Con số đó không phải là quá lớn nhưng cũng là lãng phí khi nguồn lợi từ di sản gần như không đáng là bao, người dân phải phá nhà cổ, khóc ròng vì sống khổ sở.
10% số hộ có thu nhập từ du lịchTừ 2005 đến nay, thị xã Sơn Tây và UBND TP Hà Nội đầu tư trên 369 tỷ đồng cho Đường Lâm để giúp nơi đây hoàn thành xã chuẩn nông thôn mới, trong đó đầu tư cho giáo dục là 78 tỷ đồng, các công trình hạ tầng giao thông 75 tỷ đồng, ngoài ra là xây dựng nhà văn hóa, bảo tồn nhà cổ, di tích… Bên cạnh đó, địa phương kêu gọi được 35 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa giúp cải thiện cơ sở hạ tầng của Đường Lâm. Ngót nghét 400 tỷ đồng của người dân và Nhà nước giúp Đường Lâm khởi sắc, nhưng về làng cổ lúc nào cũng nghe tiếng kêu cứu khẩn thiết của người dân.
|
Đường Lâm sở hữu nhiều di sản quý giá nhưng rất vắng khách vì dịch vụ du lịch còn nghèo nàn. Ảnh: Hồ Hạ |
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam, thành viên Hội đồng Di sản cấp quốc gia: Cách đầu tư bảo tồn làng cổ Đường Lâm đang rất lãng phí, bởi di sản không chỉ mang giá trị tinh thần mà còn là cỗ máy kiếm tiền cho chính quyền và người dân. Theo thông tin từ ông Nguyễn Huy Khánh – Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây: Trung bình mỗi năm Đường Lâm đón hơn 17.000 khách tham quan, nhưng đến nay mới có 10% số hộ có thu nhập từ du lịch. Như vậy, với gần 15.000 người sinh sống trong khu vực khoanh vùng bảo vệ 800ha, chỉ có 10% dân số có thu nhập từ du lịch. Nghĩa là còn khoảng 13,5 nghìn người dân còn lại chưa được hưởng lợi từ du lịch làng cổ, nhưng lại phải sống cảnh muốn xây cái cổng, sửa cái nóc nhà cũng phải xin cấp phép xây dựng. Với những người sở hữu ngôi nhà cổ thì là cả một cực hình. Nhiều gia đình như ông Cao Văn Chiến (thôn Cam Thịnh) chấp nhận vi phạm Luật Di sản, phá nhà cổ để hy vọng dựng lại nóc nhà khi nóng - nắng không rọi đầu, khi mưa nền nhà hết thành ao.
Tiền công bốc vác hơn làm du lịchNăm 2013, để giảm nhiệt cơn bức xúc viết đơn đòi trả lại bằng công nhận di sản cấp quốc gia của người dân, những người đứng đầu chính quyền TP Hà Nội đã mời chuyên gia, lên kế hoạch đầu tư kinh phí giữ gìn, bảo tồn di sản Đường Lâm. Nhà nước không tiếc tiền để cứu di sản sống độc đáo của Hà Nội. Tuy nhiên, 5 năm qua, tiền đầu tư vẫn chưa đúng và trúng, nên những bức xúc vẫn còn nguyên. “Nhà nước mới quan tâm đầu tư các thiết chế văn hóa, còn hạ tầng phát triển du lịch thì rất yếu và kém. Đường Lâm đã có vốn văn hóa, nhưng di sản văn hóa không thể tự thành sản phẩm du lịch mà phải cộng với dịch vụ” – PGS.TS Đặng Văn Bài đánh giá.
Tại ngôi nhà cổ hơn 100 tuổi, người đón du khách đến thăm là một cụ già 94 tuổi, thính lực đã giảm nhiều. Con cụ là anh Phan Văn Tư đáng lý phải giữ vai trò hướng dẫn viên tại chính ngôi nhà của mình đã rời bỏ vị trí vì số tiền 250.000 đồng hỗ trợ của chính quyền cho một người làm du lịch không đủ sống. “một ngày đi lao động bốc vác tôi được 250.000 đồng hoặc hơn, tội gì tôi nhà ở một tháng để lấy 250.000 đồng của Nhà nước” – anh Tư bày tỏ. Chính vì cách làm du lịch manh mún, nên trong khi các địa điểm vui chơi khác của Hà Nội nghẹt thở vì đông khách, thì Đường Lâm chỉ đón vài ba cặp đôi sắp cưới về chụp ảnh, một vài người khách trong nước cũng như nước ngoài đến cũng lưu lại không quá 45 phút. “Tìm đường tham quan nhà cổ và các di tích ở Đường Lâm rất khó” – chị Nguyễn Thu Hương – một khách du lịch chia sẻ. Biển chỉ dẫn làng cổ nằm cách xa cổng làng Mông Phụ. Dạo bộ tham quan nhanh cũng mất 2 tiếng mới đi hết làng cổ Đường Lâm, nhưng cả làng chỉ có một nhà vệ sinh công cộng… “Sản phẩm văn hóa du lịch ở Đường Lâm rất nghèo” – chị Hương nhận xét.
Theo Phó Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây Nguyễn Huy Khánh, chính quyền đang nỗ lực làm hồ sơ xin điều chỉnh khoanh vùng khu vực II di tích làng cổ Đường Lâm, tập trung vào các giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm, tạo thêm các sản phẩm du lịch đa dạng, hấp dẫn, “phủ sóng” tới nhiều hộ dân hơn để số hộ gia đình được hưởng lợi từ du lịch di sản đạt 20%... Nhưng đó vẫn chưa phải là giải pháp gỡ được nút thắt cho những khó khăn ở Đường Lâm. “Cách bảo tồn và phát huy giá trị ở Đường Lâm hiện nay còn manh mún và chưa đủ tầm” – PGS.TS Đặng Văn Bài nhận xét. Theo PGS Bài, cần xây dựng đề án phát triển du lịch của Đường Lâm, trong đó có sự chung tay của phía cơ quan du lịch và văn hóa.