Bảo đảm nguồn cung thực phẩm

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu thực phẩm, đặc biệt là các loại thịt gia súc, gia cầm của người dân cũng có sự biến động lớn. Việc bảo đảm nguồn cung mặt hàng này là bài toán rất được quan tâm.

Sản lượng thịt gia cầm những tháng đầu năm 2020 tăng góp phần bảo đảm nhu cầu thị trường. Ảnh: Tùng Trọng
Sản xuất, nhập khẩu tăng
Để đáp ứng nhu cầu về thịt các loại, từ cuối năm 2019, Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo các địa phương tăng cường chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ đó, hai tháng đầu năm 2020, tổng đàn gia cầm cả nước tăng 13,8%; đàn trâu, bò tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, đàn lợn đang được hồi phục nhanh chóng. Hiện, tổng đàn lợn cả nước còn khoảng 24 triệu con. Thời gian qua, 63/63 tỉnh, TP đã thực hiện tái đàn lợn, trong đó có 11 tỉnh, TP tái đàn lợn vượt tổng đàn trước khi có dịch. Dự kiến trong năm 2020, sẽ có khoảng 4 triệu tấn thịt lợn được cung ứng ra thị trường.
Bên cạnh quản lý, giám sát chặt chẽ quy trình chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cũng sẵn sàng nguồn cung vaccine để chủ động ứng phó với nguy cơ lây lan diện rộng của dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Cụ thể, trong năm 2020, sẽ bảo đảm cung ứng 500 triệu liều vaccine cúm gia cầm và 37 triệu liều vaccine lở mồm long móng để phòng chống dịch bệnh. Kế hoạch ứng phó với nguy cơ xâm nhiễm dịch Covid-19 trên động vật nuôi cũng đang được Bộ NN&PTNT gấp rút xây dựng.
Bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, nhập khẩu thịt các loại nhằm bổ sung nguồn cung cho thị trường trong nước cũng gia tăng. Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, tổng sản lượng thịt các loại nhập khẩu trong hai tháng đầu năm 2020 là trên 65.865 tấn. Trong đó, thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn nhập khẩu khoảng 13.816 tấn, tăng 150% so với cùng kỳ năm 2019. Các quốc gia có tỷ lệ nhập khẩu lớn nhất là: Canada 33,06%, Đức 25,4%, Brazil 16,01%, Ba Lan 15,81%.
Đối với thịt trâu, bò, sản lượng nhập là hơn 12.459 tấn thịt bò và 12.934 tấn thịt trâu, đều tăng so với cùng kỳ năm 2019. Trong khi thịt trâu nhập khẩu có 100% nguồn gốc từ Ấn Độ, thì thịt bò chủ yếu được nhập từ Mỹ, Australia, Canada. Đối với thịt gia cầm và sản phẩm từ thịt gia cầm, trong hai tháng đầu năm 2020, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 26.656 tấn, chủ yếu từ Mỹ, Hàn Quốc, Brazil.
Chủ động phòng, chống dịch bệnh
Dù nguồn cung thịt gia súc, gia cầm cho thị trường trong nước vẫn tương đối dồi dào, tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh tác động đến sản xuất vẫn rất lớn, đặc biệt là dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng. Nguyên nhân được Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) chỉ ra là bởi tổng đàn gia súc, gia cầm của cả nước hiện rất lớn. Điều kiện thời tiết thay đổi bất lợi. Việc tiêm phòng vaccine phòng chống dịch bệnh đạt tỷ lệ thấp tại một số địa phương. Chăn nuôi nhỏ lẻ còn phổ biến khiến việc áp dụng các biện pháp an toàn sinh học gặp nhiều khó khăn…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho biết, để bảo đảm nguồn cung thịt các loại cho tiêu dùng trong nước, đơn vị đang tiếp tục chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thuỷ sản trên cơ sở bảo đảm ba nguyên tắc: An toàn sinh học, cân bằng cung cầu và an sinh xã hội. Đồng thời tập trung hỗ trợ nguồn lực cho các địa phương, DN xây dựng những vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Cùng với sản xuất trong nước, Bộ NN&PTNT cũng sẽ đẩy mạnh nhập khẩu. Để việc nhập khẩu thịt và sản phẩm từ thịt thuận lợi, Bộ NN&PTNT đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao chỉ đạo các đơn vị trực thuộc hỗ trợ tối đa cho các DN trong việc tìm kiếm nguồn hàng. Riêng đối với mặt hàng thịt lợn, Bộ NN&PTNT kiến nghị Bộ Tài chính xem xét, sớm có giải pháp giảm thuế nhập khẩu. Đồng thời, chỉ đạo Tổng cục Hải quan tạo điều kiện để thông quan các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm nói chung, thịt lợn nói riêng.