Báo cáo FDI 2022: Thu hút FDI lĩnh vực tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Dòng vốn FDI đang dịch chuyển sang các ngành, nghề có giá trị gia tăng cao công nghệ cao, truyền thông (ICT), chế tạo chế biến. Báo cáo FDI 2022 do VAFIE vừa công bố nhấn mạnh thu hút FDI lĩnh vực tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

Sáng nay (10/3) Hiệp hội DN Đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức công bố Báo cáo thường niên FDI năm 2022. Chủ đề của Báo cáo là "Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tăng trưởng xanh và kinh tế số", nhằm phân tích, đánh giá tình hình và tiềm năng, cơ hội đầu tư trong các ngành, lĩnh vực, khuyến nghị chính sách giải pháp nhằm tăng cường thu hút và nâng cao hiệu quả FDI.

Sản xuất xanh, xu hướng bắt buộc

Báo cáo do GS, TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIA chủ biên, được xây dựng từ các tư liệu của nhiều tổ chức quốc tế uy tín như: Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF); Ngân hàng Thế giới (WB); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB); Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD).

Lũy kế trong 35 năm qua, Việt Nam đã thu hút được gần 438,7 tỷ USD vốn FDI. Trong số này, có 274 tỷ USD đã được giải ngân, bằng 62,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.

Toàn cảnh buổi Báo cáo "Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tăng trưởng xanh và kinh tế số".
Toàn cảnh buổi Báo cáo "Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tăng trưởng xanh và kinh tế số".

Các dự án đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam. Khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã phát triển nhanh và có hiệu quả, trở thành bộ phận quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, góp phần tạo việc làm, thu nhập cho người lao động; nâng cao trình độ, năng lực sản xuất; ổn định kinh tế vĩ mô; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Tuy nhiên, số lượng dự án đầu tư với công nghệ cao, giá trị gia tăng vào Việt Nam vẫn còn thấp, nhiều dự án vẫn còn thâm dụng lao động phổ thông, sử dụng nhiều đất đai, và ảnh hưởng đến môi trường, chưa có tính lan tỏa cao về công nghệ, chuỗi cung ứng,…

Báo cáo đánh giá, trong bối cảnh chính trị và kinh tế thế giới bất ổn thì thương mại và đầu tư toàn cầu cũng sụt giảm tại tất cả khu vực kinh tế, Việt Nam nổi lên như một quốc gia ứng phó thành công với đại dịch, sớm mở cửa với thế giới, ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô, có chính sách tài khóa và tiền tệ linh hoạt, tăng trưởng đạt mức cao nhất khu vực, lạm phát được kiềm chế; được các tổ chức quốc tế, Chính phủ một số nước, DN và các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá là điểm đến đầy tiềm năng, là nơi đáng sống và làm việc, có triển vọng....

Tuy nhiên tình hình chính trị, kinh tế, thị trường thế giới và khu vực biến động khó dự báo; dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu tác động không thuận chiều đối với kinh tế, thương mại và đầu tư. Do đó Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp chính sách, khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực đội ngũ lao động để chủ động ứng phó với mọi tình huống, thực hiện thành công Kế họach hàng năm, 5 năm và Chiến lược phát triển 2021- 2030.

Các dự án đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam.
Các dự án đầu tư nước ngoài đi vào hoạt động đã có những đóng góp to lớn cho kinh tế – xã hội Việt Nam.

Theo Chủ tịch VAFIE- GS.TSKH Nguyễn Mại,  Việt Nam có 2 đối thủ cạnh tranh lớn là Ấn Độ và Indonesia. Dân số Ấn Độ sắp vượt Trung Quốc và trình độ phát triển công nghệ cũng được đánh giá rất cao. Ấn Độ đang có đội ngũ nhân lực dồi dào, đào tạo nhiều kỹ sư nhất thế giới, trong khi tiền lương chỉ khoảng 60-70% so với Việt Nam - đây là những lợi thế rất lớn của Ấn Độ. Chính sách Ấn Độ rất coi trọng hội nhập với thế giới, năm nào cũng xúc tiến đầu tư với Mỹ và EU 2 - 3 lần.

