Báo động ngộ độc do ăn trứng cóc, trứng cá sấu hỏa tiễn

Thanh Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù, được cảnh báo rất nhiều nhưng người dân vẫn ăn trứng cóc, trứng cá sấu hỏa tiễn dẫn đến ngộ độc, thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị cho 2 mẹ con bị ngộ độc thịt và trứng cóc. Ảnh: BVCC
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình điều trị cho 2 mẹ con bị ngộ độc thịt và trứng cóc. Ảnh: BVCC

Chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên lấy trứng, thịt cóc, trứng cá sấu hỏa tiễn để chế biến làm thức ăn.

Những ca ngộ độc nặng

Bệnh viện (BV) Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã cấp cứu cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc sau khi ăn thịt và trứng cóc. Bệnh nhân là mẹ và con gái trong cùng gia đình, nhập viện với các triệu chứng đau đầu, đau bụng, nôn, đi ngoài nhiều lần, tê bì chân tay. Riêng con gái 17 tuổi còn kèm thêm triệu chứng khó thở và đau tức ngực, loạn nhịp tim.

Trước đó, hai mẹ con làm thịt cóc để chế biến thức ăn. Mặc dù đã lột bỏ da cóc và loại bỏ nội tạng, chỉ lấy phần thân để chế biến, nhưng thấy cóc đang có trứng, hai mẹ con đã lọc lấy bọc trứng để chế biến cùng thịt cóc.

Sau bữa cơm, cả hai cùng xuất hiện đau đầu, đau bụng, nôn mửa, đi ngoài phân lỏng nhiều lần. Các bệnh nhân được gia đình đưa vào Trung tâm Y tế huyện Mai Châu sơ cứu ban đầu và nhanh chóng được chuyển đến BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Sau 2 ngày điều trị và chăm sóc tích cực, các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Tương tự, vào cuối tháng 5/2023, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình cũng đã tiếp nhận và điều trị cho 6 người bị ngộ độc sau khi ăn trứng cá sấu hỏa tiễn. Trước đó, các bệnh nhân chế biến cá sấu hỏa tiễn (cá cảnh) nặng khoảng 10kg làm thức ăn. Thân cá được chế biến làm món cá hấp, trong khi trứng cá được dùng để nấu với mẻ. Sau đó, cả gia đình và một số người quen cùng ăn. Những người ăn món cá hấp không có biểu hiện bất thường về sức khỏe.

Sau 2 ngày điều trị, chăm sóc tích cực, các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: BVCC
Sau 2 ngày điều trị, chăm sóc tích cực, các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Ảnh: BVCC

Tuy nhiên, 6 nam giới ngồi ăn cùng mâm, vừa ăn cá hấp và đồng thời ăn trứng cá nấu mẻ thì xuất hiện triệu chứng bất thường sau 3 - 4 giờ ăn.
Tất cả bệnh nhân đều có triệu chứng nôn, đau bụng dữ dội và đi ngoài nhiều lần. Có những bệnh nhân đi ngoài hơn 10 lần trước khi đến BV. Kèm theo, bệnh nhân có đau đầu, chóng mặt và người mệt lả. Sau khi nhập Trung tâm Y tế huyện sơ cứu ban đầu, các bệnh nhân được đưa đến BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình.

Khi nhập BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình, các bệnh nhân đều mệt lả, đau bụng, nôn và đi ngoài nhiều lần; cùng với đó là các triệu chứng đau đầu, chóng mặt. Các xét nghiệm ban đầu có tình trạng toan chuyển hóa máu và rối loạn nước điện giải. Sau 2 ngày được điều trị và chăm sóc tích cực, các bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Tuyệt đối không ăn trứng cá sấu hỏa tiễn và trứng cùng nội tạng cóc

Theo một số bài báo khoa học, trứng và ruột của cá sấu hỏa tiễn chứa chất độc và độc chất này tác động trực tiếp lên hệ tiêu hóa, thần kinh và tim mạch của con người.

Trên thực nghiệm các nhà khoa học cho chuột ăn trứng cá sấu hỏa tiễn thì chuột bị chết. Vì vậy, TS Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1, BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được ăn trứng cá sấu hỏa tiễn và các bộ phận xung quanh trứng cá.

Trước đó, hồi cuối tháng 3/2021, Trung tâm Chống độc và khoa Nhi, BV Bạch Mai cũng đã tiếp nhận 5 bà cháu nhập viện trong tình trạng “miệng nôn, trôn tháo” do ngộ độc trứng cá sấu hỏa tiễn. Tại đây, các bác sĩ đã thăm khám, khai thác bệnh sử, đánh giá lâm sàng và cho làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân. Sau 12 tiếng điều trị, sức khỏe của 5 bà cháu đã ổn định.

TS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, với cá sấu hỏa tiễn thì ăn thịt bình thường nhưng trứng và phần thịt quanh trứng chứa chất độc Ichthyotoxin. Đây là một chất gây độc trên hệ tiêu hóa (gây buồn nôn, nôn, đau bụng và tiêu chảy), hệ thần kinh (đau đầu, vã mồ hôi, chóng mặt, ù tai, co giật) và tim mạch (loạn nhịp tim, tụt huyết áp).

Trên thế giới mới có một số thông báo về bệnh nhân ngộ độc loại này. Tại Trung tâm chống độc, BV Bạch Mai trước đây cũng đã từng có bệnh nhân tương tự. Vì vậy, bác sĩ Nguyên khuyến cáo, người dân tuyệt đối không được ăn trứng cá sấu hỏa tiễn và các bộ phận xung quanh trứng cá.

Đề cập đến vấn đề ngộ độc thịt và trứng cóc, bác sĩ Lê Ngọc Duy - Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc, BV Nhi Trung ương cảnh báo, tuy thịt cóc không chứa độc tố, nhưng nhiều bộ phận khác của cóc lại chứa độc tố, trong đó có độc tố chết người như tetrodotoxin.

Ngoài ra, gan, trứng, da, mủ, mắt và hạch thần kinh (dọc hai sống lưng) của cóc cũng chứa bufotenin - một chất cực độc, dễ gây chết người. Chất độc này dù chế biến ở nhiệt độ cao cũng khó bị phân hủy. Do đó, nếu sơ chế thịt cóc sai quy trình có thể dẫn tới ngộ độc, thậm chí là tử vong.

“Để phòng tránh ngộ độc, người dân tuyệt đối không ăn nội tạng, trứng cóc. Khi gặp người bị ngộ độc thịt cóc, cần nhanh chóng gây nôn để loại bỏ tối đa độc tố trong cơ thể và nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời” - bác sĩ Duy khuyến cáo.

 

Cóc chứa chất độc ở trên toàn bộ da, tuyến nước bọt- mang tai, nội tạng và trứng. Cóc có thể gây độc trong toàn bộ vòng đời của chúng: trứng, nòng nọc, cóc con, cóc trưởng thành. Nọc độc của cóc có thể gây nên các triệu chứng nguy hiểm trên hệ tiêu hóa, hô hấp, thần kinh và đặc biệt là hệ tim mạch. Vì vậy, người dân không nên thịt cóc để chế biến làm thức ăn vì nọc độc của cóc có thể gây nguy hiểm đến sức khỏe và tính mạng con người.
TS Hoàng Công Tình - Trưởng khoa Hồi sức tích cực 1,
BV Đa khoa tỉnh Hòa Bình