Bảo tồn di sản Hoàng Thành Thăng Long: Cần phương án hiệu quả hơn

Lại Tấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới từ năm 2010. Bên cạnh những di tích còn hiện hữu trên mặt đất thì nhiều dấu tích kiến trúc xuất lộ sau khai quật khảo cổ đang được bảo tồn tại chỗ. Hiện nay, dưới sự tác động của thời gian, khí hậu, nhiều di tích, di sản đang xuống cấp, cần giải pháp để bảo tồn.

 Cổng Đoan Môn, Khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Ảnh: Phạm Hùng

Ngày 6/9, Trung tâm Bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội tổ chức tọa đàm khoa học quốc tế chia sẻ kết quả nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội.
Lo ngại tình trạng xuống cấp nghiêm trọng

Từ năm 2011- 2017, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Viện Khảo cổ học đã thực hiện khuyến nghị của UNESCO, chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, Bộ VHTT&DL tiến hành khai quật hơn 5.400m2. Qua đó chứng minh, Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tồn tại tầng văn hóa có nhiều lớp nối tiếp nhau liên tục qua hàng nghìn năm lịch sử thuộc các thời kỳ tiền Thăng Long – Thăng Long – Hà Nội tương tự như ở khu di tích 18 Hoàng Diệu.
Việc bảo quản hiện vật gỗ ngập nước WW (Waterlogged Wood) bằng cách sử dụng PEG (Plyethylene glycol) có thể duy trì cấu trúc, hình dạng ban đầu của các hiện vật bằng gỗ. Mặc dù vẫn còn một số bước nữa trong việc phát triển phương pháp này nhưng có những tính chất độc đáo, có thể áp dụng thực tế để bảo tồn di vật gỗ ngập nước ở Việt Nam.
TS Nguyễn Đức Thành – Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam
Theo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, từ những nghiên cứu ban đầu về mặt bằng và quy mô kiến trúc, giá trị lịch sử, khu Khảo cổ học 18 Hoàng Diệu được quyết định bảo tồn tại chỗ (làm mái che bằng tấm lợp nhựa xanh, máng thoát nước, phủ bạt, phun nước tạo độ ẩm cho di tích) và giữ nguyên trạng, trưng bày ngoài trời phục vụ khách tham quan. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia lịch sử, khảo cổ và địa chất, những phương pháp bảo tồn trên chỉ mang tính chất tạm thời, chưa có biện pháp bảo quản lâu dài và mang tính bền vững. Bên cạnh đó, các biện pháp tiêu thoát nước hay bảo quản chống rêu mốc, muối hóa bằng phương pháp thủ công tại di tích đã đưa đến những tác động không mong muốn.

Đánh giá các di tích khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu cho thấy sự tác động của môi trường, khí hậu, đặc biệt sự biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp. Hệ thống mái che bằng tôn nhựa, vách tường bảo vệ di tích, hệ thống tiêu thoát nước hiện nay chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn cho di tích đang xuống cấp nghiêm trọng.

Mong sự hỗ trợ của quốc tế

Bàn về biện pháp hạn chế sự xuống cấp của di tích, Trưởng đại diện phái đoàn vùng Wallonie Bruxelles – Vương quốc Bỉ Anne Lange cho biết: “Việc bảo tồn di sản khảo cổ rất quan trọng như Hoàng thành Thăng Long không thể bỏ qua những yếu tố như môi trường. Do vậy, cần lắp đặt máy đo về thổ nhưỡng, khí hậu. Những khảo sát, nghiên cứu cần có sự phối hợp ngay tại chỗ của nhiều đối tác, ngành nghề khác nhau. Khảo sát giúp chúng ta hiểu rõ hơn về sự vận hành của di tích, xác định yếu tố gây hại từ đó đưa ra biện pháp bảo vệ chặt chẽ hơn”.

Đồng quan điểm với ý kiến trên, TS Nguyễn Văn Sơn – nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho rằng, các nghiên cứu chỉ rõ, sự tác động của các yếu tố vật lý, hóa học, cùng với việc các hiện vật bị phơi như hiện nay khiến những hiện vật bền vững như gạch, gốm cũng bị ảnh hưởng. Ở di tích Hoàng Thành Thăng Long, cách thức bảo quản như hiện nay không ngăn cản được quá trình phá hủy di tích. "Chúng ta nên đặt các thiết bị quan trắc hiện đại để theo dõi tác động của ánh sáng, nhiệt độ đến tất cả di tích, hiện vật. Theo tôi, cần thực hiện ngay những cuộc khảo sát, nghiên cứu có sự phối hợp của nhiều ngành để hiểu rõ những yếu tố tác động lên di tích, đưa ra phương pháp bảo vệ hiệu quả hơn" - TS Nguyễn Văn Sơn đề xuất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần