Bão giá và thuế thu nhập cá nhân

Đinh Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến các bộ, ngành để xây dựng báo cáo nghiên cứu đề xuất sửa đổi 6 luật thuế, trong đó có Luật Thuế thu nhập cá nhân.

Công chức thuế quận Ba Đình, TP Hà Nội tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế
Công chức thuế quận Ba Đình, TP Hà Nội tiếp nhận hồ sơ của người nộp thuế

Trong bối cảnh, thu nhập người dân bị ảnh hưởng do những diễn biến phức tạp của Covid-19 trong khi mặt bằng giá cả tăng, nguy cơ lạm phát chực chờ do giá nhiên liệu thế giới đi lên và các căng thẳng quốc tế thì việc điều chỉnh, sửa đổi Luật thuế này đang được nhiều người lao động quan tâm.

Theo Nghị quyết số 54/2020/UBTVQH14 Ủy ban Thường vụ Quốc hội về điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2020. Việc điều chỉnh nâng mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế từ 9 triệu đồng lên 11 triệu đồng/tháng và cho mỗi người phụ thuộc từ 3,6 triệu đồng lên 4,4 triệu đồng/tháng đã góp phần giảm bớt nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, số thuế phải nộp sẽ được giảm cho mọi đối tượng đang nộp thuế TNCN từ tiền lương, tiền công. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức thuế suất ở các bậc thuế tính thuế TNCN và mức giảm trừ gia cảnh này vẫn chưa phù hợp với mặt bằng giá cả nhiều năm nay.

Phía Bộ Tài chính cho rằng, với mức này, người có thu nhập từ tiền lương, tiền công 17 triệu đồng/tháng (nếu có 1 người phụ thuộc) hay 22 triệu đồng/tháng (nếu có 2 người phụ thuộc) cũng chưa phải nộp thuế TNCN. Trường hợp cá nhân có thu nhập lớn hơn các mức nêu trên (17 triệu đồng/tháng, 22 triệu đồng/tháng) thì số thuế phải nộp cũng rất nhỏ so với thu nhập của cá nhân.

Song, thực tế cuộc sống cho thấy, trong bối cảnh thu nhập người dân bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19, mặt bằng giá cả lại leo thang do những bất ổn quốc tế hiện nay, cách tính thuế TNCN này đã rất lạc hậu so với các nhu cầu chi tiêu của người lao động thành thị.

Thông tin từ Bộ Tài chính cũng thừa nhận, trong tháng 2 và tháng 3, hàng loạt yếu tố sẽ gây áp lực lên mặt bằng giá cả. Giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư chiến lược vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới và nhu cầu đầu tư, tiêu dùng trong nước khi kinh tế phục hồi như xăng dầu, gas vật liệu xây dựng, phân bón, thức ăn chăn nuôi, dịch vụ du lịch… Giá thịt lợn có thể tăng nếu nguồn cung tái đàn không đảm bảo tương ứng với nhu cầu và dịch tả lợn Châu Phi vẫn diễn biến phức tạp…

Điều này cho thấy, nguy cơ lạm phát bắt đầu len lỏi trong đời sống người dân và nền kinh tế. Nếu thuế phí không hỗ trợ người lao động thì cuộc sống của họ giữa đại dịch sẽ lại càng thêm nặng gánh. Và câu chuyện sửa một Luật Thuế quan trọng như thuế TNCN để “khoan sức dân” là cần thiết. Tuy nhiên, sửa thế nào để Luật không sớm lạc hậu so với thực tế là câu chuyện cũng cần bàn đến.

Hiện tại, biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành cũng được đánh giá là không hợp lý dẫn đến nhiều vướng mắc như: Quá nhiều bậc, giãn cách giữa các bậc thấp quá hẹp dễ dẫn đến nhảy bậc thuế khi tổng hợp thu nhập vào cuối năm làm tăng số thuế phải nộp, tăng số lượng phải quyết toán thuế. Về vấn đề này, Bộ Tài chính đã tiếp tục và cho biết, sẽ tiếp tục nghiên cứu để có điều chỉnh phù hợp khi sửa Luật thuế TNCN.

Phía các chuyên gia cho rằng, trong đợt sửa đổi lần này, Bộ Tài chính cần thay đổi cách tính mức GTGT, cân nhắc có nên đưa ra con số tuyệt đối không hay quy định điều chỉnh mức chịu thuế theo tỷ giá tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Hoặc Ban soạn thảo cũng có thể chọn phương án thuế GTGT theo mức lương tối thiểu vùng, tính đến các yếu tố phù hợp với thu nhập và mức chi tiêu của từng địa bàn như nông thôn, thành thị…