Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá: Không chỉ là câu chuyện nghề…

PGS.TS Nguyễn Văn Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 15/5 tới, nhằm đúng dịp kỷ niệm 125 năm cụ Nguyễn Đình Khánh mở hiệu ảnh Khánh Ký - niên đại được dân làng coi là năm khai sinh làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, người làng sẽ khai trương Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội).

Đây là loại bảo tàng đầu tiên của cộng đồng một thôn/làng nhằm bảo tồn và giới thiệu di sản truyền thống của mình, cũng là bảo tàng đầu tiên về một làng nghề ở Hà Nội. 

PGS.TS Nguyễn Văn Huy lựa chọn những tư liệu chuẩn bị cho ngày khai trương Bảo tàng nhiếp ảnh Lai Xá (ảnh do tác giả cung cấp)

Những người làm bảo tàng cố gắng tập trung kể câu chuyện về nghề ảnh ở Lai Xá với mong muốn trả lời nhiều câu hỏi như làm thế nào ông tổ nghề ảnh của làng và những học trò của ông có thể làm cho làng trở thành một làng nghề, dân làng có kiếm sống được bằng nghề ảnh? Họ đã xây dựng thương hiệu ảnh của mình như thế nào? Những người Lai Xá đã đóng góp như thế nào vào sự phát triển văn hóa ảnh ở nước ta?
Tòa nhà Bảo tàng dự kiến xây 3 tầng, nhưng ở giai đoạn hiện nay, do hạn hẹp về kinh phí nên mới chỉ hoàn thành được 2 tầng, khoảng gần 300m2. Trưng bày chính ở 2 tầng này có kết cấu mở đầu và 6 chủ đề nội dung chính. Tầng 1 tái hiện biểu tượng một phòng chụp ảnh theo phong cách xưa. Khách tham quan có thể thấy ở đây một chiếc máy ảnh cổ, hộp gỗ trên một chiếc giá 3 chân, tường phía trước ống kính máy ảnh là phông vẽ cảnh quan tùy sở thích của khách mà lựa chọn cảnh để chụp. Khách tham quan cũng có thể chiêm ngưỡng những bức ảnh đẹp của người Lai Xá yêu thích ảnh hiện nay treo trên tường dọc theo cầu thang lên tầng 2. Thành viên của Câu lạc bộ Nhiếp ảnh Lai Xá thường xuyên thay đổi các bức ảnh nghệ thuật (khoảng 20 - 30 bức) của mình ở không gian này, tạo không khí mới cho khách tham quan.
Toàn bộ trưng bày chính của Bảo tàng được thể hiện trên tầng 2. Ở đây chia thành nhiều không gian nhỏ, mỗi không gian một chủ đề riêng. Không gian “Tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá” giới thiệu về cuộc đời cụ Nguyễn Đình Khánh với dấu mốc đặc biệt mở hiệu ảnh có tên Khánh Ký đầu tiên vào năm 1892 ở phố Hàng Da, Hà Nội. Ngoài ảnh do cụ Khánh chụp, ống kính từng được cụ Khánh sử dụng, tương lai ở đây sẽ có bộ tai nghe để khách nghe những câu chuyện về ông tổ nghề. Đặc biệt còn có một panô lớn bằng sơ đồ kể về việc ông tổ nghề cùng các học trò của mình đã gây dựng nên mạng lưới những người Lai Xá làm nghề ảnh. Người ta có thể thấy trên sơ đồ này các mối quan hệ thân tộc, thích tộc có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành mạng lưới này.
Không gian về các hiệu ảnh xưa chứa đựng nhiều tư liệu về một số hiệu ảnh nổi tiếng của người Lai Xá suốt 5 thập niên của thế kỷ XX cho đến năm 1975: Phúc Lai ảnh viện do cụ Nguyễn Văn Đính mở từ 1924 - 1925; Central Photo trong chuỗi Phúc Lai ảnh viện, Luminor photo của cụ Nguyễn Văn Chành, Minh Tân của cụ Nguyễn Văn Bối… Cũng trong không gian này, du khách có thể tìm hiểu về nhiếp ảnh của người Lai Xá ở miền Bắc Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Đó là những HTX nhiếp ảnh, nơi những người chủ và người thợ ảnh ở các cửa hiệu được tập hợp lại để làm ăn tập thể. Rồi cả một phác thảo về nghề ảnh Lai Xá thời hội nhập…
Bên cạnh đó là không gian dành cho du khách khám phá “bếp núc” của nghề ảnh, đặc biệt nghề ảnh thời chiến tranh. Chắc chắn khách tham quan sẽ bất ngờ khi bước vào căn phòng rất hẹp lại dùng ánh sáng đỏ của buồng tối tráng phim, rửa ảnh khi xưa. Chính từ đây, người ta sẽ hiểu những thiếu thốn, gian nan mà người Lai Xá đã vượt qua để giữ được nghề, vẫn tạo ra được những bức ảnh gây xúc động lòng người. Rồi không gian giới thiệu một số sản phẩm ảnh của các bậc tiền bối được kể theo một số chuyên đề về ảnh (chân dung, nghệ thuật ảnh sáng, ảnh ghép, ảnh tô màu bằng tay); Cuối cùng là không gian nói về nghề ảnh với người Lai Xá hiện nay. Mặc dù rất khó khăn trong việc thích ứng với thời đại kỹ thuật số, người Lai Xá vẫn kiên trì nghề ảnh của cha ông. Và khi xuống cầu thang ra về, du khách lại một lần nữa chiêm ngưỡng những tác phẩm ảnh nghệ thuật của người Lai Xá treo dọc cầu thang với một cảm nhận khác lúc ban đầu...
Toàn bộ trưng bày của Bảo tàng sử dụng khoảng 140 - 150 tấm ảnh, 25 panô bài viết dẫn dắt trưng bày và khoảng 100 - 150 hiện vật. Dân làng Lai Xá mong muốn Bảo tàng này cùng Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, Gallery ảnh Nguyễn Anh Tuấn và những thế mạnh về di sản văn hóa truyền thống của làng sẽ trở thành điểm du lịch mới của Hà Nội.