Bảo đảm an ninh tiền tệ: Cần sự vào cuộc của ba “nhà”

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ứng xử với tin đồn có rất nhiều giải pháp, quan trọng là làm sao xây dựng xã hội văn minh, có ý thức phát ngôn từ công dân cho đến các tổ chức, cơ quan, trong đó có cơ quan báo chí.

Khi tin đồn xảy ra, cần sự vào cuộc của 3 nhà: Cơ quan chức năng, cơ quan quản lý ngân hàng và cơ quản quản lý báo chí để hạn chế thấp nhất rủi ro...
Quan điểm của nhà báo Nguyễn Minh Đức - Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị nhận được sự đồng tình của hầu hết các đại biểu có mặt tại buổi Tọa đàm "Thông tin truyền thông với An ninh tài chính tiền tệ" tổ chức sáng 29/6.

Vai trò của truyền thông

Theo Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam, Trưởng Ban chỉ đạo chương trình Nguyễn Văn Quyền, tài chính tiền tệ là công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước và là lĩnh vực hết sức nhạy cảm. Thông tin, truyền thông có tác động tới việc hình thành niềm tin, thái độ hành vi của công chúng, có khả năng hình thành và định hướng dư luận xã hội.
 Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Khắc Kiên
Thực tế cho thấy, thế giới từng có hàng loạt cuộc khủng hoảng kinh tế diễn ra và hầu hết đều có nguồn gốc từ những bất ổn trong hệ thống tài chính – tiền tệ. Điển hình như cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 1997 – 1998 có nguồn gốc từ hệ thống tiền tệ tại các quốc gia Đông Nam Á, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới 2007 – 2009 có nguồn gốc từ hoạt động cho vay dưới chuẩn tại Mỹ. Trong các cuộc khủng hoảng đó đều có nguyên nhân do công tác truyền thông đã không được thực hiện hiệu quả và có thiếu sót trong minh bạch hóa thông tin của các thành viên trên thị trường. Tại Việt Nam, có thời điểm những tin đồn thất thiệt về lĩnh vực tài chính, tiền tệ đã làm cho thị trường chao đảo như: NHNN sắp đổi tiền (cuối năm 2006), hoặc tin đồn cựu Chủ tịch BIDV bị bắt… Từ đó cho thấy, công tác thông tin, truyền thông có vai trò rất quan trọng trong việc đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ.

Trách nhiệm của nhà báo

Bàn về vấn đề này, dưới góc độ báo chí, nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, vấn đề then chốt là giải quyết tốt mối quan hệ giữa chủ thể truyền thông và tin đồn. Khi các phương tiện truyền thông trở thành “vật dẫn” đưa tin từ không thành có, từ tin đồn biến thành dư luận xã hội thì trách nhiệm xã hội của nhà báo cần phải được nhìn nhận nghiêm túc và thẳng thắn hơn.

"NHNN và các tổ chức tài chính cần có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời với cơ quan báo chí để truyền thông rộng rãi, đầy đủ định hướng dư luận về điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng; xử lý kịp thời các thông tin chưa chính xác đến hoạt động của ngân hàng, giữa NHNN và các tổ chức tín dụng. Thông tin được cung cấp chính xác, kịp thời sẽ giúp các cơ quan báo chí chủ động sử dụng truyền tải đến cộng đồng. Về phía cơ quan báo chí, cần quan tâm theo dõi sát sao và đưa ra những thông tin kịp thời để tránh những thông tin chưa được kiểm chứng , hoặc thông tin có thể gây hệ lụy, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế - xã hội." - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội Đỗ Quang Hiển

Đồng quan điểm, nhà báo Nguyễn Minh Đức – Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị cho rằng, thông tin thất thiệt về tài chính, ngân hàng sẽ gây ra hậu quả rất lớn so với các thông tin xã hội khác. Để giảm thiểu việc này cần ý thức và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, phóng viên. Việc xác định được nguồn thông tin, đánh giá được thông tin có chính xác đòi hỏi đạo đức nghề nghiệp, trình độ báo chí. Các ngân hàng thì cần phải phản ứng tức thì. “Giống như năm 2006, 2007, ACB có nguy cơ vỡ nợ, trực tiếp Thống đốc NHNN khẳng định NHNN cam kết sẽ thanh toán hết và ACB sẽ không vỡ nợ. Đó là phản ứng tức thì để trấn an dư luận” – ông Nguyễn Minh Đức dẫn chứng.

Với những thông tin thất thiệt gây ảnh hưởng đến uy tín của DN, nhà báo Nguyễn Minh Đức cho rằng, trước hết phải có nhận thức tuyên truyền cho người dân biết được hậu quả của tin đồn thất thiệt. Thứ hai, khi đã xảy ra, các cơ quan chức năng vào cuộc cần phải xử lý nghiêm theo quy định và công khai minh bạch để thấy được hậu quả của việc tung tin đồn thất thiệt. Đối báo chí, cũng phải nghiêm khắc cân nhắc, tránh vô tình đưa những tin đồn chưa được kiểm chứng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần