Bảo tồn di sản Hà Nội: Làm sao để tránh xung đột?

Minh An - Hà Vi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội sở hữu số lượng di tích lịch sử, di tích quốc gia đứng đầu cả nước, đó vừa là thế mạnh, cũng là áp lực không nhỏ của TP trong công tác quản lý, bảo tồn.

Để những di sản ấy góp phần phát triển Thủ đô, giới thiệu đến bạn bè quốc tế về điểm đến hòa bình, TP cần giải quyết bài toán giữa bảo tồn và phát triển để tránh xung đột.
Di sản hái ra tiền
Hiện nay, Hà Nội có 5.922 di tích - đứng đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử, văn hóa. Trong đó, Hà Nội đang sở hữu 1 di tích lịch sử văn hóa thế giới, 13 di tích quốc gia đặc biệt, hơn 1.180 di tích được Bộ VHTT&DL xếp hạng quốc gia, hơn 1.200 di tích cấp TP.
Nhận thức rõ giá trị của di sản văn hóa tại Thủ đô, thời gian qua, Hà Nội đã chú trọng công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng di sản văn hóa quốc gia: Thủ đô Hà Nội là mảnh đất nghìn năm văn hiến, nơi tụ hội văn hóa của cả nước, từ đó kết tinh và lan tỏa. Đặc biệt sau mở rộng địa lý hành chính đã khiến số lượng di sản văn hóa Hà Nội lớn nhất cả nước.
 Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Minh An
Trước thực tế đó, các cấp lãnh đạo cũng đã hiểu được vị thế, vai trò của di sản văn hóa đối với sự phát triển của Thủ đô. Đền Ngọc Sơn, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Tứ trấn Thăng Long, đền Gióng... đã được tu bổ tương đối hoàn chỉnh. Khu Khải Thánh (tại Văn Miếu) trước đây còn bị bỏ hoang phế đã được TP xây dựng lại khu Thái học. Nhờ đó, năm 2018, Văn Miếu - Quốc Tử Giám một năm thu về 47 tỷ đồng tiền bán vé, với con số này có thể dự đoán không lâu nữa Văn Miếu sẽ tự chủ được về kinh phí cho việc bảo tồn.
Hay Đền Ngọn Sơn cũng thu được gần 20 tỷ đồng/năm, nhà tù Hỏa Lò thu được hơn 10 tỷ đồng/năm. Những con số này đã thấy được bước tiến lớn, nhất là về mặt nhận thức, các di sản văn hóa không chỉ giữ được quá khứ mà còn khiến các di sản ấy trở thành động lực phát triển kinh tế”.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh tế - xã hội phát triển như hiện nay, công tác trùng tu, tu bổ cần phù hợp với thực tế. Trong lý thuyết về di sản đã nói rất rõ về khái niệm TP di sản: Một TP còn giữ tương đối nguyên vẹn cấu trúc của TP qua các giai đoạn, dấu ấn của các quá trình phát triển. Do đó, việc bảo tồn và xây mới cần được hài hòa, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
Bảo tồn hay xây mới
Trong nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm, khi bàn về việc trùng tu, bảo tồn di tích, các nhà văn hóa, nghiên cứu lịch sử, khảo cổ học đều nhấn mạnh vai trò của văn hóa, di tích lịch sử. Tuy nhiên, những người làm công tác xây dựng, phát triển đô thị như giao thông, công viên... đều đưa ra những lập luận xác đáng và cần thiết.
Do vậy, giữa quan điểm bảo tồn và phát triển luôn gặp phải sự va chạm, cái khó là tìm ra phương pháp dung hòa giữa bảo tồn, phát triển. Câu chuyện về cầu Long Biên, Đàn Xã Tắc, Đường Lâm hay 18 Hoàng Diệu là minh chứng rõ nét nhất cho vấn đề này. Đối với trường hợp của cầu Long Biên, trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến yêu cầu phải khôi phục cây cầu với tất cả những chi tiết, kết cấu, vị trí như vốn có.
Có thể nói đó là mong muốn bất khả thi nhưng mỗi lần thảo luận ý kiến này lại được nhiều người đồng tình. Còn ý kiến đề xuất kết hợp bảo tồn một phần; chỉnh sửa, làm mới lại cây cầu để phát huy vai trò, công năng kinh tế, kỹ thuật, mặc dù khả thi, tính hợp lý cao hơn nhưng lại ít được đồng tình. Rốt cuộc, hơn 10 năm bàn bạc, thảo luận, đến nay vẫn chưa đi tới sự thống nhất về phương án bảo tồn cây cầu Long Biên.
Còn với, di tích 18 Hoàng Diệu được các nhà khảo cổ học phát lộ, sau khi cân nhắc nhiều mặt, chúng ta đã lựa chọn phương án kết hợp giữa bảo tồn và phát triển. Đưa ra khỏi khu vực di tích dự án Trung tâm Hội nghị quốc gia, chỉ giữ lại dự án xây dựng Nhà Quốc hội. Đồng thời, chọn lọc bảo tồn tại chỗ những vị trí có giá trị nổi bật của khu di sản. Về tổng thể, đó là giải pháp mang tính chia sẻ, kết hợp, nhân nhượng lẫn nhau, giữa một bên là bảo tồn, một bên là phát triển.
Theo TS Trương Minh Tiến - nguyên Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội: “Bảo tồn các giá trị của di tích lịch sử không có nghĩa là giữ khư khư. Bảo tồn là giữ nguyên tối đa những giá trị gốc, ví dụ như khi một chiếc cột đình bị tiêu tâm, chúng ta có thể giữ lại vỏ bên ngoài, áp dụng các phương pháp kỷ thuật mới để tu bổ, đảm bảo tính chịu lực.
Như vậy có nghĩa, chúng ta vẫn đưa cái mới vào nhưng không làm hư hại giá trị gốc của di tích, không làm mất đi cái cũ. Hay như ở các khu vực dân sinh, giữa nhu cầu sử dụng và bảo tồn di sản luôn xảy ra mâu thuẫn, TP Hà Nội đã có chính sách cải tạo mặt phố như Tạ Hiện, Lãn Ông để giữ lại giá trị kiến trúc.
Tuy nhiên, bên trong mỗi ngôi nhà, con ngõ còn bao nhiêu hộ gia đình, người dân và con số ngày càng tăng, chúng ta cần có chính sách vận động người dân di dân hoặc cho phép họ cải tạo để sống. Do vậy, giải quyết bài toán giữa bảo tồn, phát triển cần hài hòa và có sự chia sẻ".
Gạn lọc tinh hoa
Trước bài toàn về bảo tồn, phát huy giá trị di sản và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô, nhiều chuyên gia đã cho rằng phải hài hòa giữa bảo tồn và phát triển. TP Hà Nội cần xác định rõ những di tích mang tính biểu tượng, cần được ưu tiên bảo tồn, không thể bỏ đi được để tập trung bảo vệ, trùng tu như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long.
Bên cạnh đó, chúng ta không nên quá tiếc cái cũ. Làng cổ Đường Lâm có hàng trăm ngôi nhà, chúng ta cũng nên tìm những ngôi nhà có tính tiêu biểu, hiếm có để gìn giữ, phát huy chứ không thể cấm toàn bộ người dân trong làng không được sửa chữa nhà cửa trong khi số lượng người dân, nhu cầu sinh hoạt ngày càng tăng. Do vậy, đối với từng di tích, chúng ta cần căn cứ từng trường hợp cụ thể. Nguyên lý chung là kết hợp hài hòa giữa bảo tồn và phát triển.

"Hà Nội cần xây dựng quy hoạch tổng thể bảo tồn gắn với phát triển, gắn với một “TP sáng tạo” dựa trên văn hóa truyền thống, nội lực của Thủ đô gắn liền với tinh hoa, công nghệ mới.

Tôi cũng đưa ra một số ý tưởng góp phần bảo tồn di sản văn hóa như sau: Số hóa tư liệu hóa di sản không chỉ để lưu trữ mà chính là một hình thức bảo tồn. Đặc biệt cần thay đổi quan điểm đầu tư về di sản, suy nghĩ đến yếu tố kinh tế trong di sản văn hóa. Coi các di tích là tài sản về vật chất và tinh thần ông cha ta để lại và là tài nguyên du lịch hấp dẫn. Cũng đã đến lúc Hà Nội cần suy nghĩ xây cái gì để sau này trở thành di sản. " - PGS.TS Đặng Văn Bài

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần