Bảo đảm nguồn cung thịt lợn: Quyết liệt các giải pháp

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến sản xuất của ngành chăn nuôi nói chung. Để bảo đảm nguồn cung thịt lợn đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, Bộ NN&PTNT đang tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai đồng bộ hai nhóm giải pháp: Tăng đàn, tái đàn và nhập khẩu thịt lợn, lợn thịt.

Đoàn công tác Bộ NN&PTNT kiểm tra công tác tái đàn lợn tại TP Hải Phòng. Ảnh: Trọng Tùng
Gia tăng nguồn cung thịt lợn 
Khi dịch tả lợn châu Phi qua thời kỳ cao điểm, Bộ NN&PTNT đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương, DN tổ chức tái đàn, tăng đàn theo hướng an toàn sinh học. Tính đến tháng 8/2020, tổng đàn lợn của cả nước đã đạt khoảng 25,2 triệu con, tương đương 82% so với thời điểm trước khi dịch bùng phát.
Đáng chú ý, có 12 tỉnh, TP đã thực hiện tái đàn, tăng đàn lợn đạt trung bình 118,3% so với thời điểm trước khi có dịch. Trong đó, Bình Phước là địa phương có tốc độ tái đàn lợn cao nhất cả nước với 164,7%. Trong khi tại Hà Nội, tốc độ tái đàn lợn còn khá khiêm tốn với tỷ lệ phục hồi đàn hiện mới đạt dưới 70%.
Tốc độ tái đàn, tăng đàn diễn ra tương đối nhanh ở hầu hết các địa phương giúp bổ sung nguồn cung thịt lợn cho tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, để đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, Bộ NN&PTNT vẫn phải phối hợp với các bộ, ngành nhập khẩu thêm thịt lợn. Tính từ đầu năm 2020 đến nay, 130 DN của Việt Nam đã nhập khẩu hơn 93.248 tấn thịt lợn các loại, chủ yếu từ các nước: Canada, Đức, Ba Lan, Brazil, Hoa Kỳ, Tây Ban Nha và Nga, tăng 223% so với cùng kỳ năm 2019 và đạt trên 93% kế hoạch Chính phủ giao.
Cùng với nhập khẩu thịt lợn, từ giữa tháng 6/2020, Bộ NN&PTNT đã cho phép nhập khẩu lợn sống từ Thái Lan. Và trong hơn hai tháng qua, các DN đã nhập khẩu được 97.338 con lợn, góp phần gia tăng nguồn cung, cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước.
Khuyến khích hỗ trợ tái đàn, tăng đàn
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 đang ảnh hưởng lớn đến nhiều lĩnh vực cung ứng sản xuất. Chính vì vậy, để chủ động khắc phục những khó khăn trong bảo đảm nguồn cung thịt lợn, một số tỉnh, TP (bao gồm cả Hà Nội) đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học để thúc đẩy tái đàn, tăng đàn. Đơn cử như hỗ trợ từ 0,5 - 5 triệu/con nái tái đàn; hỗ trợ khoảng 1 tỷ đồng, không thu tiền thuế đất khi xây dựng trang trại lợn mới; hỗ trợ tiền vay cho tái đàn với lãi suất 0%…
Với những động thái tích cực trên, Bộ NN&PTNT nhận định, đến cuối quý III, đầu quý IV/2020, Việt Nam có thể bảo đảm cơ bản nhu cầu thịt lợn. Nhưng để hiện thực hoá được mục tiêu trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh, TP tiếp tục nghiên cứu, có chính sách hỗ trợ cụ thể để tái đàn, tăng đàn lợn giống. Cùng với đó là cơ chế về lãi suất tiền vay, chính sách đất đai cho người chăn nuôi theo chu kỳ sản xuất...
Về phía Bộ NN&PTNT, sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao hỗ trợ các DN tìm nguồn hàng, bảo đảm nhập khẩu thịt từ các quốc gia theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các DN có thể nhập khẩu lợn thịt về giết mổ ngay hoặc nuôi thịt từ các nước lân cận nhằm giảm dần áp lực cho nguồn cung.
Giá lợn thịt trong những ngày qua xuất tại cửa chuồng thuộc các khu vực trên cả nước đã giảm từ 15.000 – 18.000 đồng/kg so với thời điểm cao nhất. Riêng tại Hà Nội và các tỉnh, TP phía Bắc, giá lợn hơi hiện dao động từ 80.000 – 83.000 đồng/kg.