Báo động ô nhiễm môi trường sông Nhuệ - Đáy

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không chỉ người dân Hà Nội bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm từ sông Nhuệ - sông Đáy, mà nhiều người dân Hà Nam cũng chịu chung cảnh ngộ. Đáng nói, ở Hà Nam, còn xuất hiện tình trạng nước sông ô nhiễm tung bọt trắng trời, bay cả vào nhà dân xung quanh.

Bài 2: Những thông số giật mình
Sống chung với “lũ”

Đầu năm 2018, dư luận rộ lên lo lắng việc nước sông Châu Giang – khu vực trạm bơm Chợ Lương, xã Yên Bắc (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam) nổi "bọt tuyết" trắng xóa, bốc mùi hôi tanh khó chịu. Thế nhưng, khi chúng tôi xuống địa bàn tìm hiểu, những người dân ở đây cho biết, tình trạng này đã xảy ra chừng chục năm nay. Mỗi năm có vài đợt như vậy. Vào mùa Hè gió lớn, nước to, bọt nước cao đến hơn 1m có mùi hôi thối nồng nặc bay tràn ngập tuyến đường, thậm chí còn bay vào nhà dân.
Nước sông Châu Giang khu vực trạm bơm Duy Tiên, Hà Nam nổi bọt tuyết trắng xóa, bốc mùi hôi tanh khó chịu.
Tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, tình trạng sông có thời điểm tung bọt trắng xóa như phản ánh thường xuất hiện khi ngành nông nghiệp địa phương bơm nước từ sông Nhuệ vào phục vụ sản xuất nông nghiệp. Mặc dù nước sông ô nhiễm nặng nhưng địa phương vẫn phải bơm nước để đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp. Chính quyền sở tại cũng đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên nhưng đến nay, tình trạng này vẫn không hề thuyên giảm.

Sông Châu Giang (còn gọi là sông Châu) có chiều dài khoảng 69km, có vị trí quan trọng nằm trong lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy, nằm trọn trong địa phận tỉnh Hà Nam. Sông Châu Giang bắt nguồn từ Tắc Giang, Duy Tiên nhận hợp lưu của sông Nông Giang đến An Mông (Tiên Phong) chia thành hai nhánh: Một nhánh làm ranh giới giữa hai huyện Lý Nhân và Bình Lục, rồi chảy ra trạm bơm tưới tiêu Hữu Bị, sau đổ ra sông Hồng; một nhánh làm ranh giới giữa hai huyện Duy Tiên và TP Phủ Lý, rồi đổ ra sông Đáy tại Phủ Lý.

Ở Hà Nam, không chỉ sông Châu Giang khu vực trạm bơm chợ Lương Yên Bắc, Duy Tiên xảy ra nước sông tung bọt trắng xóa mà tại khu vực cầu Nhật Tựu, Kim Bảng, một năm cũng vài lần người dân nơi đây phải chịu cảnh tương tự khi vận hành bơm nước tưới tiêu phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Chị Phương, cư dân xóm 1 xã Nhật Tựu cho hay, trước đây, người dân Nhật Tựu chỉ cần đặt vó xuống sông là có cá, tôm ăn. Bây giờ, cá không sống nổi cùng sông, may ra chỉ có loại đòng đong hay rô phi có thể tồn tại được nhưng không ai dám bắt để ăn, vì sợ sông ô nhiễm, cá sinh bệnh. “Chúng tôi đã sống ở đây bao nhiêu đời nên dù sông ô nhiễm vẫn phải chấp nhận sống chung với lũ” – chị Phương giãi bày.

Không giấu nổi nỗi lo lắng vì tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ, ông Hồ Văn Hợp, xóm 4 thôn Dương Cương, xã Đại Cương, Kim Bảng (cạnh khu công nghiệp Đồng Văn IV) cho biết, ô nhiễm do nước thải khu công nghiệp Đồng Văn thải ra, cộng với cả nước thải từ Hà Nội đổ về. Nhà ông cách đến 3 cây số mà vẫn còn ngửi thấy mùi hôi thối, tanh nồng từ sông Nhuệ bay vào, nhất là khi trời nồm hoặc nắng nóng, chuyển mùa.

