Bão số 10 ít có khả năng tan trên biển, sẽ gây mưa tại tâm lũ miền Trung

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bão số 10 được nhận định sẽ giảm cấp khi vào đất liền, tuy nhiên, sẽ tiếp tục gây mưa kéo dài nhiều ngày tại các tỉnh miền Trung, nơi vừa hứng chịu hậu quả nặng nề từ bão số 9.

 Đường đi sáng nay của bão số 10
Bão số 10 sẽ mạnh cấp 7 - 8
Thông tin tại cuộc họp ứng phó bão số 10 (bão Goni) vào sáng 2/11, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia Mai Văn Khiêm cho biết, vào lúc 10 giờ, bão số 10 có cường độ mạnh cấp 8 và ít di chuyển. Trong 30 tiếng qua, siêu bão Goni đã giảm đến 9 cấp, kể từ thời điểm mạnh nhất khi đổ bộ Philippines.
Theo ông Mai Văn Khiêm, với cấp bão như hiện nay thì bão số 10 được đánh giá là khá yếu. Nhưng vì là bão yếu nên công tác dự báo cũng khó hơn. Sở dĩ vậy là bởi cường độ và hướng đi của bão sẽ phụ thuộc rất nhiều vào tác động của các yếu tố bên ngoài. 
Trong 2 - 3 ngày tới, không khí lạnh sẽ khiến bão mạnh lên thêm 1 cấp, nhưng sau đó khi đi sâu vào biển Đông thì lại giảm cấp. Tuy nhiên, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia nhận định bão số 10 khó có khả năng tan trên biển.
Do ảnh hưởng của bão số 10, gió trên biển rất mạnh, cấp 8 - 9, vùng tâm cấp 10, sóng 5 - 7m. Dự báo khi đổ bộ đất liền các tỉnh miền Trung, bão số 10 sẽ mạnh cấp 7 - 8. 
Chiều tối 4/11, mưa sẽ bắt đầu xảy ra và tiếp tục ảnh hưởng đến các tỉnh khu vực miền Trung, Tây Nguyên, những nơi vừa chịu ảnh hưởng bão số 9. Đợt mưa dự kiến sẽ kéo dài cho đến ngày 7/11. Lũ trên các sông Quảng Nam - Quảng Ngãi trong thời gian này có thể lên đến báo động 3. 

Khó có thể nói trước sạt lở sẽ xảy ra ở đâu

Theo Thứ trưởng Bộ TN&MT Lê Công Thành, thời gian qua, sạt lở đất diễn biến phức tạp tại các tỉnh miền Trung. Thực tế, tại nhiều quốc gia có địa hình tương tự khu vực miền Trung như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)… cũng không tránh được sạt lở đất. Và mưa tập trung kéo dài được xem là nguyên nhân hàng đầu khiến sạt lở đất xảy ra gây thiệt hại nghiêm trọng.

Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, muốn cảnh báo được sạt lở đất thì phải làm hết sức công phu, bài bản. “Cái gì dễ nhìn thấy thì dễ phòng tránh. Sạt lở đất liên quan đến yếu tố địa chất, địa hình, địa mạo nên khó đoán định hơn...” – ông Lê Công Thành nói về khó khăn.

Cũng chính vì vậy, khi đánh giá địa hình, địa mạo, có thể xây dựng được bản đồ nguy cơ sạt lở đất; xác định được địa phương có yếu tốt đứt gãy gây sạt lở đất. Tuy nhiên “khi có mưa lũ, xảy ra sạt lở đất ở đâu thì khó có thể nói trước” – Thứ trưởng Bộ TN&MT cho hay.

Ông Lê Công Thành dẫn chứng một trong những quốc gia có công nghệ phòng chống sạt lở đất cao như Nhật Bản, nhưng trong năm 2017 cũng đã xảy ra sạt lở đất kinh hoàng, nằm ngoài mọi tính toán. Nói vậy để thấy, để có thể dự báo được sạt lở đất, sẽ còn rất nhiều việc cần làm.

Liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Bộ TN&MT, ông Lê Công Thành cho biết, hiện nay các tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ đến Quảng Nam - Quảng Ngãi đã có bản đồ cảnh báo nguy cơ sạt lở đất. Tuy nhiên, bản đồ thực hiện trên diện rộng, chưa đánh giá được các yếu tố có khả năng gây sạt lở khác, trong đó có yếu tốt đặc biệt quan trọng là lượng mưa.

“Kinh nghiệm các quốc gia trong phòng chống sạt lở đất là lắp trạm cảnh báo. Tuy nhiên, chúng ta không thể lắp trạm tại toàn bộ khu vực miền núi. Hiện nay, dựa trên bản đồ nguy cơ, Bộ TN&MT đang chỉ đạo các đơn vị chuyên môn bám sát diễn biến thiên tai để tổ chức cảnh báo sớm, cố gắng hạn chế thấp nhất thiệt hại do loại hình thiên tai này” - Thứ trưởng Bộ TN&MT cho biết thêm.