Báo cáo sản phẩm lập quy hoạch đô thị thông minh tại thành phố Huế

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 20/9, tại Hà Nội diễn ra Hội nghị báo cáo về sản phẩm cuối cùng của công tác lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh, nằm trong khuôn khổ chương trình hỗ trợ vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc với Việt Nam.

Sản phẩm được báo cáo là dự án Khu đô thị mới An Vân Dương – TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế). Đây là nội dung thuộc hợp phần 2: Thí điểm lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh thuộc dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” (gọi tắt là dự án VKC), thực hiện Quyết định số 38/2022/QĐ-BXD của Bộ trưởng Bộ Xây dựng phê duyệt văn kiện hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Hàn Quốc.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Hội nghị có sự tham dự của các cơ quan, đơn vị phía Việt Nam: Hội đồng tư vấn từ Bộ Xây dựng, Cục phát triển đô thị, Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị, Vụ Quy hoạch kiến trúc, Sở Xây dựng và Sở Thông tin Truyền thông của tỉnh Thừa Thiên Huế. Phía Hàn Quốc có đại diện Tập đoàn đất đai và nhà ở Hàn Quốc LH, Công ty Cheil Engineering.

Trình bày báo cáo tại hội nghị, đại diện đơn vị thiết kế lập quy hoạch phía Hàn Quốc (Công ty Cheil Engineering) cho biết, dự án VKC mà Chính phủ Hàn Quốc phối hợp với Việt Nam đặt mục tiêu thực hiện đô thị thông minh trong một đô thị hoặc một khu vực nhất định; đồng thời thiết kập cá chiến lược, lựa chọn các dịch vụ đô thị thông minh trên cơ sở sẽ áp dụng, thiết lập những công nghệ, phương thức tiếp cận... để đạt được mục tiêu đề ra.

Căn cứ vào mục tiêu trên, dự án đã lựa chọn Khu đô thị mới An Vân Dương – TP Huế để triển khai. Bởi tỉnh Thừa Thiên Huế là một trong những khu vực lịch sử văn hóa tiêu biểu của Việt Nam, nằm ở nút giao chính hành lang kinh tế Đông Tây, có các tính năng văn hóa, du lịch, thương mại đồng thời là trung tâm kinh tế khu vực miền Trung. TP Huế - trung tâm của tỉnh là thành phố trực thuộc T.Ư thứ 6, trung tâm y tế lớn thứ 3, đang phát triển nhanh chóng nhờ các tài nguyên du lịch và di sản văn hóa thế giới trong lòng đô thị.

Hướng xây dựng và triển khai quy hoạch ở TP Huế nhằm xây dựng hệ thống giao thông đô thị theo hướng tập trung vào giao thông công cộng, tăng cường khả năng kết nối giữa các đô thị. Đặc biệt, trong tổng thế chương trình phát triển đô thị thông minh của Việt Nam, từ năm 2019 TP Huế đã xây dựng trung tâm giám sát và điều hành đô thị thông minh.

Trong khi đó, Khu đô thị An Vân Dương là khu đô thị mới của tỉnh Thừa Thiên Huế, với vị trí chiến lược và hạ tầng liên vùng có tính tiếp cận cao, có tầm ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển và mở rộng phần phía đông của trung tâm TP Huế. Vì vậy, việc lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh thuộc dự án “Thành lập Trung tâm hợp tác Việt Nam - Hàn Quốc về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng” chọn Khu đô thị An Vân Dương là nơi thí điểm.

Phía đối tác Hàn Quốc trình bày báo cáo về sản phẩm cuối cùng của công tác lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh tại TP Huế.
Phía đối tác Hàn Quốc trình bày báo cáo về sản phẩm cuối cùng của công tác lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh tại TP Huế.

Dự án đã đi sâu phân tích hiện trạng, quy hoạch chi tiết, phân tích toàn diện Khu đô thị An Vân Dương và đề xuất chiến lược triển khai. Nội dung báo cáo kết quả bao gồm: đề xuất phương hướng phát triển đô thị thông minh; ý tưởng mới cho quy hoạch đô thị thông minh; đề xuất các giải pháp cho đô thị thông minh về xây dựng hạ tầng giao thông thân thiện với môi trường; Vận hành áp dụng phương tiện giao thông mới thông minh;

Xây dựng một hệ thống hạ tầng đô thị an toàn, thông minh, hệ thống giám sát nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu; Thiết lập hệ thống phòng chống và ứng phó với tội phạm; Năng lượng và môi trường thông minh như đô thị tự cấp năng lượng thân thiện với môi trường; Thực hiện hệ sinh thái sản xuất – tiêu thụ năng lượng thân thiện với môi trường;  Xây dựng hệ thống giám sát và thu gom rác thải; Sinh hoạt thông minh bao gồm: Nhà thông minh, Y tế thông minh, Công viên thông minh, Du lịch thông minh...

Theo đánh giá, hội nghị báo cáo cuối kỳ về sản phẩm cuối cùng của công tác lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh tại Khu đô thị mới An Vân Dương đã công bố những kết quả đạt được, tiếp thu ý kiến chuyên gia về sản phẩm cuối cùng của công tác lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh. Đây là những nội dung rất quan trọng nhằm góp phần giúp cho Khu đô thị mới An Vân Dương và TP Huế phát triển bền vững trong tương lai.

Đại diện Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị cho biết, dự án VKC nhằm mục đích thành lập một trung tâm chuyên nghiệp thúc đẩy nghiên cứu và đào tạo về đô thị thông minh và công nghệ xây dựng tiên tiến để đóng góp vào sự phát triển đô thị thông minh ở Việt Nam và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Hàn Quốc nói chung, giữa Bộ Xây dựng Việt Nam và Bộ Đất đai, Hạ tầng và Giao thông Hàn Quốc (MOLIT) nói riêng. 

Dự án VKC sẽ hỗ trợ cho Bộ Xây dựng triển khai thực hiện Đề án 950 thông qua hoạt động thí điểm lập quy hoạch tổng thể đô thị thông minh, hoạt động xây dựng Hướng dẫn về đô thị thông minh tại Việt Nam, thành lập Trung tâm VKC và các hoạt động tăng cường năng lực đào tạo, trao đổi công nghệ về đô thị thông minh.

Phía Việt Nam, Bộ Xây dựng giao nhiệm vụ triển khai dự án cho Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và đô thị (Học viện AMC), Cục Phát triển đô thị, Vụ Quy hoạch kiến trúc và các đơn vị liên quan. Phía Hàn quốc, đơn vị chịu trách nhiệm chính là Viện Kỹ thuật công trình và Công nghệ Xây dựng Hàn Quốc (KICT), Viện Nghiên cứu định cư con người Hàn Quốc (KRIHS), Tập đoàn đất đai và nhà ở Hàn Quốc (LH), Cơ quan công nghệ hạ tầng tiên tiến Hàn quốc (KAIA).

Dự án sẽ góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ hoàn thiện thể chế, pháp luật về phát triển đô thị thông minh; đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan hoạch định chính sách, các cấp quản lý tại địa phương.