Hiểm họa bệnh tật từ nguồn nước ô nhiễm

Trao đổi với báo giới về hiện tượng trên, GS.TS Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và Công nghệ Môi trường khẳng định, nước sông Nhuệ sủi bọt trắng là do ô nhiễm nghiêm trọng. Chuyên gia phân tích, nước thải nhiều chỗ không được xử lý hoặc chỉ xử lý một phần rồi lại thải ra sông Nhuệ, nước ở sông Nhuệ sau khi mở cống, bọt sủi trắng là từ các chất tẩy rửa tổng hợp, cộng thêm các loại chất khác nữa.

Ngày 12/1/2018, Tổng cục Môi trường đã tổ chức quan trắc đột xuất chất lượng nước sông Châu Giang tại 6 điểm khu vực chợ Lương, xã Yên Bắc, Duy Tiên, Hà Nam. Kết quả quan trắc cho thấy: Chất lượng nước tại 6 điểm có dấu hiệu ô nhiễm bởi các thông số: Oxy hòa tan (DO), nhu cầu oxy hóa học (COD), nhu cầu oxy sinh học (BOD5), Phốt phát (P-PO43-), Amoni (N-NH4+), Nitrit (N-NO2), Mangan (Mn) và E.Coli theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT (cột A2 và B1).

Về vấn đề này, thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết, chất lượng nước sông Nhuệ và sông Châu Giang đều đã bị ô nhiễm hữu cơ và chất dinh dưỡng từ những năm trước (2015 đến nay). Mức độ ô nhiễm có sự biến động qua các năm và thay đổi theo mùa. Vào mùa khô, mức độ ô nhiễm cao hơn mùa mưa khá nhiều. Đặc biệt, kết quả quan trắc trong thời gian cuối năm 2017 và tháng 1/2018 cho thấy, mức độ ô nhiễm sông Châu Giang rất cao. Theo kết quả quan trắc, nước sông Nhuệ và sông Châu Giang đã bị ô nhiễm bởi các thông số: Oxy hòa tan (DO), nhu cầu oxy hóa học (COD), nhu cầu oxy sinh học (BOD5), Phốt phát (P-PO43-), Amoni (N-NH4+), Nitrit (N-NO2), Mangan (Mn) và E.Coli, đặc biệt các chỉ tiêu Amoni, COD vượt hàng chục lần so với nồng độ cho phép trong Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT. Trong đó, chất lượng nước tại sông Nhuệ trước khi chảy vào sông Châu Giang tại điểm Cống Thần quan trắc vào tháng 10 và 11/2017 bị ô nhiễm các thông số COD, Amoni và Fe. Đáng nói là thông số Amoni vượt quy chuẩn cho phép 11,6 lần theo QCVN 08-MT:2015/BTNMT (Cột B2).

Đây quả thực là những thông số đáng giật mình về tình trạng ô nhiễm môi trường nước các dòng sông. Được biết, tại cuộc họp với UBND các tỉnh, TP trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy và các bộ, ngành có liên quan về giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường lưu vực sông Nhuệ vào tháng 1/2018, Thứ trưởng Bộ TN&MT Võ Tuấn Nhân yêu cầu UBND tỉnh Hà Nam, đối với các đoạn sông đang bị ô nhiễm phải tạm thời dừng các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm cho mục đích sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho đến khi chất lượng nước được cải thiện; chỉ đạo rà soát các nguồn xả nước thải trên địa bàn hệ thống sông Nhuệ - sông Đáy, xử lý nghiêm những cụm, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất xả nước thải không đạt quy chuẩn cho phép.

Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị vào ngày đầu tháng 5/2018, tình trạng ô nhiễm chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Người dân những vùng ven sông ô nhiễm vẫn đang phải đối mặt với hiểm họa bệnh tật, từ nguồn nước sinh hoạt đến ATTP, chất lượng không khí mà phải chấp nhận, vì họ kêu mãi… vẫn không thấu.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần