tối ưu hóa mạng lưới giao thông, tăng cường sử dụng giao thông công cộng, tiến tới cấm các loại phương tiện sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sạch…” - ông Mai Trọng Thái nhận định.