Trong ASEAN, đối thủ cạnh tranh của Việt Nam là Indonesia. Indonesia có dân số và GDP gấp 3 lần Việt Nam. Indonesia cũng là quốc gia coi trọng đầu tư nước ngoài và nước này có quan hệ tốt, nhận nhiều đầu tư từ EU và Mỹ.

Cùng với những thách thức trên là yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao của các DN FDI. Bất lợi nữa còn là doanh nghiệp Việt Nam vẫn rất yếu trong việc đáp ứng nhu cầu của DN FDI, từ phương diện giá cả chưa cạnh tranh, chất lượng chưa tốt đến khả năng giao hàng đúng thời điểm. Tiếp theo là về công nghệ, Việt Nam coi trọng công nghệ, có thành tựu lớn về nghiên cứu phát triển và thành lập trung tâm phát triển. Trong đó, có  nhiều DN lớn trong nước như Hòa Phát, Sungroup, Vingroup nhưng nhìn chung nền tảng công nghệ vẫn chưa đủ để đáp ứng chuyển sang kinh tế số.

Việt Nam cũng phải sớm khắc phục điểm hạn chế khác về kết cấu hạ tầng chưa bằng các nước trong khu vực, chi phí logistics nội địa cao. Đáng chú ý các DN trong nước, ngành công nghiệp hỗ trợ chưa đủ phát triển để DN FDI có thể hợp tác nâng cao hiệu quả cũng như tăng tính chủ động trong bối cảnh những cú sốc về xung đột địa chính trị khu vực hay toàn cầu đang xảy ra như hiện nay.

Cuối cùng là thủ tục hành chính rườm rà, vẫn còn quá nhiều loại hình giấy phép con, tình trạng sách nhiễu của bộ máy quản lý nhà nước làm giảm niềm tin đầu tư vào Việt Nam; hạ tầng của Việt Nam đã phát triển khá hiện đại, nhưng đường bộ cao tốc chưa phủ đủ, chưa có đường sắt cao tốc, đường thủy chưa phát triển, cảng biển chưa thành hệ thống logistics, và đặc biệt là công nghệ số đòi hỏi dịch vụ số, dữ liệu mở, Big data, chính sách để toàn dân và DN tham gia bồi đắp sử dụng dịch vụ số... còn yếu.

Để thực hiện hiệu quả định hướng thu hút FDI, báo cáo cho rằng, Việt Nam cần nâng cấp chính sách thu hút và sử dụng FDI hướng mạnh vào tăng trưởng xanh, chuyển đổi số và kết nối chuỗi cung ứng của doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI, nhất là các tập đoàn xuyên quốc gia.

Cùng với đó, Việt Nam cần hoàn thiện thể chế, pháp luật, trong đó có việc nội luật hóa thuế tối thiểu toàn cầu, xử lý tốt quan hệ nội lực với ngoại lực; hiện đại hóa hạ tầng kinh tế - xã hội và đẩy mạnh cải cách hành chính quốc gia... là các giải pháp chính được đề xuất để tăng cường thu hút và nâng cao chất lượng, hiệu quả FDI năm 2023 và những năm tiếp theo.

Việt Nam thu hút FDI xanh và bền vững

Chủ trương thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường,… đã được Chính phủ và các bộ ngành đặt ra nhiều năm qua. Những năm gần đây, sản xuất theo hướng xanh hóa và phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn, thu hút đầu tư chất lượng, an toàn môi trường,… cũng ngày càng được chính quyền các địa phương ưu tiên. Chính bản thân một số nhà đầu tư lớn cũng ngày càng nâng chất lượng đầu tư với những dự án kỹ thuật cao hơn, công nghệ hiện đại và thân thiện môi trường…

Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà đầu tư, nhân lực trình độ cao của Việt Nam còn quá ít. Cần phải nâng cấp chính sách thu hút FDI  không chỉ chú trọng thu hút về số lượng mà quan trọng là chất lượng. Hình thành những thước đo để đánh giá đúng hiệu quả của khu vực FDI, góp phần vào tăng trưởng kinh tế theo định hướng kinh tế tuần hoàn, tăng trưởng xanh. Đặc biệt, gần đây Chính phủ chú trọng chiến lược chuyển đổi số, từ DN số tới xã hội số, Chính phủ số và kinh tế số. Chiến lược của Việt Nam tới năm 2030 sẽ đứng thứ 3 trong ASEAN về chuyển đổi số.

 

Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài

Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị và Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài đã được Chính phủ ban hành, nhằm tập trung thu hút dòng vốn FDI có chất lượng, đóng góp hiệu quả hơn vào tăng trưởng kinh tế và có tác động lan tỏa đến DN trong nước, phù hợp với định hướng 2021-2030 là tăng trưởng xanh bền vững và chuyển đổi số là trọng tâm.

Năm 2021-2022, Việt Nam đã bước đầu đạt được mục tiêu đề ra, có chuyển dịch tốt trong thực hiện kinh tế tuần hoàn ở nhiều ngành công nghiệp, công nghệ, các khu kinh tế dần chuyển sang khu kinh tế sinh thái, hình thành khu công nghiệp đô thị sinh thái, thu hút nhiều tập đoàn lớn thế giới đầu tư vào sản phẩm công nghệ cao như Samsung, LG, Intel, Toyota, Lego...

Từ cuối năm 2021, đã có sự dịch chuyển về chất lượng của các dự án, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh của Việt Nam, như nhà máy trung hòa carbon đầu tiên của Lego, nhà máy sử dụng 100% năng lượng tái tạo của tập đoàn Pandora.

"Đối với nguồn điện gió và điện mặt trời, con số này thể hiện sự gia tăng đáng kể từ khoảng 10% tổng công suất phát hiện nay lên đến 30% vào năm 2030. Chúng tôi mong muốn được tham gia vào quá trình chuyển đổi năng lượng ở Việt Nam" - Chủ tịch Mảng năng lượng, Tập đoàn Wartsila Sushil Purohit cho hay.

"Chúng tôi nhận thấy có một làn sóng từ châu Âu sang Việt Nam lớn hơn rất nhiều, từ nay cho đến cuối năm sẽ có một làn sóng các DN và các nhà đầu tư tiềm năng sang tìm hiểu Việt Nam, đặc biệt là vào lĩnh vực xanh, công nghệ xanh" - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam Nguyễn Hải Minh thông tin.

Nhiều địa phương cũng đã chuyển động để thu hút FDI theo hướng xanh.
Nhiều địa phương cũng đã chuyển động để thu hút FDI theo hướng xanh.

Theo các nhà đầu tư nước ngoài, nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, nên dòng vốn FDI mới theo hướng "xanh", phục vụ phát triển bền vững hướng mạnh vào Việt Nam đi kèm với sự đầu tư về chất lượng nhân lực, khoa học công nghệ và hệ sinh thái ngành.

Định hướng chiến lược thu hút FDI thế hệ mới thực hiện đa phương hóa, đa dạng hóa thu hút FDI từ các thị trường và đối tác tiềm năng. Khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện), chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ nguồn, tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.

Nhiều địa phương cũng đã chuyển động để thu hút FDI theo hướng xanh, từng bước chuyển đổi các khu công nghiệp, khu chế xuất sử dụng công nghệ lạc hậu trở thành khu công nghiệp, khu chế xuất ứng dụng công nghệ cao thân thiện môi trường, ít thâm dụng lao động. Đặc biệt phải có chính sách phù hợp, tháo gỡ các nút thắt thể chế. Đây cũng là việc chuẩn bị hệ sinh thái cho làn sóng FDI xanh để đón các nhà đầu tư xanh phát triển một cách bền vững.

 

Báo cáo thường niên FDI năm 2022 được xây dựng dựa trên 3 nguồn tư liệu. Thứ nhất, báo cáo của Bộ KH&ĐT, Tổng cục Thống Kê về thu hút và sử dụng FDI năm 2022. Thứ 2, kinh nghiệm thế giới qua báo cáo của nước ngoài về đầu tư toàn cầu và ASEAN để so sánh thu hút đầu tư của Việt Nam với thế giới, ASEAN. Thứ 3 là khảo sát thực tế các DN FDI lớn tại 12 tỉnh, TP và các khu công nghiệp để đánh giá về thế mạnh, nhược điểm của môi trường đầu tư Việt Nam.