Bảo tồn di sản đô thị Hà Nội: Hé lộ nhiều dấu tích lịch sử

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau nhiều lần trùng tu, tôn tạo các căn nhà cổ, tuyến phố cũ, phố cổ Hà Nội vẫn giữ nguyên được nét cổ kính, mộc mạc. Quá trình sửa chữa, các kiến trúc sư đã phát hiện nhiều bí ẩn bên trong từng viên gạch, từng lớp sơn cửa sổ, mang trong mình dấu ấn lịch sử của mảnh đất ngàn năm văn hiến. Thông tin về bảo tồn phố cổ Hà Nội đã được các chuyên gia chia sẻ trong hội thảo Bảo tồn di sản chiều 21/3.

Hội quán Phúc Kiến (40 Lãn Ông) sau khi được tu bổ. 
Đằng sau dấu vết thời gian

Trong cuộc hội thảo về Bảo tồn di sản đô thị do Dulux Profesional phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam tổ chức ngày 21/3, các chuyên gia về bảo tồn di sản đô thị đã đặt nhiều câu hỏi về phương pháp bảo tồn di sản kiến trúc đô thị, nhiều quan điểm trái triều về việc khôi phục hay tái tạo những công trình cổ được đưa ra. Ở Việt Nam, từ lâu việc trùng tu, tôn tạo di sản kiến trúc đô thị đã được quan tâm. Một số công trình lớn và tuyến phố cũng đã được tiến hành sửa chữa như dự án tu bổ Hội quán Phúc Kiến, cải tạo Trường Tiểu học Hồng Hà (số 40 phố Lãn Ông). Hai công trình trên được trùng tu, tôn tạo từ năm 2014 và hoàn thiện trong năm 2015. Sau khi tôn tạo, hai công trình trên đều giữ được gần như nguyên vẹn những kiến trúc cổ, có sự tách biệt rõ giữa nơi thờ tự và trường học, đồng thời tạo sự thoải mái cho người sử dụng.

Tuy nhiên, những câu chuyện bên lề về việc trùng tu, sửa chữa các công trình kiến trúc cổ lại ít khi được bật mí. Tại cuộc hội thảo ngày 21/3, KTS Nguyễn Hoàng Phương – Trưởng phòng Kế hoạch kiến trúc, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã hé lộ nhiều chi tiết khiến nhiều người bất ngờ. “Trong quá trình thi công, chúng tôi tiến hành nhiều biện pháp khảo cổ học đô thị. Nhờ đó, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều chi tiết đặc biệt, mang dấu vết lịch sử” – KTS Nguyễn Hoàng Phương chia sẻ.

Theo lời kể của KTS Nguyễn Hoàng Phương, sau năm 1954, tại các đình chùa, đa phần các khung cửa sổ đều được sơn xanh. Tuy nhiên, khi những người thợ bóc tách 2 - 3 lớp sơn trên cửa sổ thì bên trong là một lớp sơn son thiếp vàng rất đẹp. Còn những bức tường được sửa chữa, trong quá trình bóc dỡ, phân tích, các kiến trúc sư đã phát hiện, tường không chỉ được xây bằng gạch, xi măng như hiện nay mà có nhiều lớp; trong cùng là gạch, ngoài là hỗn hợp vôi với giấy mật, tiếp theo là một lớp màu hồng (đến nay vẫn chưa biết là gì) và ngoài cùng là lớp mới nhất, hình dung như miếng dán tường có kẻ hoa văn hình vân gạch. Những bí ẩn ấy, không chỉ thể hiện lịch sử lâu đời của các kiến trúc đô thị cổ tại Hà Nội mà còn là vấn đề đặt ra cho các nhà nghiên cứu lịch sử đô thị ở Việt Nam.

Tránh “bảo tàng hóa” bảo tồn di sản đô thị

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, một số kiến trúc sư cho biết, trong khi thực hiện trùng tu, tôn tạo các di sản đô thị, họ là những người chủ trì nhưng chưa có những chuyên gia ngành khảo cổ học công trình, khảo cổ học đô thị. Ở Viện Khảo cổ học Việt Nam có một phòng “Khảo cổ học đô thị” nhưng chưa phát huy được trách nhiệm trong việc bảo tồn di sản đô thị, đặc biệt tại phố cổ.

Ở góc độ chính sách, KTS Nguyễn Hoàng Phương cho biết: “Trong phố cổ chưa có quy hoạch bảo tồn, rộng hơn là trong Luật Di sản chưa có khái niệm về Bảo tồn Di sản đô thị, chỉ có di tích, cụm di tích. Các nhà khoa học Việt Nam đều nói đến di sản đô thị nhưng quy định, trong luật chưa có”. Bên cạnh đó, các kiến trúc sư cũng nhấn mạnh, bảo tồn kiến trúc đô thị không có nghĩa là “bảo tàng hóa”, yêu cầu kiến trúc bề mặt của khu phố giữ nguyên trước dòng chảy cuộc sống. 

Bà Pamela Phua, Tổng Giám đốc của AkzoNobel Việt Nam chia sẻ: “Di sản là tài sản quý giá của mọi quốc gia; không chỉ là biểu tượng lịch sử và văn hóa của đất nước mà còn góp phần thu hút khách du lịch, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế địa phương. Bằng cách bảo vệ những công trình mang tính biểu tượng, chúng ta có thể kế thừa và tiếp tục lưu truyền văn hóa của đất nước cho thế hệ tương lai cũng như tạo ra một động lực lớn cho sự phát triển của du lịch và nền kinh tế. Là một công ty sơn và chất phủ hàng đầu thế giới, AkzoNobel phát huy khả năng và tận dụng các sản phẩm của mình để bảo vệ, phục hồi và tái tạo màu sắc cho các di sản. Nhờ vào sự kết hợp với các cơ quan, chính quyền địa phương cũng như nhiều tổ chức quốc tế, AkzoNobel cam kết sẽ luôn hỗ trợ hết mình trong hành trình phục hồi di sản văn hóa tại Việt Nam. Sản phẩm của AkzoNobel đã từng bảo vệ cho nhiều công trình kiến trúc nổi tiếng thế giới như Bảo tang Rijks (Hà Lan), Bảo tàng Van Gogh (Hà Lan), Burkill Hall – Vườn bách thảo (Singapore), Malacca (Malaysia)…"

Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Venice Luigi Croce (Ý) chia sẻ: “Bảo tồn di sản không chỉ làm lịch sử sống mãi mà còn góp phần xây dựng kinh tế địa phương và toạn nên bản sắc dân tộc. Tại Ý, chúng tôi đã đạt được những thành công trong việc bảo tồn các biểu tượng kiến trúc lịch sử thông qua việc điều chỉnh các công trình kiến trúc ấy cho phù hợp với nhu cầu của cuộc sống hiện đại”.