Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh:

Bảo đảm đồng bộ, thống nhất các quy định về giao dịch, hợp đồng công chứng

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/12, Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam đã tổ chức Đại hội đại biểu công chứng viên toàn quốc lần thứ II.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Pháp Luật TP HCM
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh phát biểu tại Đại hội. Ảnh: Pháp Luật TP HCM

Dự Đại hội có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

Theo báo cáo, năm 2019, cả nước có 51 tỉnh, TP thành lập Hội Công chứng viên với 2.600 công chứng viên. Sau  hơn 3 năm, Hội được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, TP trên cả nước với 3.054 công chứng viên, 1.239 tổ chức hành nghề.

Số lượng công chứng viên chủ yếu tập trung ở những đô thị lớn, địa bàn dân cư đông, phát triển kinh tế mạnh như TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong nhiệm kỳ qua, các tổ chức hành nghề công chứng đã nộp ngân sách hơn 1.111,5 tỷ đồng.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh đánh giá, đội ngũ công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng ngày càng trưởng thành, lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng. Hoạt động công chứng nề nếp hơn, đã thành lập được Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam và các hội công chứng viên ở tất cả các địa phương trên toàn quốc, bước đầu thực hiện tốt vai trò tự quản, bảo vệ quyền lợi hội viên và phối hợp khá tốt với cơ quan quản lý nhà nước nhất là trong việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật liên quan đến hoạt động công chứng...

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đại hội đã thẳng thắn nhìn nhận, đánh giá những hạn chế, tồn tại trong tổ chức hoạt động của Hiệp hội trong nhiệm kỳ vừa qua. Việc giám sát hội viên trong hành nghề có việc còn chưa sát, dẫn đến tình trạng một bộ phận công chứng viên vi phạm pháp luật, đạo đức hành nghề. Trình độ độ ngũ công chứng viên và người được giao nhiệm vụ công chứng chưa đồng đều; chất lượng hoạt động công chứng có nơi, có việc chưa đáp ứng yêu cầu. Việc thành lập hội công chứng viên tại một số địa phương còn chậm, công tác phối hợp có việc còn thiếu liên kết.

Trong nhiệm kỳ II, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu Hiệp hội tiếp tục thực hiện hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng trong lĩnh vực công chứng. Định hướng phát triển phải bảo đảm tính bền vững, lấy nguyên tắc an toàn pháp lý cao nhất trong các hợp đồng, giao dịch là điều kiện hàng đầu và thước đo giá trị cho hoạt động này. Đồng thời, thể hiện rõ trách nhiệm đối với xã hội, đối với người dân.

Cùng với đó, Hiệp hội phối hợp với các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện thể chế, pháp luật về công chứng, pháp luật khác có liên quan; chú trọng thu hút, huy động trí tuệ của đội ngũ công chứng viên chủ động tham mưu, đề xuất các chủ trương, chính sách, giải pháp để chuyển đổi số trong hoạt động công chứng, góp phần thiết thực triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia. Chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy, các cơ quan của hiệp hội, các hội công viên ở địa phương công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý, chỉ đạo, điều hành, bảo đảm thông suốt, thống nhất.

Đồng thời, Hiệp hội có giải pháp cụ thể để bảo đảm tối đa quyền, lợi ích chính đáng quyền, lợi ích chính đáng của hội viên; phối hợp với Bộ Tư pháp, tập trung phát triển đội ngũ công chứng viên có chất lượng, số lượng phù hợp với nhu cầu xã hội, có bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, phát huy vai trò, trách nhiệm tự quản của các tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế...

Quang cảnh Đại hội
Quang cảnh Đại hội

Nhân dịp này, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phát huy vai trò tham mưu giúp Chính phủ trong quản lý nhà nước về công chứng; bảo đảm vai trò định hướng, điều tiết của Nhà nước trong việc hỗ trợ phát triển nghề công chứng; nghiên cứu chuẩn hóa quy trình thủ tục gắn với việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, tiến tới thực hiện công chứng hợp đồng, giao dịch trên môi trường điện tử.

Bộ Tư pháp tiếp tục nghiên cứu, tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội xem xét, thông qua Luật Công chứng (sửa đổi), đảm bảo thế chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về cải cách tư pháp, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong hoạt động công chứng, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng Thường trực giao các Bộ: Tài Nguyên & Môi trường, Xây dựng, Kế hoạch & Đầu tư, Công an phối hợp chặt chẽ với Bộ Tư pháp trong quá trình sửa đổi, bổ sung các đạo luật liên quan đến hoạt động công chứng như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản…. bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất trong các quy định về giao dịch, hợp đồng phải công chứng. Chia sẻ thông tin trong các cơ sở dữ liệu về dân cư, doanh nghiệp, đất đai, bất động sản, đảm bảo các hoạt động công chứng được thực hiện chính xác, thuận lợi, nhanh chóng, chi phí thấp, góp phần đảm bảo an toàn pháp lý cho hợp đồng, giao dịch; phòng ngừa rủi ro, tranh chấp; tăng cường quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực đất đai, bất động sản, nhà ở, tránh thất thu thuế cho Nhà nước.

UBND các tỉnh, TP chỉ đạo Sở Tư pháp, các sở, ngành liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm; đồng thời tạo điều kiện cần thiết để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động công chứng tại địa phương.

Trước đó, Đại hội đã bầu ra Hội đồng Công chứng viên toàn quốc, Ban Thường vụ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam nhiệm kỳ II. Ông Nguyễn Chí Thiện được bầu làm Chủ tịch Hiệp hội; các Phó Chủ tịch gồm: ông Hoàng Xuân Hoan, ông Nguyễn Trí Hoà, bà Nguyễn Thị Thơ, ông Vương Quốc Tuấn.

Đại hội cũng đã thông qua dự thảo Điều lệ Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam sửa đổi, bổ sung và thông qua Nghị quyết Đại hội.